Thuế phí cao, lấy tiền đâu làm từ thiện?
Thuế minh bạch sẽ khuyến khích doanh nghiệp làm từ thiện. Doanh nghiệp lớn đóng góp từ thiện trên 1 tỉ đồng/năm.
- 04-05-2016Hàng loạt thuế, phí có thể miễn, giảm ngay trong năm 2016
- 17-02-2016Trăn trở vì thuế, phí
Hội thảo “Hoạt động từ thiện của doanh nghiệp Việt Nam: Thực tiễn và nhu cầu chính sách” đã ghi nhận nhiều ý kiến khác nhau xung quanh việc doanh nghiệp (DN) thực hiện các công tác từ thiện nhằm chia sẻ gánh nặng giải quyết các vấn đề xã hội với Nhà nước. Hội thảo do Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Trung tâm giáo dục và phát triển (CED), Trung tâm nâng cao năng lực cộng đồng (CECEMS), Quỹ châu Á tại Việt Nam (TAF) tổ chức ngày 16-5.
Xem xét lại chính sách thuế
Vấn đề này được TS Nguyễn Vi Khải, Viện Nghiên cứu những vấn đề phát triển (VIDS), đưa ra tại hội thảo. “Báo cáo mới đây của VCCI gửi Thủ tướng cho biết thuế phí chiếm tới hơn 40% chi phí của DN. Thế thì DN đâu còn nguồn lực mà làm từ thiện. Cho nên vấn đề thuế không đơn giản.”
Theo TS Khải, muốn các DN làm từ thiện tốt thì cần phải xem lại một cách có hệ thống chính sách thuế, phí khác đối với DN, không chỉ là vấn đề đưa các khoản từ thiện vào chi phí DN.
Bà Hoàng Ngọc Bích, Chủ tịch Mạng lưới người tự kỷ Việt Nam đồng tình và chia sẻ muốn thành lập hội rất khó nên phải liên kết với các DN để làm từ thiện. Có điều nhiều công ty có nguồn tài chính dành cho từ thiện, song lại không thể dành cho đối tượng tự kỷ vì luật chưa cho phép, mà chỉ là cho giáo dục.
“Vấn đề quan trọng hơn là làm sao để các DN hiểu rõ hơn về chính sách khấu trừ thuế cho các khoản từ thiện để có thể kết nối được với những nơi cần họ giúp đỡ”, bà Bích nói điều này khi nhận định rằng trong tương lai tự kỷ có thể thành vấn đề xã hội của Việt Nam và cần nhiều sự nỗ lực, tài trợ để giải quyết.
TS Đặng Hoàng Giang, Trung tâm Nghiên cứu phát triển hỗ trợ cộng đồng CECODES cho hay các lĩnh vực nhận được nhiều đóng góp từ thiện của DN là hỗ trợ người gặp khó khăn, cứu trợ thiên tai và giảm nghèo. “Về chính sách thuế đối với các khoản chi cho từ thiện của DN, tôi cho rằng tất cả khoản đầu tư, chi phí phi lợi nhuận cần phải được tính vào chi phí của DN, tức là không phải chịu thuế. Như thế thì các công ty sẽ sẵn sàng dành nguồn tài chính của mình để hoạt động từ thiện, góp phần cùng Nhà nước giải quyết những vấn đề của xã hội” - TS Giang nhấn mạnh.
Một số ý kiến tại hội thảo cũng than phiền rằng thủ tục khấu trừ thuế cho hoạt động từ thiện rất khó khăn và mất thời gian.
Hợp lý, minh bạch
Bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam, nêu quan điểm bên cạnh vấn đề chính sách thuế đối với hoạt động từ thiện cần phải hợp lý hơn thì việc tạo niềm tin vào hoạt động từ thiện cũng là điều quan trọng.
“Tôi từng tham gia nhiều chương trình từ thiện và rất băn khoăn làm sao để tạo ra chương trình từ thiện tốt, từ đó tạo ra niềm tin cho xã hội. Tôi từng tham gia chương trình đi bộ vì nạn nhân chất độc màu da cam nhưng số tiền thu được một phần lại được chuyển về xây nhà cho một người khác” - bà Cúc kể.
Bà Cúc là người tham gia soạn thảo nhiều chính sách thuế, trong đó có chính sách thuế đối với những khoản tài trợ của DN cho các vấn đề xã hội cần giải quyết. Bà Cúc nhìn nhận: “Hoạt động từ thiện là nghĩa cử cao đẹp nhưng đó là từ cái tâm, nếu là của DN thì lấy từ tiền của công sức và trí tuệ của họ, của cá nhân thì lấy tiền của cá nhân. Nhưng thực tế có nhiều cá nhân lấy của công đi làm thương hiệu của riêng mình” - bà Cúc nhận định.
Bà Cúc cũng lưu ý vấn đề xây nhà tình nghĩa cho người nghèo. “Làm nhà tình nghĩa cho người nghèo thì đó phải là một đối tượng người nghèo cụ thể. Mình không thể về nhà làm cho anh chị em mình mà coi là làm cho người nghèo. Cần phải tránh việc nước chảy không đúng chỗ” - bà Cúc khuyến nghị.
Trước nhiều ý kiến nói thuế hiện nay không giúp đỡ cho DN làm từ thiện, bà Cúc cho rằng nguyên nhân một phần là do công tác tuyên truyền chưa tốt. Tuy nhiên, bà Cúc cũng đồng ý rằng cần phải nghiên cứu mở rộng thêm một số lĩnh vực liên quan tới môi trường và sức khỏe cộng đồng. Đơn cử như hỗ trợ khắc phục sự cố cá chết hàng loạt, tai nạn sập hầm lò… cũng phải được xếp vào hoạt động từ thiện của DN. Ai cũng có lòng trắc ẩn, nếu biết khơi dậy thì tốt.
Trưởng ban Pháp chế VCCI Đậu Anh Tuấn cho rằng cần phải thúc đẩy lòng tin từ phía Nhà nước đối với hoạt động từ thiện của DN vì DN có thể giải quyết tốt những vấn đề xã hội.
“Nhà nước, xét cho đến cùng, cũng thu thuế từ người dân và DN để giải quyết các vấn đề xã hội. Chi phí cho bộ máy quản lý và những vấn đề khác có thể khiến hiệu quả chưa được như mong muốn. Nhưng với DN, việc giải quyết các vấn đề xã hội có thể sẽ mang phong cách khác theo tư duy mà DN có. Vậy Nhà nước nên tạo điều kiện cho DN làm từ thiện bằng một chính sách thuế hợp lý, thuận lợi, minh bạch hơn” - ông Tuấn nói.
Doanh nghiệp lớn đóng góp từ thiện trên 1 tỉ đồng/năm
TS Đặng Hoàng Giang, Trung tâm Nghiên cứu phát triển hỗ trợ cộng đồng CECODES, cho hay khảo sát trên 500 DN ở các lĩnh vực và quy mô tại Hà Nội, Đà Nẵng và TP.HCM cho thấy hoạt động từ thiện của DN thông qua hình thức tài trợ bằng tiền chiếm 65%-70%; còn lại bằng các hiện vật khác. DN càng lớn thì giá trị đóng góp cho từ thiện càng cao. DN có quy mô trên 500 nhân viên đóng góp từ thiện trên 1 tỉ đồng/năm.
Khảo sát trên cũng chỉ ra từ thiện không được coi là một phần của mục tiêu kinh doanh. Do đó thiếu trầm trọng tính chiến lược, chủ yếu là bột phát, bề nổi, vụ việc, không gắn kết với năng lực cốt lõi của DN, ngắn hạn. Chỉ có 9% DN làm từ thiện đã từng hợp tác với các tổ chức dân sự địa phương.
32% DN chuyển đóng góp nhân đạo trực tiếp, chỉ có 28% là từ thiện qua trung gian qua chính quyền địa phương, tổ chức đoàn thể. Có tới 58% DN làm từ thiện không có mục tiêu kinh doanh.
Pháp luật TPHCM