Thúc tiến độ điều tra phòng vệ với đường mía nhập khẩu từ Thái Lan
Núp dưới “bóng” thương mại tự do ATIGA, dòng đường từ Thái Lan được Chính phủ nước này trợ cấp, bán phá giá, đã tràn vào Việt Nam đe dọa làm thiệt hại nghiêm trọng đến ngành sản xuất trong nước.
- 10-12-2020Thái Lan đang làm gì để bảo hộ ngành mía đường?
- 05-12-2020Ngành mía đường “tổn thương” thế nào?
- 03-12-2020Ngành mía đường Ðồng bằng sông Cửu Long: Trước nguy cơ xóa sổ
Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA) vừa có kiến nghị Bộ Công Thương mau chóng áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại đối với đường nhập khẩu để bảo vệ sản xuất trong nước trước tác động bán phá giá của đường nhập khẩu (chủ yếu là đường xuất xứ từ Thái Lan) gây thiệt hại nghiêm trọng đối với ngành mía đường.
Theo số liệu của Văn phòng Hội đồng Đường Thái Lan, các loại đường và giá trị xuất khẩu đường của Thái Lan vào Việt Nam chỉ trong 7 tháng đầu năm 2020 đã lên đến 769.117 tấn, kim ngạch khoảng 252,1 triệu USD.
VSSA phản ánh, ngay sau khi Việt Nam thực thi cam kết ATIGA xóa bỏ hàng rào hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường từ ASEAN ngày 1/1/2020, những tháng đầu năm 2020, một lượng đường nhập khẩu lớn đã tràn vào thị trường Việt Nam. Ước tính trong năm 2020, lượng đường nhập khẩu vào Việt Nam lên đến hàng triệu tấn, trong đó đường nhập khẩu từ Thái Lan chiếm khoảng 80-90%.
Nguyên nhân sản lượng mía và đường niên vụ 2019/2020 đều sụt giảm mạnh, ngoài các yếu tố do thiên tai, dịch bệnh..., theo VSSA là giá đường xuống thấp do tác động cạnh tranh của các loại đường giá rẻ có nguồn gốc nước ngoài, đường nhập lậu và gian lận thương mại đường nhập lậu, kéo theo giá đường trong nước và giá mía nguyên liệu tụt giảm thê thảm.
Giá đường trong nước sụt giảm, nhiều nhà máy bị tồn kho cao, kinh doanh thua lỗ, dù đã cố gắng để kìm hãm đà tụt giảm giá mua mía nguyên liệu cho người nông dân nhằm duy trì vùng nguyên liệu để hoạt động, nhưng vẫn không ngăn được tình trạng nông dân bỏ cây mía, chuyển đổi sang cây trồng khác, do giá mía không bù đắp được chi phí sản xuất và không có lãi.
Theo báo cáo của VSSA, niên vụ 2019/2020, sản lượng đường sản xuất trong nước chỉ đạt 913.397 tấn, giảm 405.979 tấn (34,58%) so với vụ trước; trong đó, đường sản xuất từ mía chỉ đạt 767.954 tấn, còn lại là sản xuất từ đường thô nhập khẩu (145.443 tấn).
Số liệu do các nhà máy đường báo cáo cũng cho thấy, niên vụ 2019/2020, sản lượng mía nguyên liệu đưa vào chế biến chỉ đạt 7.662.235 tấn (kế hoạch dự kiến đầu vụ là 9.750.475 tấn). Đây là niên vụ có sản lượng mía tiêu thụ, đưa vào chế biến thấp nhất trong 19 năm qua.
Trước đây, cả nước có 40 nhà máy mía đường hoạt động thì trong niên vụ 2019-2020 chỉ còn 29 nhà máy mía hoạt động.
Niên vụ 2020 - 2021, dự báo sẽ là một năm tiếp tục nhiều khó khăn với ngành mía đường Việt Nam, dự kiến sẽ có thêm 4 nhà máy đường gồm Sơn Dương, Nông Cống, Vạn Phát và Phổ Phong tiếp tục đóng cửa do không đảm bảo nguồn nguyên liệu, hoạt động không có hiệu quả.
Đối với đường Thái Lan nhập khẩu vào Việt Nam, theo số liệu của Văn phòng Hội đồng Đường Thái Lan, các loại đường và giá trị xuất khẩu đường của Thái Lan vào Việt Nam chỉ trong 7 tháng đầu năm 2020 đã lên đến 769.117 tấn, kim ngạch khoảng 252,1 triệu USD. Bình quân giá đường Thái Lan xuất khẩu (gồm cả đường thô và đường tinh luyện), chỉ ở mức 327,7 USD/tấn. Giá đường xuất khẩu của Thái Lan thấp hơn cả chi phí mía trong đường, bởi niên vụ 2019/2020, tại Thái Lan, chỉ tiêu chế biến của ngành đường được xác định là 9,13 mía/đường. Thực tế này cho thấy, tính chất phá giá của đường Thái Lan bán vào thị trường Việt Nam là khá rõ.
Ngoài ra, mặc dù là một quốc gia ASEAN đã thực thi ATIGA từ năm 2015, nhưng tháng 3/2020, Chính phủ Thái Lan vẫn thông qua một Nghị quyết nhằm hạn chế dòng đường nhập khẩu vào thị trường Thái Lan. Như vậy, không có chuyện có thương mại tự do với sản phẩm đường tại Thái Lan theo cam kết ATIGA.
Niên vụ 2020 - 2021, dự báo sẽ là một năm tiếp tục nhiều khó khăn với ngành mía đường Việt Nam.
Trên cơ sở hồ sơ yêu cầu của các doanh nghiệp đại diện cho ngành, tháng 9/2020, Bộ Công Thương ban hành Quyết định số 2466/QĐ-BCT về việc tiến hành điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá và chống trợ cấp đối với một số sản phẩm đường mía có xuất xứ từ Thái Lan.
Bên cạnh đó, tháng 6/2020, Bộ Công Thương ban hành Quyết định số 1715/QĐ-BCT về việc tiến hành điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với một số sản phẩm đường lỏng chiết xuất từ tinh bột ngô (còn gọi là HFCS) có xuất xứ từ Trung Quốc và Hàn Quốc.
Theo VSSA, Bộ Công Thương cần khẩn trương đẩy nhanh quá trình điều tra để đưa ra kết luận, sớm áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại chống bán phá giá, chống trợ cấp đối với sản phẩm đường xuất xứ từ Thái Lan nhập khẩu vào Việt Nam, để bảo vệ ngành mía đường trong nước.
Diễn đàn doanh nghiệp