MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thực phẩm được "cởi trói"

14-05-2018 - 07:16 AM | Thị trường

Việc nới lỏng điều kiện kinh doanh cho ngành thực phẩm có thể là con dao hai lưỡi nếu khâu hậu kiểm không được tăng cường đồng bộ.

Nghị định 15 của Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật An toàn thực phẩm vừa có hiệu lực đã có sự thay đổi căn bản về quan niệm quản lý thực phẩm: chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm, giảm thủ tục hành chính, tăng tính tự chủ cho doanh nghiệp (DN).

Thuận lợi hơn

Mới đây, Bộ Công Thương cũng vừa phê duyệt phương án tổng thể đơn giản hóa một loạt thủ tục hành chính và điều kiện đầu tư kinh doanh của bộ này năm 2018. Trong đó, lĩnh vực an toàn thực phẩm có 8 thủ tục được cắt giảm. Cụ thể, Bộ Công Thương bãi bỏ quy định về tài liệu trong hồ sơ cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm đối với cơ sở kinh doanh thực phẩm như: Bản sao có xác nhận của cơ sở, giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc giấy chứng nhận đăng ký DN hoặc giấy chứng nhận đầu tư có ngành nghề kinh doanh thực phẩm. Đồng thời, bãi bỏ nội dung "diện tích nhà xưởng", "hệ thống thông gió", "hệ thống chiếu sáng" tại bản thuyết minh về cơ sở vật chất.

Bà Lê Thị Thanh Lâm - Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Sài Gòn Food (TP HCM), đánh giá việc cho phép DN tự công bố sản phẩm mang lại nhiều thuận lợi cho DN, rút ngắn thời gian đưa sản phẩm ra thị trường. "Trước đây, để thực hiện thủ tục xin xác nhận công bố DN phải mất từ 2-3 tuần, cá biệt có sản phẩm mất 3-5 tháng vô cùng vất vả, còn bây giờ chỉ cần nộp hồ sơ là được sản xuất. Tuy nhiên, với Sài Gòn Food, chúng tôi nhận thức việc tự công bố sản phẩm nghĩa là tính tự chịu trách nhiệm phải cao hơn trước để tự bảo vệ thương hiệu. Tôi đã họp với phòng quản lý chất lượng của công ty, yêu cầu phải thực hiện nghiêm túc hơn trước và sẵn sàng chịu sự hậu kiểm. Điều này khác với trước đây là sau khi xin được xác nhận công bố rất hiếm khi bị hậu kiểm" - bà Lâm dẫn chứng.

Việc cắt giảm nhiều thủ tục và điều kiện kinh doanh giúp DN thực phẩm thuận lợi hơn trong việc đưa sản phẩm mới ra thị trường, không còn phải xin phép vất vả như trước đây nhưng cũng có ý kiến cho rằng việc này sẽ tạo kẽ hở cho các sản phẩm không bảo đảm an toàn ung dung ra thị trường. Đại diện một DN lo lắng cơ quan chức năng lực lượng mỏng, chỉ tập trung hậu kiểm "người có tóc" còn các cơ sở nhỏ nhởn nhơ vì không còn bị điều kiện ban đầu chặn lại. Những cơ sở nhỏ lẻ bị đánh giá là có nguy cơ cao trong việc gây mất an toàn thực phẩm.

Theo PGS-TS Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP HCM, sau khi luật cho phép DN tự công bố sản phẩm, lượng hồ sơ tăng vọt, chỉ trong 2 tháng rưỡi ban đã tiếp nhận trên 4.000 hồ sơ tự công bố sản phẩm. "Quản lý thực phẩm chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm được nhiều người ví là thả gà ra đuổi nhưng theo tôi, trước giờ quy định hậu kiểm đã có nhưng thực hiện chưa tốt. Trước đây, việc quản lý tập trung vào cấp phép ban đầu (tiền kiểm), đánh giá chủ yếu dựa vào hồ sơ theo kiểu "thi vở sạch chữ đẹp", có dịch vụ "lo" cũng không thực chất. Vì vậy, bớt thủ tục là bớt khổ cho DN còn cơ quan quản lý sẽ tập trung nhân lực, trang thiết bị cho hậu kiểm" - bà Lan phân tích.

Thực phẩm được cởi trói - Ảnh 1.

Cần tăng cường công tác hậu kiểm để bảo đảm an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng


Tập trung nơi nguy cơ cao

Theo kế hoạch triển khai công tác hậu kiểm về an toàn thực phẩm năm 2018 do Ban Chỉ đạo liên ngành trung ương về an toàn thực phẩm ban hành, các bộ và địa phương phải xây dựng kế hoạch hậu kiểm bảo đảm mục tiêu 100% sản phẩm lưu thông trên thị trường phải được kiểm tra, giám sát 1 lần/năm về công bố sản phẩm và chỉ tiêu an toàn. Công tác hậu kiểm có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào nhóm sản phẩm thuộc diện tự công bố, sản phẩm nhập khẩu thuộc diện kiểm tra giảm, sản phẩm được sản xuất bởi các cơ sở không có chứng nhận hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến như: GMP, HACCP, ISO 22000, IFS, BRS,…

Đối với các nhóm thực phẩm do ngành nông nghiệp quản lý hiện đã có sự kiểm tra phân loại DN theo nhóm A, B, C để quản lý chặt hay thông thường. Theo quy định hiện nay, DN xếp loại A sẽ được kiểm tra 1 lần/năm, loại B 2 lần/năm, loại C không bảo đảm an toàn thực phẩm phải thực hiện khắc phục để được tái kiểm để lên loại A, B mới được hoạt động. Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Vũ Văn Tám cho biết đã có đề xuất giãn kiểm tra DN được xếp loại A 2 năm/ lần thay cho 1 năm/lần như hiện nay, DN xếp loại B còn 1 năm/lần thay cho 2 lần/năm như hiện nay để tập trung nguồn lực kiểm tra DN xếp loại C. "Công tác thanh tra sẽ chuyển mạnh từ thanh tra theo kế hoạch sang đột xuất, tập trung các công đoạn có nguy cơ cao trong chuỗi ngành hàng như: giết mổ gia súc, gia cầm; sơ chế nông sản, thủy sản ban đầu nhỏ lẻ,… để kịp thời phát hiện vi phạm" - ông Tám nêu rõ.

PGS-TS Phạm Khánh Phong Lan cho biết TP HCM sẽ tập trung kiểm tra vào các cơ sở có nguy cơ cao để xảy ra mất an toàn thực phẩm, các cơ sở có hồ sơ công bố sản phẩm có nghi vấn. Để nâng hiệu quả quản lý an toàn thực phẩm, bà Lan hiến kế cần nâng cao vai trò của các hội ngành hàng để tự quản và hỗ trợ cơ quan chức năng. Theo bà Lan, ở các nước vai trò của các hội ngành hàng rất quan trọng vì họ có chuyên môn cũng như lý do cạnh tranh sẽ giám sát nhau xuyên suốt hơn cơ quan nhà nước.

Kém chất lượng vẫn an toàn!

Theo bác sĩ Trần Văn Ký (phụ trách Văn phòng phía Nam - Hội Khoa học Kỹ thuật An toàn thực phẩm Việt Nam), hồ sơ công bố sản phẩm của DN hiện nay không còn yêu cầu công bố về tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm mà chỉ cần các chỉ tiêu về an toàn thực phẩm có nghĩa là bảo đảm không gây hại đến sức khỏe, tính mạng con người. Tức thực phẩm đó chỉ cần đạt các chỉ tiêu về giới hạn kim loại nặng, vi sinh, hóa, lý…, không còn quan tâm đến chất lượng. Đối với các loại thực phẩm chế biến, việc đạt các yêu cầu này khá dễ dàng. Điều này dẫn đến việc các nhà sản xuất muốn nâng chất lượng sản phẩm bằng việc sử dụng nguyên liệu tốt không cạnh tranh được về giá với cơ sở sử dụng nguyên liệu phế phẩm, không còn chất dinh dưỡng. Có thể ví dụ trường hợp sản phẩm giò chả sử dụng thịt heo nạc loại 1 sẽ bị đánh đồng với cơ sở dùng thịt heo nạc loại 3 rồi độn bột, phụ gia, hương liệu vì cả 2 đều cho ra sản phẩm hợp pháp.

Việt Nam hiện có khoảng 10.000 loại thực phẩm đang lưu thông nhưng có rất ít loại có quy chuẩn chất lượng (tỉ lệ vài phần ngàn) để buộc các nhà sản xuất tuân theo, còn lại do DN tự chủ. Theo tôi, ngoài công bố về chỉ tiêu an toàn thực phẩm, DN phải công bố chỉ tiêu về chất lượng sản phẩm để người tiêu dùng dựa vào đó mà chọn sản phẩm phù hợp với nhu cầu.


Theo Ngọc Ánh

Người lao động

Trở lên trên