Thuế quê hương' - đặc sản chỉ có ở Nhật Bản: Người dân được chọn địa phương mình đóng thuế, kiếm tiền ở nơi khác vẫn có thể làm giàu cho quê hương
Nhiều vùng miền Nhật Bản đang cạnh tranh nhau để thu hút "Thuế quê hương".
- 22-11-2021[eMagazine] Biến thể Delta tự diệt tại Nhật Bản?
- 19-11-2021Cách người Nhật Bản 'chống chọi' với giá xăng dầu và mọi thứ tăng cao: Đi bộ, tự trồng rau, hủy bỏ các chuyến du lịch
- 15-11-2021Sử dụng bitcoin để rửa tiền, giới nhà giàu Trung Quốc âm thầm gom mua bất động sản tại Nhật Bản
Thuế quê hương (Hometown Tax-Furusato nozei) là cơ chế mà người nộp thuế có thể đóng một phần thuế thu nhập hoặc thuế cư trú của họ cho một địa phương mình thích chứ không bắt buộc là tại nơi đang sống. Đổi lại, những cá nhân, tổ chức đóng thuế sẽ được giảm thuế cũng như nhận được các phần quà đặc sản từ địa phương đó.
Loại thuế này được chính quyền dưới thời Cựu thủ tướng Shinzo Abe thực hiện từ năm 2008 nhằm hỗ trợ chính quyền các địa phương đang trong bối cảnh người trẻ bỏ hết lên thành phố, qua đó thiếu nguồn thu để duy trì những công trình hay dịch vụ công cộng.
Mặc dù mang tên là "Thuế quê hương" nhưng người dân có thể tự do lựa chọn vùng mình muốn hỗ trợ, từ những nơi đã đi du lịch qua cho đến chính quê hương thực sự của bản thân. Chế độ này cũng cho phép người dân đóng thuế quê hương cho 1 hoặc nhiều vùng tùy thích. Thậm chí ngay cả người nước ngoài cũng có thể tham gia chế độ đóng thuế này.
Mức tiền trích đóng thuế tối thiểu là 2.000 Yên, tương đương 400.000 đồng và bất kỳ ai cũng có thể nhận được một phần quà đặc sản từ các địa phương tại Nhật Bản. Thông thường giá trị của những món quà đặc sản này sẽ vào khoảng 30- 50% giá trị số tiền nộp thuế.
Một số quà tặng phổ biến bao gồm thực phẩm và đồ uống địa phương, chẳng hạn như hộp trái cây, nông sản, bánh kẹo, nước tương hay rượu sake... đi kèm với đó là bức thư cảm ơn. Một số khu vực lại cung cấp những món quà dưới dạng một đêm nghỉ tại nhà trọ hay chùa, hoặc các khóa học về nghề thủ công địa phương.
Việc tặng quà đầy thú vị, bất ngờ và ý nghĩa này sẽ khiến người đóng thuế quê hương háo hức hơn vì người nhận không biết rằng lần tiếp theo mình sẽ nhận được món quà như thế nào.
Lợi ích và hạn chế
Ban đầu, chính phủ Nhật Bản muốn thực hiện chế độ thuế này nhằm hỗ trợ các địa phương đang bị thâm hụt ngân sách vì thiếu lao động, đồng thời giúp địa phương quảng bá được hàng nông sản miễn phí.
Tuy nhiên một số chuyên gia nhận định chế độ này còn bao hàm nhiều tác dụng khác. Đầu tiên chúng sẽ kích thích sự lựa chọn của người nộp thuế khi phải suy nghĩ về số tiền mình đóng sẽ được dùng làm gì thay vì phó mặc cho nhà nước. Thêm nữa, đây cũng là cơ hội để người dân nhận ra tầm quan trọng của việc nộp thuế.
Nhiều vùng miền Nhật Bản đang thiếu lao động
Trên thực tế, đây được coi là một hình thức quyên góp cho quê hương khi ngay cả những người không có nghĩa vụ nộp thuế cũng có thể tham gia. Người đóng góp không nhất thiết phải nhận khoản khấu trừ thuế và có thể thay bằng các đặc sản vùng miền. Chính yếu tố này đã kích thích người dân đóng thuế-quyên góp cho những vùng bị thiên tai hay cần cứu trợ, qua đó thể hiện tinh thần Nhật Bản đoàn kết, đùm bọc lẫn nhau để cùng vượt qua khó khăn.
Đối với địa phương, nguồn thu ngân sách thêm ra này có thể giúp họ giảm bớt gánh nặng trông chờ từ trung ương.
Ở khía cạnh khác, chế độ này cũng kích thích sự ganh đua, cạnh tranh giữa các khu vực để tạo sức hút. Một địa phương không có sức hút, không có ý chí phát triển thì sẽ khó lòng nhận được thuế quê hương so với các vùng khác. Từ đó chính quyền địa phương và người dân sẽ phải tìm cách để vươn lên thay vì trông chờ vào ngân sách trung ương.
Ngược lại, thuế quê hương cũng có một số hạn chế. Việc quyên góp này được thực hiện trước khi xác nhận thu nhập cố định nên thủ tục tính toán sẽ khá phức tạp. Đôi khi người đóng thuế sẽ không xác định được số tiền đóng thuê quê hương tối ưu để nhận miễn giảm thuế.
Thêm nữa do không phải vùng miền nào của Nhật Bản cũng áp dụng thuế quê hương và mỗi khu vực lại có thủ tục tính chế độ thuế này khác nhau, dẫn đến sự rắc rối trong kê khai hay xác nhận miễn giảm thuế.
Một yếu điểm nữa của thuế quê hương là do có sự cạnh tranh nên nhiều vùng miền tốn ngân sách chuẩn bị quà nhằm thu hút người đóng thuế. Hậu quả là số tiền nhận được còn chẳng bằng chi phí chuẩn bị.
Trong khi đó, nhiều người giàu đã tận dụng lỗ hổng này nhằm lách luật. Họ chi một chút tiền để đóng thuế nhưng nhận lại những món quà giá trị hơn nhiều, trong khi vẫn được khấu trừ và miễn giảm thuế.
Thủ tục
Mỗi vùng miền Nhật Bản có quy định khác nhau đôi chút về thuế quê hương. Tuy nhiên quy trình chung cho người đóng thuế là phải bỏ ra ít nhất 2.000 Yên, sau đó lựa chọn những vùng miền nào họ muốn đóng góp.
Thuế quê hương khiến nhiều khu vực phải cạnh tranh lẫn nhau
Trên website của chính phủ các địa phương thường có ghi chú về việc họ có tham gia chế độ này không. Một số địa phương thậm chí niêm yết cả những đặc sản nào họ đang có, qua đó cạnh tranh thu hút người đóng thuế.
Sau khi nhận được đóng góp, chính quyền địa phương sẽ gửi quà cảm ơn cùng giấy chứng nhận đã nộp thuế quê hương. Người nộp thuế sẽ làm tờ đơn xin khấu trừ tiền thuế quyên góp để gửi cho chính quyền địa phương làm thủ tục hoặc dùng giấy xác nhận trên để kê khai luôn với cục thuế.
Cuối cùng, sở thuế sẽ gửi thông báo xác nhận giảm thuế thị dân hay thu nhập vào năm tiếp theo cho người đóng.
Dẫu vậy xin được nhắc là Nhật Bản có rất nhiều loại thuế và chúng thường được phân làm 2 loại: thuế trung ương và thuế địa phương. Thuế trung ương thường bao gồm các loại thuế thu nhập, tiêu thụ... trong khi thuế địa phương gồm thuế cư trú, thuế phương tiện giao thông cá nhân... tùy từng vùng miền.
Do sự phức tạp này mà việc đóng thuế quê hương có thể sẽ không đơn giản như mọi người nghĩ và kết quả miễn giảm thuế nhiều lúc không được như bạn mong muốn.
Bất chấp điều đó, việc áp dụng thuế quê hương là một bước đi táo bạo của Nhật Bản trong việc xóa khoảng cách giàu nghèo giữa các vùng miền, thu hút đầu tư cho nơi xa xôi và giảm gánh nặng ngân sách trung ương.
Doanh nghiệp và tiếp thị