MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thuế tối thiểu toàn cầu thay đổi chiến lược thu hút đầu tư của Việt Nam

Các nước đang phát triển hay rộng hơn là những nơi đang thu hút đầu tư bằng ưu đãi thuế sẽ phần nào đó chịu tác động bởi thuế tối thiểu toàn cầu.

Thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu 15% là mức thuế doanh nghiệp nào có doanh thu từ 750 triệu Euro trở lên đều phải đóng, dù ở bất kỳ quốc gia nào. Như vậy, những nước đang phát triển hay rộng hơn là những nơi đang thu hút đầu tư bằng các ưu đãi thuế thấp hơn mức này sẽ phần nào đó chịu tác động.

Khi thuế không còn là công cụ hàng đầu để thu hút nhà đầu tư, chiến lược thu hút đầu tư nước ngoài cũng sẽ phải thay đổi. Để có sự chuẩn bị và chuyển đổi hiệu quả, nhiều kiến nghị đã được đưa ra tại buổi Hội thảo " Thuế tối thiểu toàn cầu và những vấn đề đặt ra với Việt Nam" diễn ra mới đây.

Thuế tối thiểu toàn cầu thay đổi chiến lược thu hút đầu tư của Việt Nam - Ảnh 1.

Vị thế của Việt Nam sau 30 năm thu hút FDI hiện đã khác, với nhiều lợi thế cạnh tranh thu hút các dòng vốn chất lượng cao chứ không đơn thuần chỉ là ưu đãi thuế. (Ảnh minh họa - Ảnh: Báo Đầu tư)

Theo số liệu từ Tổng cục Thuế, thuế tối thiểu toàn cầu sẽ ảnh hưởng đến khoảng 3% doanh nghiệp được ưu đãi, chiếm 30% tổng số thuế thu nhập doanh nghiệp. Cụ thể, thuế thực tế với đầu tư nước ngoài là 12,3%, trong đó một số tập đoàn lớn chỉ ở mức dưới 6%, thấp hơn hẳn con số 15% của quy tắc mới.

"Nó sẽ ảnh hưởng trực tiếp ngay đến quyết định của các nhà đầu tư, đến các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài hiện nay đang được hưởng ưu đãi", ông Đặng Ngọc Minh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, nhận định.

Thực tế, nhiều quốc gia đã đi trước áp dụng các hình thức hỗ trợ khác ngoài ưu đãi thuế để thu hút và giữ chân các nhà đầu tư nước ngoài.

"Các quốc gia khác như Ấn Độ, Trung Quốc, châu Âu hay Mỹ không chỉ cung cấp ưu đãi thuế để thu hút đầu tư nước ngoài, mà họ còn cung cấp hỗ trợ dưới hình thức cấp tiền mặt, Việt Nam có thể cân nhắc để làm tương tự. Ngoài ra, đây cũng là cơ hội để Việt Nam xem xét lại những khoản đầu tư mà quốc gia muốn tập trung vào. Ví dụ Trung Quốc cung cấp hỗ trợ về nghiên cứu và phát triển để thu hút các ngành công nghiệp tiên tiến, Malaysia thúc đẩy công nghệ sinh học và Ấn Độ thu hút các khoản đầu tư lớn vào sản xuất điện thoại di động", bà Annett Perschmann, Phó Tổng Giám đốc, Dịch vụ Tư vấn Thuế và Pháp lý, Công ty PwC Việt Nam, cho biết.

"Nếu như Việt Nam không thực thi mức thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu 15% này thì khoản chênh lệch do hưởng ưu đãi các công ty cũng vẫn phải nộp ở một nơi khác, như vậy chẳng có ý nghĩa gì. Bởi vậy, Việt Nam nên chủ động tham gia ngay từ đầu", ông Robert King, Lãnh đạo Dịch vụ Thuế EY Khu vực Đông Dương, đánh giá.

Theo các chuyên gia, Việt Nam cần thành lập tổ công tác để phân tích và đánh giá các ảnh hưởng, cũng như đề xuất các giải pháp để cải thiện yếu tố cạnh tranh về đầu tư khác như: môi trường kinh doanh, cơ sở hạ tầng hay lực lượng lao động.

Các chuyên gia trong và ngoài nước cũng nhận định, vị thế của Việt Nam sau 30 năm thu hút FDI hiện đã khác, với nhiều lợi thế cạnh tranh thu hút các dòng vốn chất lượng cao chứ không đơn thuần chỉ là ưu đãi thuế.

Theo Diệu Linh

VTV.VN

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên