MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thức xuyên đêm làm 10.000 mặt nạ giấy bồi cho Tết Trung thu

22-08-2022 - 16:05 PM | Thị trường

Để kịp giao hàng số lượng lớn cho Tết Trung thu, gia đình ông Đông đã chuẩn bị từ năm ngoái. Trong những ngày cao điểm, ông phải sơn vẽ gần như thâu đêm.

Thức xuyên đêm làm 10.000 mặt nạ giấy bồi cho Tết Trung thu - Ảnh 1.

Chỉ còn chưa đầy một tháng nữa là đến Tết Trung thu 2022 nên làng nghề thôn Ông Hảo, xã Liêu Xá (Yên Mỹ, Hưng Yên) đang tất bật sản xuất các loại đồ chơi để cung cấp cho các tỉnh thành trên cả nước.

Thức xuyên đêm làm 10.000 mặt nạ giấy bồi cho Tết Trung thu - Ảnh 2.

Ông Vũ Huy Đông (người có thâm niên gần 40 năm gắn bó với nghề truyền thống của làng) cho biết làng nghề thôn Ông Hảo vốn nổi tiếng làm đồ chơi trung thu truyền thống. Các sản phẩm chủ yếu là trống, đầu lân, mặt nạ giấy bồi… Đến nay, cả làng còn khoảng 10 hộ vẫn bám trụ với nghề này. Trong đó, nhà ông Đông là một trong những hộ chuyên sản xuất mặt nạ giấy bồi quy mô lớn. Những ngày này, nhiều khi gia đình ông phải thức xuyên đêm sơn vẽ mặt nạ để kịp giao hàng cho các đại lý.

Thức xuyên đêm làm 10.000 mặt nạ giấy bồi cho Tết Trung thu - Ảnh 3.

Chiếc mặt nạ hoàn thiện phải trải qua 3 công đoạn: bồi thô, sơn vẽ và hoàn thiện đóng gói. Mặt nạ được tạo hình bằng cách bồi giấy bìa trắng lên khuôn xi măng đúc sẵn, sử dụng hồ bột sắn để kết dính các lớp giấy. Sau khi phơi khô, mặt nạ giấy được người thợ sơn, vẽ tay, “thổi hồn” trở thành những hình thù ngộ nghĩnh.

Thức xuyên đêm làm 10.000 mặt nạ giấy bồi cho Tết Trung thu - Ảnh 4.

Ông Đông chia sẻ vẽ tạo hình là công đoạn khó và yêu cầu cao nhất. Khi vẽ, ông phải chú ý các chi tiết như mắt, miệng, lông mày bởi nó quyết định “cái hồn”, vẻ đẹp của một chiếc mặt nạ. Trung bình ông Đông mất 15 - 20 phút sơn vẽ cho mỗi chiếc.

Thức xuyên đêm làm 10.000 mặt nạ giấy bồi cho Tết Trung thu - Ảnh 5.

Những chiếc mặt nạ làng ông Hảo nổi tiếng bởi mang nét đặc trưng riêng. Chúng thân thuộc, gần gũi, gắn liền với các nhân vật trong truyện tranh dân gian như: chú Tễu, ông Địa, hay mặt nạ 12 con giáp. Không chỉ được trẻ nhỏ mà người lớn cũng yêu thích những chiếc mặt nạ giấy bồi này.

Thức xuyên đêm làm 10.000 mặt nạ giấy bồi cho Tết Trung thu - Ảnh 6.

Để kịp sản xuất số lượng mặt nạ giấy bồi cung cấp cho các đại lý mỗi dịp Tết Trung thu, gia đình ông Đông phải làm từ tháng 9 âm lịch năm ngoái; đến đầu tháng 5 âm lịch năm nay thì bước vào giai đoạn sơn vẽ, hoàn thiện. Giá bán sỉ mỗi chiếc mặt nạ dao động từ 15.000 - 20.000 đồng. Ngoài cung cấp chủ yếu cho thị trường Hà Nội, ông còn đổ sỉ đi nhiều tỉnh thành khác như: Hải Dương, Hải Phòng, Đà Nẵng... Trung bình mỗi năm, nhà ông bán ra khoảng 10.000 chiếc mặt nạ.

Thức xuyên đêm làm 10.000 mặt nạ giấy bồi cho Tết Trung thu - Ảnh 7.

Mặt nạ giấy bồi được vẽ và làm hoàn toàn thủ công bằng những nguyên liệu tự nhiên, đơn giản như: tre, nứa, giấy, bìa cát-tông... Nhưng mỗi chiếc mặt nạ vẽ ra đều rất “có hồn”, thể hiện được thần thái của nhân vật, mang đậm nét truyền thống của làng nghề đồ chơi Trung thu.

Thức xuyên đêm làm 10.000 mặt nạ giấy bồi cho Tết Trung thu - Ảnh 8.

Làng Ông Hảo cũng được biết đến với nghề làm trống gỗ thủ công. Gắn bó với nghề khoảng 40 năm, cơ sở sản xuất trống gỗ của ông Vũ Duy Linh cũng đang tất bật hoàn thiện hàng trăm chiếc trống phục vụ thị trường Tết Trung thu. Theo ông Linh, nguyên liệu chính để làm trống thường là gỗ bồ đề hoặc gỗ mỡ bởi tính chất mềm và nhẹ. Thân trống sau khi trải qua nhiều công đoạn như tiện, sơn, phơi rồi đến làm kín sẽ được mang đi bưng để làm mặt trống. Da trâu chính là nguyên liệu làm mặt trống. Tiếng trống có vang, có trong hay không một phần chính là nhờ da.

Thức xuyên đêm làm 10.000 mặt nạ giấy bồi cho Tết Trung thu - Ảnh 9.

Công đoạn bưng da đòi hỏi sự khéo léo, tỉ mỉ. Nếu bưng quá căng, trống sẽ không tròn tiếng. Ngược lại nếu quá chùng thì tiếng sẽ non, sản phẩm nhanh hỏng.

Thức xuyên đêm làm 10.000 mặt nạ giấy bồi cho Tết Trung thu - Ảnh 10.

Sau khi đóng mặt trống xong, người thợ sẽ sơn đỏ xung quanh tang trống và đóng tai.

Thức xuyên đêm làm 10.000 mặt nạ giấy bồi cho Tết Trung thu - Ảnh 11.

Tùy thuộc vào kích cỡ, giá thành của mỗi chiếc trống sẽ dao động từ 20.000 - 100.000 đồng.

Thức xuyên đêm làm 10.000 mặt nạ giấy bồi cho Tết Trung thu - Ảnh 12.

Những chiếc trống thành phẩm đều có đủ mọi kích thước và sẵn sàng đi đến tất cả mọi tỉnh thành trên cả nước. Mặc dù là nghề chính nhưng thu nhập chủ yếu là “lấy công làm lãi”, nhưng những người dân nơi đây vẫn quyết tâm giữ bằng được cái nghề mà ông cha để lại.

Theo Thúy Hà

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên