MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

"Thùng thuốc nổ" Trung Đông chờ bùng cháy: Israel ráo riết chuẩn bị tấn công, Iran sẵn sàng đáp trả

12-10-2024 - 22:22 PM | Tài chính quốc tế

Trung Đông một lần nữa lại đứng trước bờ vực của một cuộc chiến khốc liệt giữa hai đối thủ truyền kiếp đối đầu nhau trong suốt 45 năm qua.

Trong khi cuộc chiến Israel - Hamas tại Dải Gaza bước sang năm thứ hai vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, Israel đã mở chiến dịch quân sự lớn chưa từng có vào Lebanon nhằm tiêu diệt nhóm vũ trang Hezbollah - một trong những đồng minh thân cận nhất của Iran.

Đáp lại, Iran đã phóng hàng loạt tên lửa vào Israel để trả đũa, và Tel Aviv đang ráo riết chuẩn bị đáp trả. Trung Đông đang đứng bên bờ vực của một cuộc chiến tranh toàn diện.

"Thùng thuốc nổ" Trung Đông chờ bùng cháy: Israel ráo riết chuẩn bị tấn công, Iran sẵn sàng đáp trả- Ảnh 1.

Trung Đông hiện nay "giống như một thùng thuốc nổ, một tia lửa nhỏ cũng làm cho toàn bộ khu vực bùng cháy”. Ảnh: Shutterstock

Nguy cơ xung đột lan rộng ra toàn khu vực

Ngày 8/10, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc (LHQ) Antonio Guterres cảnh báo Trung Đông hiện nay "giống như một thùng thuốc nổ, một tia lửa nhỏ cũng làm cho toàn bộ khu vực bùng cháy”.

Cuộc xung đột ở Dải Gaza giữa Israel và Hamas đang lan rộng sang Lebanon. Quân đội Israel (IDF) đã tăng cường không kích, mở chiến dịch trên bộ vào miền nam Lebanon nhằm tiêu diệt Hezbollah - thành viên mạnh nhất trong “Trục kháng chiến” do Iran lãnh đạo. Hành động này của Israel vi phạm nghiêm trọng các nghị quyết 1701 và 1559 của Hội đồng Bảo an LHQ.

Tình hình ở Bờ Tây cũng đang leo thang căng thẳng, quân đội Israel đang tìm diệt các thủ lĩnh của phong trào kháng chiến Palestine.

Cuộc xung đột đang lôi kéo nhiều nước bên ngoài khu vực tham gia. Mỹ và Anh đã thành lập liên minh “Người bảo vệ thịnh vượng” chiến đấu chống lại nhóm Houthi do Tehran hậu thuẫn tại Yemen. Cuộc đối đầu quân sự giữa liên minh này và Houthi vẫn đang tiếp diễn.

Các phương tiện truyền thông đưa tin, hiện có tới 40.000 chiến binh đang tập trung ở Syria sẵn sàng sát cánh cùng Iran trong cuộc chiến chống lại Israel. Các chiến binh từ Syria, Yemen, Pakistan và Afghanistan tuyên bố ủng hộ Hezbollah và sẵn sàng tham gia cuộc chiến chống lại Israel.

Nga - nước có quân đội hiện diện ở Syria - cũng có thể can thiệp vào cuộc xung đột. Trong những tuần gần đây, lực lượng phòng không Nga đã nhiều lần đẩy lùi các cuộc tấn công của Israel nhằm vào các mục tiêu của Iran và Hezbollah ở khu vực Tartus và Latakia của Syria, nơi có các căn cứ quân sự của Nga.

Moscow và Tehran đã gần như hoàn tất công tác chuẩn bị để ký thoả thuận thiết lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện vào dịp họp Hội nghị thượng đỉnh BRICS sẽ diễn ra từ 22 đến 24/10 tại Kazan (Nga); theo đó Nga có nghĩa vụ giúp Iran nếu nước này bị tấn công.

Mỹ - đồng minh số một của Israel - đã điều hai tàu sân bay USS Gerald Ford và USS Dwight D. Eisenhower, nhiều tàu chiến, máy bay F-16, F-35 tới khu vực, đồng thời triển khai hơn 42.000 quân. Các lô hàng vũ khí mới, trong đó có bom 2000 pound (900 kg) dự kiến sẽ đến Tel Aviv trong vài ngày tới. Washington nói rõ với Tehran rằng một cuộc tấn công vào Israel cũng sẽ được coi là một cuộc tấn công vào Mỹ.

Ngày 11/10, Ngoại trưởng Iran Abbas Araghchi tuyên bố Tehran sẽ không ngần ngại thực hiện "các hành động phòng thủ mạnh mẽ hơn" nếu Israel trả đũa vụ tấn công tên lửa gần đây của Iran.

Israel ráo riết chuẩn bị tấn công Iran

Israel không thể không đáp trả việc Iran bắn hàng loạt tên lửa vào Israel hôm 1/10 vì đây là uy tín là danh dự của Nhà nước Do Thái nói chung và của Thủ tướng Benjamin Netanyahu nói riêng.

Ngay sau khi bị Iran tấn công, Thủ tướng Netanyahu đã tuyên bố hết sức cứng rắn và cảnh báo sẽ giáng “đòn chết chóc bất ngờ” buộc Iran phải trả giá đắt. Trong khi đó, Iran cảnh báo sẽ nghiền nát Israel nếu Tel Aviv trả đũa. Những động thái này làm dấy lên lo ngại về khả năng chiến tranh lan rộng ở Trung Đông là khó tránh khỏi với sự tham gia của nhiều nước, trong đó có Mỹ, các nước đồng minh phương Tây của Israel, và các lực lượng được Iran hậu thuẫn ở Lebanon, Syria, Yemen và Iraq.

Ngày 9/10, Bộ tưởng Quốc phòng Israel Yoav Gallant đe doạ “cuộc tấn công sắp tới của Israel để đáp trả Iran sẽ là đòn chí mạng, chính xác và đáng kinh ngạc”.

Ngày 11/10, quân đội Israel đã lên kế hoạch thực hiện một “cuộc tấn công chết người nhằm vào Iran” và đang thuyết phục Mỹ về danh sách “các mục tiêu bí mật mà Iran không thể tưởng tượng được” gồm các cơ sở sản xuất vũ khí, phát triển sức mạnh quân sự và hạt nhân ở Iran, bên cạnh tổng hành dinh bí mật của Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC).

Ngày 12/10, Tướng Michael Kurilla - chỉ huy Bộ Tư lệnh Trung tâm Mỹ (CENTCOM) - đã đến trung tâm chỉ huy của Israel, gặp các tướng lĩnh của IDF để phối hợp hành động. Tướng Kurilla tuyên bố, Mỹ sẽ hỗ trợ IDF đáp trả các cuộc tấn công bằng tên lửa đạn đạo của Iran.

8 máy bay bay tiếp dầu KC-135, máy bay vận tải quân sự hạng nặng C-5M Super Galaxy và C-17 Globemaster III của quân đội Mỹ đã được điều tới Vùng Vịnh để tiếp nhiên liệu cho máy bay chiến đấu tàng hình F-35 và F-15I của Israel.

Thủ tướng Netanyahu, Bộ trưởng Quốc phòng Yoav Gallant của Israel, Tổng thống Joe Biden và Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Asutin của Mỹ đang thảo luận với nhau về các biện pháp đáp trả và thời điểm tấn công Iran. Các nguồn tin Israel cho biết rất có thể Israel sẽ tấn công Iran vào ngày 15/10 tới khi ông Gallant đến thăm Mỹ.

"Thùng thuốc nổ" Trung Đông chờ bùng cháy: Israel ráo riết chuẩn bị tấn công, Iran sẵn sàng đáp trả- Ảnh 2.

Từ trái sang phải: Bộ trưởng Quốc phòng Israel Yoav Gallant, Thủ tướng Benjamin Netanyahu và Tham mưu trưởng IDF Herzi Halevi. Ảnh: EP

Các mục tiêu ở Iran có thể bị Israel tấn công

Trên cơ sở các thông tin do Cơ quan tình báo Mossad của Israel và Cơ quan Tình báo Trung ương (CIA) của Mỹ cung cấp, IDF đã đưa ra các mục tiêu ở Iran nằm trong tầm ngắm của Israel.

Mục tiêu đầu tiên là sức mạnh quân sự của Iran gồm các căn cứ quân sự, hệ thống phòng không, các tổ hợp tên lửa đạn đạo, bệ phóng, trung tâm điều khiển, kho chứa nhiên liệu và hầm ngầm chứa đạn dược của quân đội Iran và IRGC. Israel cũng có thể tấn công nhằm vào các nhân vật chủ chốt liên quan đến chương trình tên lửa của Iran, giới chỉ huy quân đội và IRGC.

Thứ hai là cơ sở hạ tầng của nền kinh tế Iran, gồm các cơ sở dầu mỏ, công nghiệp hóa dầu, năng lượng, các nhà máy đóng tàu và bến cảng. Tuy nhiên, những cuộc tấn công vào các mục tiêu kinh tế sẽ ảnh hưởng tới cuộc sống của dân thường và làm gia tăng thái độ thù ghét Israel.

Thứ ba là các cơ sở hạt nhân của Iran. Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) cho biết khối lượng làm giàu uranium của Iran hiện nay đã vượt quá mức cần thiết cho các mục đích dân sự do Mỹ và phương Tây rút khỏi Thoả thuận hạt nhân (JCPOA) ký năm 2015. Israel từ lâu đã nghi ngờ Tehran tìm cách chế tạo vũ khí hạt nhân, và cuộc tấn công có thể nhằm vào trung tâm chương trình hạt nhân của Iran ở Parchin, các lò phản ứng ở Tehran, Benab và Ramsar, cũng như các cơ sở lớn ở Bushehr, Natanz, Esfahan và Ferdows.

Tiềm lực quân sự của Iran

Sau khi bắn gần 200 tên lửa siêu thanh vào Israel hôm 1/10, Tổng thống Iran Masoud Pezeshkian cho biết: “Đây mới chỉ là một phần nhỏ trong khả năng của Iran. Nếu Israel tấn công Iran, họ sẽ phải đối mặt với những đòn chí mạng ác liệt hơn rất nhiều.”

Iran khó có thể đè bẹp Israel vốn được trang bị các loại vũ khí hiện đại do chính họ sản xuất và được Mỹ và phương Tây cung cấp. Các biện pháp trừng phạt kinh tế kéo dài hàng chục năm qua đã làm suy yếu tiềm lực của Tehran.

Tuy nhiên, không thể coi thường sức mạnh quân sự của Iran khi họ sở hữu một kho vũ khí với hàng nghìn tên lửa đạn đạo siêu thanh, tên lửa tầm trung, tên lửa tầm ngắn và máy bay không người lái. Bên cạnh đó, Tehran còn có mạng lưới đồng minh trong “Trục kháng chiến” trải khắp Trung Đông.

Lần này Iran không chỉ tấn công các mục tiêu quân sự mà có thể cả các mục tiêu dân sự của Israel như các hệ thống năng lượng, nhà máy điện, thậm chí không loại trừ cả trung tâm hạt nhân Demona ở sa mạc Naqeb.

Iran cho biết, hơn 2.000 tên lửa siêu thanh đã được đặt vào bệ phóng, Israel với diện tích chỉ có 20.770 km2, hệ thống phòng không Vòm Sắt dù hiện đại đến mấy cũng không thể chống đỡ được những “trận mưa tên lửa” từ Iran.

Ngoài ra, hải quân của IRGC hoạt động ở Vùng Vịnh còn có các đội tàu nhỏ cao tốc mang tên lửa nhỏ, có khả năng xuyên thủng hệ thống phòng thủ của Hạm đội 5 của Mỹ đóng tại khu vực. Iran cũng có thể đóng cửa eo biển Hormuz - nơi 1/5 lượng dầu xuất khẩu của thế giới đi qua.

Các căn cứ quân sự của Mỹ ở Vùng Vịnh cũng có thể trở thành mục tiêu của tên lửa Iran. Tehran đã cảnh báo nếu bị tấn công, họ sẽ đáp trả không chỉ Israel mà còn bất kỳ quốc gia nào ủng hộ Tel Aviv.

"Thùng thuốc nổ" Trung Đông chờ bùng cháy: Israel ráo riết chuẩn bị tấn công, Iran sẵn sàng đáp trả- Ảnh 3.

Iran có một mạng lưới đồng minh trong “Trục kháng chiến” trải khắp Trung Đông. AFP

Nguy cơ và hậu quả của cuộc chiến toàn diện ở Trung Đông

Nếu Israel tấn công các cơ sở dầu mỏ hoặc thậm chí hạt nhân của Iran, hậu quả đối với Trung Đông sẽ trở nên hết sức khó lường.

Trung Đông là khu vực có nguồn tài nguyên dầu mỏ lớn nhất thế giới với trữ lượng lên tới hơn 753 tỷ thùng, chiếm hơn 1/2 tổng trữ lượng dầu mỏ toàn cầu. Một cuộc chiến toàn diện tại Trung Đông sẽ ảnh hưởng to lớn tới nền kinh tế toàn cầu. Các chuyên gia kinh tế cho biết, giá dầu có thể tăng lên 120 USD/thùng, điều này sẽ gây tổn hại nghiêm trọng cho nền kinh tế thế giới vốn đang ở trong tình trạng khủng hoảng.

Cuộc chiến ở Trung Đông xảy ra đúng thời điểm với cuộc bầu cử tổng thống ở Mỹ. Chính quyền của Tổng thống Joe Biden đang vấp phải sự chỉ trích trong nội bộ Đảng Dân chủ vì không gây đủ áp lực để Israel chấp nhận ngừng bắn. Giá dầu tăng cũng sẽ gây thiệt hại cho nền kinh tế Mỹ và làm giảm cơ hội chiến thắng của ứng cử viên Đảng Dân chủ Kamala Harris đang cạnh tranh gay gắt với ứng viên Đảng Cộng hoà Donald Trump.

Các căn cứ quân sự của Mỹ ở Bahrain, Kuwait, Qatar, Ả Rập Saudi và UAE cũng sẽ không được an toàn.

Cộng đồng quốc tế đang tìm cách tháo ngòi nổ. Các nước Vùng Vịnh đang kêu gọi Mỹ sử dụng ảnh hưởng của mình để ngăn chặn Israel tấn công vào các cơ sở dầu mỏ của Iran.

Để tránh bị lôi cuốn vào cuộc xung đột, các nước Vùng Vịnh gồm Ả Rập Saudi, UAE và Qatar đã từ chối cho phép Israel sử dụng không phận của họ để tấn công Iran.

Tây Ban Nha, Hà Lan, Bỉ và Italia đã ngừng cung cấp vũ khí cho Israel; Vương quốc Anh đã đưa ra một số hạn chế.

Tình hình leo thang hết sức căng thẳng, nhưng vẫn có thể tránh được một cuộc chiến tranh tổng lực. LHQ và cộng đồng quốc tế đang tìm cách tháo ngòi nổ, kêu gọi các bên kiềm chế để tránh thảm hoạ. Cuộc chiến bùng nổ cũng sẽ hoàn toàn không có lợi cho Israel, Iran, Mỹ, khu vực Trung Đông và toàn thế giới.

Các nguồn tin ngoại giao hôm 12/10 tiết lộ rằng Iran gần đây đã gửi một thông điệp gián tiếp cho Israel, thông qua các nước châu Âu, cho biết Tehran sẽ không đáp trả nếu Israel tiến hành một cuộc tấn công hạn chế vào Iran. Việc này từng xảy ra vào tháng 4/2024 khi Israel tấn công trả đũa Iran mang tính biểu tượng bằng việc bắn vài quả tên lửa vào Esfahan và không gây thiệt hại nào đáng kể.

Theo Đại sứ Nguyễn Quang Khai

Đời sống Pháp luật

Trở lên trên