Thúc tiến độ dự án cao tốc hơn 31.000 tỉ đồng
Dự án đường cao tốc Bến Lức - Long Thành có nguy cơ không hoàn thành vào năm 2020 nếu các thủ tục, chính sách liên quan đến giải phóng mặt bằng không được tháo gỡ
Ngày 16-5, tại TP HCM, đoàn công tác của Bộ Giao thông Vận tải đã làm việc với UBND tỉnh Đồng Nai, TP HCM để đánh giá thực trạng, tìm hướng tháo gỡ đối với những bất cập hiện nay của dự án đường cao tốc Bến Lức - Long Thành nhằm đẩy nhanh tiến độ hoàn thành vào năm 2020. Dự án do Tổng Công ty Đầu tư Phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) làm chủ đầu tư.
Nhiều gói thầu chậm tiến độ
Qua ghi nhận, dọc tuyến cao tốc này từ khu vực Quốc lộ 1 (huyện Bình Chánh, TP HCM) đến cuối tuyến huyện Long Thành (tỉnh Đồng Nai), nhiều đoạn đã hoàn thiện việc thảm nhựa phần đường và đang lắp dải phân cách... Những nhịp cầu cuối cùng đang dần được kết nối với tuyến cao tốc TP HCM - Trung Lương về các tỉnh miền Tây. Một số đoạn qua huyện Bình Chánh cũng đang dần hoàn thiện, người dân trong vùng có thể chạy xe đi tắt ra Quốc lộ 1. Tuy nhiên, khá nhiều đoạn việc thi công vẫn dang dở do mặt bằng chưa được liên thông.
Tại gói thầu A2-1 (thuộc tỉnh Long An), không khí thi công khá nhộn nhịp, nhà thầu đã huy động nhiều máy móc thiết bị đẩy nhanh tiến độ thi công. Một cán bộ chỉ huy thi công gói thầu cho biết do đã có mặt bằng sạch, nhà thầu đang tập trung nhân lực, thiết bị đẩy nhanh tiến độ. Đến cuối tháng 4-2019, cơ bản hoàn thành tuyến chính và tháng 6-2019 sẽ bàn giao công trình. Trong khi đó, gói thầu A2-2 công trường vẫn ngổn ngang và phải thi công cầm chừng do mặt bằng không có.
Theo ông Lê Mạnh Hùng, Giám đốc Ban Quản lý dự án các đường cao tốc phía Nam (SEPMU) thuộc VEC, tuyến cao tốc này qua địa bàn tỉnh Đồng Nai có 3 gói thầu sử dụng nguồn vốn vay Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB). Hiện còn 116 trường hợp chưa bàn giao mặt bằng, với khoảng 18 ha. Trong khi đó, vẫn còn một số hộ cản trở, gây khó khăn cho công tác triển khai thi công trên tuyến. Riêng địa bàn TP HCM, hiện cũng đang tồn tại 26 hộ dân ở huyện Bình Chánh chưa bàn giao mặt bằng, trong đó có một số trường hợp do tranh chấp, chưa được giải quyết.
Nhìn chung, tổng khối lượng thi công dự án xây dựng đường cao tốc Bến Lức - Long Thành (đi qua địa bàn các tỉnh, thành Long An, TP HCM và Đồng Nai) mới đạt hơn 70%, như vậy tiến độ chậm trễ so với kế hoạch. Vướng mắc lớn nhất của dự án này là giải phóng mặt bằng, trong đó tập trung chính ở tỉnh Đồng Nai và TP HCM.
Nhiều đoạn của tuyến cao tốc Bến Lức - Long Thành đang dần hoàn thiện. Ảnh: XUÂN GIANG
Kiến nghị của chủ đầu tư và cam kết của địa phương
Theo SEPMU, gói thầu J1 (cầu Bình Khánh), J3 (cầu Phước Khánh) nguồn vốn JICA (Nhật Bản), tiến độ cơ bản bảo đảm. Trong đó, các gói J2, A3 đã hoàn thành và đang chờ kết nối toàn tuyến. Tuy nhiên, tại tỉnh Đồng Nai, các gói thầu A5, A6 và A7, tiến độ đang rất chậm. Cụ thể, với gói thầu A5, tiến độ mới đạt 28,91% (chậm 23,78%), gói A6 đạt 16,95% (chậm 5,58%) và gói A7 mới đạt 15% (chậm 24,57%). Theo kế hoạch, các gói thầu này hoàn thành vào tháng 12-2020 nhưng tiến độ bàn giao mặt bằng cho nhà đầu tư vẫn ì ạch, chưa tiến triển nhiều.
Ông Lê Mạnh Hùng cho biết để hoàn thành đoạn tuyến của cao tốc Bến Lức - Long Thành qua tỉnh Đồng Nai trước ngày kết thúc hiệp định vay vốn ADB (14-12-2020), việc giải phóng mặt bằng trên địa bàn tỉnh phải hoàn thành trong tháng 6-2019. Do đó, đơn vị này kiến nghị UBND tỉnh Đồng Nai chỉ đạo Sở Tài chính tỉnh trình đơn giá đất ở 2 huyện Nhơn Trạch và Long Thành làm cơ sở tiến hành các thủ tục vận động và có biện pháp hành chính. "Hiệp định vay vốn ADB khi hết hạn không thể gia hạn thêm, trong khi thời gian còn lại để thi công các hạng mục không nhiều nên công tác bàn giao mặt bằng phải gấp rút tháo gỡ thì dự án mới hoàn thành theo đúng kế hoạch" - ông Hùng nói.
Bên cạnh đó, phía SEPMU cũng đề nghị UBND huyện Long Thành, Nhơn Trạch cần xem xét giải quyết nhanh các vấn đề liên quan đến giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư, khai thác thủy sản ảnh hưởng đến thi công... Về phía Bộ Giao thông Vận tải, đơn vị trên kiến nghị bổ sung vốn năm 2019 cho huyện Nhơn Trạch và Long Thành để thực hiện bồi thường, xây dựng hạ tầng tái định cư...
Trước đề nghị trên, ông Trần Văn Vĩnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, yêu cầu các sở, ngành phối hợp với 2 huyện Long Thành, Nhơn Trạch gấp rút triển khai công tác bàn giao mặt bằng cho nhà đầu tư. Đối với các trường hợp khiếu nại chờ tòa án giải quyết, cần đối thoại và có văn bản trả lời theo quy định pháp luật… nhằm bàn giao mặt bằng trong tháng 6-2019 để tiếp tục thi công.
Trong khi đó, tại TP HCM, Phó Chủ tịch UBND TP Trần Vĩnh Tuyến chiều 16-5 cũng cho biết hiện có 4 hộ cam kết bàn giao mặt bằng trong tháng 5 và những hộ còn lại TP sẽ cố gắng thực hiện di dời trong tháng 6-2019.
Trước những vấn đề trên, ông Nguyễn Ngọc Đông, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải, giao VEC phối hợp tỉnh Đồng Nai và TP HCM đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng, đồng thời giao các đơn vị phối hợp rà soát, xử lý nguồn vốn để hỗ trợ, tái định cư cho người dân bị ảnh hưởng bởi dự án. "Giữa tháng 6 phải cơ bản xử lý dứt điểm các vướng mắc để bàn giao cho nhà đầu tư. Trên cơ sở đó, VEC phải chỉ đạo nhà thầu, tư vấn hoàn tất tiến độ thi công trên cơ sở khung thời gian này" - ông Đông chỉ đạo.
Giảm áp lực giao thông
Tuyến cao tốc Bến Lức - Long Thành dài 57,7 km, vốn đầu tư hơn 31.000 tỉ đồng (khoảng 1,6 tỉ USD), được khởi công tháng 7-2014, đi qua các tỉnh Long An, TP HCM và Đồng Nai. Đây là dự án đường bộ cao tốc dài và lớn nhất miền Nam, dự kiến thông xe cuối năm 2018, song đã lùi tiến độ hoàn thành vào cuối 2020. Dự án này được kỳ vọng kết nối giao thông giữa các tỉnh, thành Đồng Nai, TP HCM, Long An, đồng thời giảm áp lực giao thông và tạo đà phát triển cho vùng kinh tế trọng điểm khu vực phía Nam.
Người lao động