Thực hiện chính sách Bảo hiểm: Giải pháp tối ưu cho nhiều đối tượng
Theo đánh giá của Bộ Y tế, công tác triển khai ứng dụng CNTT trong khám, chữa bệnh (KCB) và thanh toán BHYT tại các địa phương và cơ sở y tế thời gian qua đã cho thấy những hiệu quả bước đầu.
- 20-03-2017Thông tuyến bảo hiểm y tế làm mờ vai trò trạm y tế?
- 19-03-2017[Infographic] Ngành bảo hiểm năm 2016: Thêm 4.100 tỷ rót vào các doanh nghiệp
- 19-03-2017Có sự trục lợi quỹ bảo hiểm từ khi thông tuyến
- 15-03-2017Thị trường bảo hiểm Việt Nam tăng trưởng thế nào sau 5 năm?
- 15-03-2017Sẽ giảm mức đóng bảo hiểm thất nghiệp
Cơ sở y tế giảm được nhiều thủ tục giấy tờ nhờ CNTT, đẩy nhanh thủ tục hành chính trong thanh toán BHYT, giám sát Quỹ BHYT. Người bệnh cũng được hưởng lợi, khi ở nhà cũng có thể gửi tin nhắn để đặt lịch, lấy số khám; những ca bệnh ở vùng sâu, vùng xa cũng được hội chẩn nhanh chóng cùng các chuyên gia tuyến trên.
Nhiều đối tượng cùng hưởng lợi
Theo Phó Vụ trưởng Vụ BHYT - Bộ Y tế, Đặng Hồng Nam, đến tháng 2.2017, tỷ lệ kết nối liên thông dữ liệu giữa cơ sở y tế với bảo hiểm xã hội (BHXH) trên toàn quốc đạt 94%. Công tác ứng dụng CNTT trong KCB và thanh toán BHYT đã đạt được một số kết quả nổi bật. Bộ Y tế và BHXH Việt Nam đã xây dựng và ban hành mô hình kiến trúc tổng thể về hệ thống thông tin KCB và thanh toán chi phí KCB BHYT theo Nghị quyết số 36a/NQ-CP của Chính phủ, làm cơ sở để triển khai các hoạt động về tin học hóa trong BHYT một cách khoa học và có kế hoạch. Các Sở Y tế, cơ sở KCB tại 63 tỉnh, thành phố trên cả nước cũng đồng hành với Bộ Y tế và tích cực thúc đẩy mạnh mẽ ứng dụng CNTT trong quản lý KCB.
Theo BHXH Việt Nam, thực tế triển khai công tác ứng dụng CNTT kết nối liên thông dữ liệu KCB cũng cho thấy, số lượng hồ sơ của các cơ sở y tế bị từ chối do chưa chuẩn danh mục dùng chung đến tháng 1.2017 là 13%; tỷ lệ bị từ chối một phần là 39%. Bên cạnh đó, phần mềm quản lý KCB đang sử dụng tại các cơ sở KCB do nhiều doanh nghiệp cung cấp, nhiều phần mềm không được chỉnh sửa, cập nhật kịp thời, nên chưa đáp ứng yêu cầu trích xuất dữ liệu theo các biểu mẫu thanh toán, quyết toán theo quy định BHYT.
Về phía các cơ sở KCB, từ thực tế hiện nay cho thấy nhờ ứng dụng CNTT, Bộ Y tế đã chỉ đạo một số bệnh viện tuyến Trung ương triển khai Telemedicine, hỗ trợ các bệnh viện vệ tinh ở tuyến tỉnh, tuyến huyện bước đầu có kết quả rất khả quan.
Các bệnh viện tuyến Trung ương thường xuyên hội chẩn trong KCB cho một số bệnh viện tuyến tỉnh góp phần nâng cao hiệu quả cấp cứu, phẫu thuật. Bệnh nhân ở các bệnh viện tuyến huyện vẫn có thể được các giáo sư, bác sĩ giỏi đầu ngành từ các BV hàng đầu tuyến Trung ương, các thầy thuốc tại tuyến tỉnh tư vấn, hội chẩn, KCB từ xa. Người bệnh và gia đình không phải mất thêm chi phí cho việc đi lại, ăn ở khi phải chuyển lên tuyến trên; đồng thời góp phần giải quyết tình trạng quá tải ở các bệnh viện tuyến trên.
Đẩy mạnh kết nối liên thông dữ liệu...
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế, Phạm Lê Tuấn, tại Hội nghị triển khai công tác y tế năm 2017, vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải tiến quy trình thanh toán KCB BHYT, thực hiện kết nối liên thông toàn bộ hệ thống KCB của các cơ sở y tế để thuận lợi trong việc thanh toán và giám định BHYT cũng như tạo điều kiện thuận tiện trong việc KCB cho người dân. Trước những yêu cầu về thực tiễn, trong thời gian qua, Bộ Y tế đã phối hợp với BHXH ứng dụng CNTT trong quản lý KCB và thanh toán BHYT.
Bộ Y tế đã ban hành Bộ mã danh mục dùng chung phiên bản số 4 và đang chuẩn bị dữ liệu đầu ra phù hợp với các cổng tiếp nhận dữ liệu, giúp các cơ sở KCB chỉ phải áp dụng, thực hiện theo một chuẩn. Đồng thời, Bộ Y tế đã hướng dẫn cơ sở KCB trích xuất dữ liệu KCB BHYT theo chuẩn dữ liệu đầu ra để chuyển lên Cổng dữ liệu y tế của Bộ và Cổng tiếp nhận dữ liệu Hệ thống thông tin giám định BHYT của BHXH Việt Nam.
Tiếp tục triển khai thực hiện kế hoạch ứng dụng CNTT trong quản lý KCB và thanh toán BHYT năm 2017, Bộ Y tế sẽ tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm như ban hành các văn bản quy phạm pháp luật; xây dựng cơ chế tài chính vận hành Hệ thống thông tin quản lý KCB BHYT; tăng cường công tác đào tạo, hướng dẫn, nâng cao năng lực cho cán bộ y tế về CNTT; tăng cường hoạt động kiểm tra, giám sát - ông Đặng Hồng Nam cho biết.
Theo đó, lộ trình thực hiện kết nối, liên thông là: 100% cơ sở KCB tuyến tỉnh và tuyến Trung ương liên thông dữ liệu KCB BHYT, bảo đảm thực hiện gửi dữ liệu điện tử thường xuyên, liên tục phục vụ giám định điện tử trước ngày 30.6.2017; 100% cơ sở KCB tuyến huyện liên thông dữ liệu KCB BHYT, bảo đảm gửi dữ liệu điện tử thường xuyên, liên tục phục vụ giám định điện tử trước ngày 31.8.2017.
Đại biểu nhân dân