Thuế môi trường từ xăng dầu “hòa chung” với ngân sách
Thuế bảo vệ môi trường không phải là khoản thu mang tính đối giá và hoàn trả trực tiếp, không quy định sử dụng cho các nhiệm vụ chi cụ thể.
- 06-04-2017Thận trọng với tăng thuế xăng dầu
- 04-04-2017Thuế xăng dầu cao nhất 8.000 đồng/lít: Diễn biến mới từ Bộ Tài chính
- 11-02-2017Tăng thuế xăng dầu: Thu 40.000 tỷ, chi hơn 12.000 tỷ
Dự kiến tháng 10/2017, Chính phủ sẽ trình Quốc hội xem xét thông qua Luật Thuế bảo vệ môi trường. Một trong những nội dung đáng chú ý là tăng khung thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu để đảm bảo lợi ích quốc gia, chủ động ứng phó với diễn biến giá dầu thị trường và cắt giảm thuế nhập khẩu theo cam kết quốc tế.
Trao đổi về dự án Luật Thuế bảo vệ môi trường sửa đổi, mới đây đại diện Bộ Tài chính cho biết, khung thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu sẽ tăng từ 3.000 - 8000 đồng/lít, cao hơn khung thuế từ 1.000 - 4.000 đồng/lít như hiện nay.
Nguồn thu từ thuế xăng dầu đối với xăng dầu sẽ được chi bảo vệ môi trường trực tiếp và gián tiếp. (Ảnh minh họa: KT)
Lý giải căn cứ đề xuất tăng khung thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu, ông Phạm Đình Thi, Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế, Bộ Tài chính cho biết, đây là việc làm cần thiết trong bối cảnh hội nhập phải cắt giảm dần thuế nhập khẩu theo cam kết quốc tế. Từ năm 2018, thuế nhập khẩu xăng dầu từ các nước ASEAN sẽ về 0%.
Ngoài ra, khung thuế mới này còn nhằm đối phó với những biến động của giá xăng dầu thế giới. Mặt khác, giá xăng dầu tại Việt Nam đang thấp hơn 130 nước và tỷ lệ thuế trên giá bán lẻ xăng dầu cũng thấp hơn nhiều nước.
Cụ thể, theo ông Phạm Đình Thi, tỷ lệ thuế trên giá cơ sở của mặt hàng xăng (bao gồm cả thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế bảo vệ môi trường và thuế giá trị gia tăng) của Việt Nam là 37,5%. Trong khi đó, tỷ lệ này ở Hàn Quốc lên tới hơn 70%, Campuchia khoảng 40%, Lào là 56%, Philippines khoảng 62%, Thái Lan là 67%…
Ông Phạm Đình Thi cũng cho biết, hiện chưa có đánh giá về tác động của việc tăng thuế bảo vệ môi trường đối với giá bán xăng dầu ở Việt Nam, cũng như sức ảnh hưởng đổi với nền kinh tế. Bởi lẽ, khung thuế sẽ do Quốc hội quyết định, còn mức thuế là bao nhiêu trong khung thuế từ 3.000 - 8.000 đồng/lít sẽ do Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định, khi đó mới có thể tính cụ thể mức tăng tỷ lệ thuế trong giá cơ sở.
“Mức tăng thế nào sẽ cân nhắc dựa trên tình hình kinh tế - xã hội của đất nước, đánh giá tác động tới sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, tới đời sống người dân. Hiện Bộ Tài chính mới đề xuất khung thuế nên chưa ảnh hưởng đến giá bán lẻ xăng dầu”, ông Thi nói.
Về số thu từ thuế bảo vệ môi trường, Bộ Tài chính cho biết, tổng thu thuế bảo vệ môi trường giai đoạn 2012-2016 là gần 106.000 tỷ đồng (trong đó năm 2016 là hơn 44.300 tỷ đồng), chiếm tỷ trọng khoảng 1,36% - 4,27% tổng thu Ngân sách Nhà nước.
Trước băn khoăn, lo ngại về việc thu thuế môi trường ngày càng tăng nhưng chi ít, chi không đúng mục đích cho bảo vệ môi trường, ông Phạm Đình Thi - Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế khẳng định, khoản thu từ thuế bảo vệ môi trường không phải là khoản thu mang tính đối giá và hoàn trả trực tiếp, không quy định sử dụng cho các nhiệm vụ chi cụ thể mà “hòa chung” với Ngân sách Nhà nước.
Do đó, khoản thu này được sử dụng để bố trí, đảm bảo an ninh quốc phòng, điều chỉnh các hoạt động sản xuất, kinh doanh, quản lý và hoạt động định hướng phát triển kinh tế - xã hội, hỗ trợ thực hiện các chính sách xã hội, cải cách tiền lương theo quy định...
Trước những băn khoăn giữa việc tăng thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu và tỷ lệ chi cho bảo vệ môi trường, ông Phạm Đình Thi cho biết, hiện nay, chi thường xuyên cho sự nghiệp bảo vệ môi trường đang cao hơn số thu thuế bảo vệ môi trường và dự kiến, sắp tới số chi này sẽ đạt 2% tổng chi Ngân sách Nhà nước.
“Con số 2% sẽ là chi trực tiếp cho bảo vệ môi trường, còn chi cho đầu tư phát triển, chi các dự án giao thông hay các dự án nâng cấp hệ thống xử lý nước thải… cũng là gián tiếp bảo vệ môi trường nên phải có đánh giá tác động tổng thể. Không thể nói là thu nhiều - chi ít hoặc chi không đúng mục đích”, ông Thi cho biết.
Nếu được Quốc hội thông qua vào tháng 10 năm nay thì nhanh nhất đến năm 2018 Luật Thuế bảo vệ môi trường mới có hiệu lực. Bởi vậy, đề xuất tăng thuế môi trường chưa tác động đến giá xăng dầu ngay trong năm nay./.
VOV