MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thực tế phũ phàng của nền kinh tế số 1 EU: Thiếu Trung Quốc thì không có xe điện, không chuyển đổi năng lượng

18-04-2023 - 22:00 PM | Tài chính quốc tế

Thực tế phũ phàng của nền kinh tế số 1 EU: Thiếu Trung Quốc thì không có xe điện, không chuyển đổi năng lượng

Hai nền kinh tế của Trung Quốc và Đức đã trở nên gắn bó chặt chẽ với nhau. Và nước Đức đang lâm vào tình thế “tiến thoái lưỡng nan” khi muốn định vị lại nền kinh tế trong mối quan hệ với Bắc Kinh giữa những căng thẳng quốc tế đang nổi lên.

Holger Engelmann - Giám đốc điều hành của nhà cung cấp ô tô Webasto - cho biết: “Nếu chúng ta không còn Trung Quốc, sự thịnh vượng ở Đức sẽ giảm sút.”

Engelmann biết mình đang nói về điều gì, vì 1/3 doanh số bán hàng của Webasto — một doanh nghiệp thuộc sở hữu gia đình có trụ sở tại Stockdorf (Đức) — là tại Trung Quốc, nơi họ cũng đang vận hành tổng cộng 11 nhà máy.

Nhập khẩu của Đức phụ thuộc vào Trung Quốc

Kênh DW nhận định, đối với Đức, Trung Quốc là đối tác thương mại quan trọng nhất, tiếp theo là Mỹ - quốc gia đã rút ngắn khoảng cách trong những năm gần đây. Xét về nhập khẩu, có thể nói rằng nền kinh tế lớn nhất của châu Âu đang phụ thuộc vào Trung Quốc.

Carsten Brzeski - nhà kinh tế học tại ngân hàng ING của Hà Lan - mô tả sự phụ thuộc là "cực kỳ cao", đặc biệt là đối với nguyên liệu thô và các sản phẩm trung gian.

"Nó mạnh hơn đáng kể so với sự phụ thuộc của Mỹ vào Trung Quốc... và nó cũng lớn hơn sự phụ thuộc của Pháp vào Trung Quốc" , ông nói với phóng viên DW.

Thực tế phũ phàng của nền kinh tế số 1 EU: Thiếu Trung Quốc thì không có xe điện, không chuyển đổi năng lượng - Ảnh 1.

Trong năm 2022, các công ty ô tô Đức như Volkswagen, Mercedes và BMW đã bán gần 40% số ô tô của họ tại Trung Quốc. Ảnh: picture-alliance

Trung Quốc từ lâu đã rũ bỏ hình ảnh là công xưởng của thế giới, chủ yếu phục vụ các quốc gia công nghiệp hóa như Đức. Với kế hoạch "Made in China 2025", Bắc Kinh đã bắt tay vào thực hiện chính sách công nghiệp do nhà nước lãnh đạo nhằm tìm cách đưa Trung Quốc chiếm ưu thế trong lĩnh vực sản xuất công nghệ cao toàn cầu.

'Không thể chuyển đổi năng lượng' nếu không có Trung Quốc

Theo kênh DW, đối với một số lĩnh vực, kế hoạch của Trung Quốc đã đơm hoa kết trái. Ví dụ, trong việc sản xuất pin cho xe điện, chỉ riêng nhà sản xuất CATL của nước này đã cung cấp khoảng 1/3 tổng số pin cần thiết cho ô tô điện trên toàn thế giới. Khoảng 80% pin lithium-ion cho xe điện trên toàn thế giới đến từ Trung Quốc.

Ông Brzeski nói: “Nếu không có Trung Quốc, sẽ không có ô tô điện; không có Trung Quốc, không có quá trình chuyển đổi năng lượng; không có Trung Quốc, không có pin mặt trời trên mái nhà của chúng tôi."

Đối với chuyên gia Brzeski, rõ ràng là không thể cắt đứt quan hệ kinh tế của Đức với Trung Quốc, "đặc biệt là trong ngắn hạn" .

Mikko Huotari - Giám đốc điều hành Viện Nghiên cứu Trung Quốc Mercator - cho rằng "giảm thiểu rủi ro" nên là mệnh lệnh hàng ngày trong "tình hình khó khăn" hiện nay.

Ông nói trong một cuộc phỏng vấn gần đây với Đài phát thanh công cộng Đức Deutschlandfunk: "Chúng tôi đang ở trong trò chơi kép này: một mặt là duy trì sự ổn định, cũng như các mối quan hệ kinh doanh. Nhưng đồng thời, chúng tôi đang cố gắng giảm bớt những điểm yếu của chính mình tại đây."

Thực tế phũ phàng của nền kinh tế số 1 EU: Thiếu Trung Quốc thì không có xe điện, không chuyển đổi năng lượng - Ảnh 2.

Trung Quốc đã giành được vị trí thống trị thế giới trong lĩnh vực sản xuất tấm pin mặt trời. Ảnh: picture alliance

Nhưng theo chuyên gia Brzeski, Đức có rất ít dư địa để thay đổi. "Kể từ khi chiến sự bùng nổ ở Ukraine, phản xạ đầu tiên là nói: 'Bây giờ chúng ta phải tập trung nhiều hơn vào các nước thân thiện và chấm dứt hoặc giảm bớt sự phụ thuộc của chúng ta vào Trung Quốc'. Nhưng điều đó hoàn toàn không thể", ông nhấn mạnh.

Sự thận trọng mới của phương Tây đối với Trung Quốc

Ngược lại, theo kênh DW, nhiều công ty Trung Quốc đã đầu tư vào Đức và thị trường châu Âu, đồng thời giành được quyền tiếp cận thông qua một số thương vụ mua lại quyền sở hữu.

Việc tập đoàn Midea của Trung Quốc tiếp quản công ty Kuka - nhà sản xuất robot công nghiệp số 1 thế giới, có trụ sở tại Augsburg (Đức) được coi là một sự kiện chấn động vào năm 2016. Nhưng 7 năm sau, nhà sản xuất ô tô hàng đầu của Đức Mercedes-Benz hiện có hai nhà đầu tư Trung Quốc là cổ đông lớn nhất.

Theo kênh DW, mặc dù những lo ngại ở Đức về ảnh hưởng nặng nề từ Bắc Kinh chưa bao giờ thành hiện thực, nhưng các nhà đầu tư đến từ Trung Quốc ngày càng bị nghi ngờ.

Trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị gia tăng, chính phủ các nước phương Tây đang cố gắng hạn chế ảnh hưởng của Bắc Kinh, hoặc ít nhất là giữ cho thị trường nội địa và cơ sở hạ tầng quan trọng của họ xa khỏi tầm tay của các công ty Trung Quốc.

Kênh DW nhận định, với một thế giới mới và đa cực trong kinh doanh và chính trị chỉ mới bắt đầu xuất hiện, Đức vẫn chưa xác định được vị trí của mình trong đó.

Theo Hữu Hiển

Nhịp Sống Thị Trường

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên