Thung lũng Silicon đối diện "cuộc thanh trừng" khắc nghiệt: 50% số quỹ đầu tư mạo hiểm có thể biến mất, qua rồi cái thời startup dễ dàng định giá tỷ USD!
Không thể phủ nhận rằng, giới đầu tư mạo hiểm đang trải qua giai đoạn khó khăn. Theo phân tích được công bố vào ngày 16/6 của EisnerAmper, hoạt động đầu tư mạo hiểm đã chững lại kể từ cuối năm 2022 và tiếp tục kéo dài sang quý đầu năm nay.
Lạm phát, lãi suất bấp bênh và khối lượng giao dịch mua bán - sáp nhập (M&A) thấp đang tạo ra những tác động tiêu cực đến môi trường đầu tư.
Tuy nhiên, Scott Stanford - đồng sáng lập kiêm đối tác của ACME Capital, cho rằng một điều gì đó nghiêm trọng hơn đang diễn ra. Ông nhận định: "Sẽ không có gì là điên rồ khi nghĩ rằng một nửa số công ty đầu tư mạo hiểm đã và đang hoạt động tích cực trong thập kỷ qua sẽ bị gạt sang một bên và sụp đổ".
Một phép tính đơn giản cũng đã cho thấy một bức tranh ảm đạm. Theo biểu đồ do Stanford tổng hợp và chia sẻ, vào năm 1990, có 300 quỹ đầu tư mạo hiểm quản lý 17 tỷ USD tài sản. Trong hai thập kỷ qua, những con số này đã tăng vọt. Hiện tại, số lượng quỹ đầu tư mạo hiểm đã tăng lên 3.000, quản lý khối tài sản khổng lồ 1,2 nghìn tỷ USD.
Tuy nhiên, số liệu về các thương vụ IPO và M&A do các công ty được VC rót vốn lại tăng trưởng khá khiêm tốn. Cụ thể, tổng giá trị các thương vụ IPO được VC hậu thuẫn vào năm 1990 là 12,7 tỷ USD và đến năm 2021 con số này chỉ tăng lên 60,1 tỷ USD. Điều tương tự cũng xảy ra với các thương vụ M&A được VC hậu thuẫn.
Nói cách khác, ngành đầu tư mạo hiểm đã phát triển vượt quá khả năng của chính nó: Sự gia tăng về số lượng quỹ đầu tư và số tải sản họ đang quản lý không tương xứng với giá trị tài chính mà họ đang tạo ra.
Trong một lá thư gần đây gửi cho các nhà đầu tư, Stanford và Hany Nada - đồng sáng lập ACME Capital cho biết: "Khi ngành đầu tư mạo hiểm trưởng thành trong vài thập kỷ qua, chính các nhà đầu tư theo đà tăng trưởng, chứ không phải các nhà công nghệ, đã thúc đẩy việc tạo ra các quỹ và triển khai vốn, mà không nhận thức được thách thức của việc tính toán chu kỳ đổi mới".
Họ nói thêm: "Giống như các nhà đầu tư tính toán sai thời điểm cho các khoản đầu tư hoặc quỹ cụ thể, ngành đầu tư mạo hiểm nói chung đã đi trước thực tế tới một hoặc hai thập kỷ, dẫn đến một thị trường quá tải, dư thừa vốn và định giá quá cao".
Theo Stanford, các yếu tố khác cũng sẽ góp phần vào việc "thanh lọc" hệ sinh thái đầu tư mạo hiểm. Trước bối cảnh lãi suất tăng cao, Stanford cho biết thêm rằng các nhà đầu tư góp vốn (LPs), hay những người rót tiền vào các quỹ đầu tư mạo hiểm, có nhiều lựa chọn khác. Ví dụ như đầu tư vào trái phiếu kho bạc - một hình thức đầu tư ít rủi ro, đang mang lại lợi nhuận khá.
Trong khi đó, công nghệ "không còn là một 'món hàng' khó nắm bắt, đòi hỏi phí M&A phi lý hoặc sự cường điệu về IPO" - Stanford nhận xét. Trước đây, chỉ cần tuyên bố là một công ty công nghệ trong bản mô tả dự án, các startup có thể dễ dàng gọi được số vốn định giá hàng tỷ USD. Nhưng thời kỳ đó đã qua lâu rồi.
Cuối cùng, Stanford cho rằng AI không nhất thiết là "viên đạn bạc" tiếp theo. Liệu công nghệ này có tạo ra thế hệ kỳ lân tiếp theo hay không vẫn là một câu hỏi bỏ ngỏ - khi những công ty hàng đầu như OpenAI đang cung cấp công nghệ một cách công khai và bất kỳ ai cũng có thể sử dụng nó để tạo ra các sản phẩm tốt.
Tóm lại, trong môi trường này, các nhà đầu tư thiếu chuyên môn sâu, mạng lưới vững chắc sẽ gặp khó khăn trong việc huy động vốn và xây dựng các công ty bền vững. Ông nói: "Một nhà đầu tư mạo hiểm không có vốn giống như một tay vợt không có vợt. Họ có thể trả lời phỏng vấn và xuất hiện trên các mặt báo nhưng họ không được mời ra sân".
Stanford tin rằng những thách thức hiện nay sẽ nhường chỗ cho một kỷ nguyên đầu tư mạo hiểm mới - hay đúng hơn là cũ. Hàng loạt startup gia nhập thị trường trong vài năm trở lại đây đều có chung một chiến lược: Được hỗ trợ bởi hàng triệu USD tiền tài trợ, họ tung ra một ứng dụng tốt hơn một chút so với đối thủ.
Stanford cho biết, trong quá khứ, bạn có thể thành công bằng cách tạo ra các tính năng mạng xã hội, ứng dụng và phần mềm tốt hơn một cách gia tăng theo cách này. Tuy nhiên ngày nay, những người đương nhiệm có thể tự mình làm tất cả những điều đó.
Vì vậy, các nhà đầu tư muốn tồn tại sau cuộc suy thoái này sẽ phải hỗ trợ những công ty thực sự tạo ra những thứ mới, và do đó đi kèm với mức độ rủi ro đáng kể. Khi những công ty đó thành công, họ sẽ tạo ra lợi nhuận vượt trội. Ngược lại, khi thất bại, họ sẽ mất trắng.
Có lẽ những nhà đầu tư mạo hiểm này có thể là một phần của "thời kỳ phục hưng của công nghệ, nơi các hệ thống hoạt động vì chúng ta thay vì chúng ta phải làm việc cho chúng", như Stanford và Nada đã viết trong thư gửi các nhà đầu tư góp vốn.