Thượng đế 'tiện đâu ăn đó', làm sao đòi thực phẩm sạch?
Trên thực tế có nhiều doanh nghiệp xuất khẩu thực phẩm sạch ra nước ngoài nhưng bán trong nước lại gặp khó khăn.
- 03-01-20161 khay thịt cõng 3 loại tem: Bán thực phẩm sạch không dễ
- 05-11-2015Cơ hội nào cho thực phẩm sạch?
Gần đây, người tiêu dùng hoang mang trước thông tin về thịt heo, cá nhiễm chất cấm; gà nhuộm chất vàng ô… Vì vậy để mua được thực phẩm sạch, an toàn trở thành nhu cầu cấp thiết.
Nắm bắt được nhu cầu trên, một số doanh nghiệp (DN) đã sản xuất thực phẩm theo tiêu chuẩn VietGap (thực hành nông nghiệp tốt) hay thực phẩm hữu cơ nhằm mang đến cho khách hàng sản phẩm an toàn và chất lượng.
Tung ra hàng loạt sản phẩm sạch
Công ty Vissan vừa công bố sẽ bán 100% thịt heo đạt chuẩn VietGap tại 309 điểm thuộc hệ thống các siêu thị và 146 điểm bán ở các chợ truyền thống TP.HCM. Tổng lượng thịt heo VietGap công ty cung ứng ra thị trường dự kiến 70 tấn/ngày. Tại các điểm bán này đều có bảng chỉ dẫn để người mua dễ dàng nhận diện.
“Nguồn heo này được thu mua từ các trang trại chăn nuôi đã được chứng nhận VietGap và được kiểm tra, giám sát bởi các cơ quan chức năng” - ông Văn Đức Mười, Tổng Giám đốc Công ty Vissan, cam kết.
Trước đó, Công ty TNHH Dịch vụ An Hạ (Củ Chi, TP.HCM) cũng tung ra thị trường thịt heo VietGap với điểm bán đầu tiên tại chợ Hòa Bình, quận 10. Những ngày đầu lượng tiêu thụ thịt heo chỉ đạt khoảng nửa con/ngày. Sau đó do nhu cầu mua thịt sạch tăng, đến nay công ty đã nâng số lượng điểm bán lên chín điểm tại các quận 1, 3, 9, Bình Thạnh, Tân Phú, Big C Đồng Nai… Tổng mức tiêu thụ hiện đạt bình quân 20-30 con/ngày, tương đương gần ba tấn.
“Để khách hàng nhận diện được heo VietGap, công ty phải dán tem, phiếu tính tiền vào bao bì... nhằm khẳng định đó là hàng của mình” - bà Nguyễn Hồng Thắm, Giám đốc Công ty TNHH An Hạ, cho hay.
Hồi cuối năm ngoái, VinEco cũng tung ra thị trường các loại rau củ như mướp ngọt, cải củ ăn lá, rau dền đỏ, rau dền xanh, rau lang ngọn, xà lách… Những sản phẩm này đều đạt chuẩn VietGap và GlobalG.a.p. Bên cạnh đó, hiện nay tại nhiều siêu thị cũng có hẳn một khu vực bày bán các mặt hàng đạt VietGap như rau, cá, trứng gà… để người mua dễ chọn lựa.
Đặt tiêu chí an toàn lên đầu
Bà Đặng Thị Phương Ninh, Phó Tổng Giám đốc Công ty Vissan, chia sẻ muốn cạnh tranh được thì tiêu chí an toàn vệ sinh thực phẩm phải đặt lên hàng đầu. Trước tình trạng thực phẩm bẩn hiện nay, việc các công ty sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap chính là sự dẫn dắt tốt cho tiêu dùng thực phẩm an toàn.
“Mặt khác, khi triển khai sản xuất thịt heo đạt chứng nhận VietGap, ngoài đáp ứng nhu cầu khách hàng về truy xuất nguồn gốc, chúng tôi còn muốn tạo động lực thúc đẩy người nông dân chuyển đổi mô hình chăn nuôi theo tiêu chuẩn này. Từ đó tạo niềm tin cho người dân về một nền nông nghiệp sạch, đồng thời tạo lợi thế cạnh tranh cho nông sản Việt với sản phẩm ngoại” - bà Ninh lý giải.
Nói thêm về vấn đề này, Tổng Giám đốc Công ty Vinamit Nguyễn Lâm Viên cho rằng về nguyên tắc, khi DN sản xuất ra những sản phẩm đạt chuẩn thì sẽ thu hút được nhiều khách hàng đến mua, dù giá những sản phẩm này đôi khi có cao hơn sản phẩm thông thường.
Ngoài ra, tại thị trường thế giới, việc đạt được các tiêu chuẩn VietGap, hữu cơ, GMO… là rất quan trọng, tạo lợi thế cạnh tranh cho các công ty Việt. Nói cách khác, khi đạt những tiêu chuẩn này thì việc xuất khẩu sẽ thuận lợi hơn.
Cần sự chung tay của người tiêu dùng
Chị Minh Hằng, nhà ở quận Gò Vấp, TP.HCM cho hay khi nghe thông tin về thịt heo, cá nhiễm chất cấm chị thật sự lo ngại. Nhưng chỉ những lúc không có nhiều thời gian chị mới đến cửa hàng chuyên bán thực phẩm tươi sống đạt chứng nhận VietGap của các công ty lớn, có thương hiệu để mua.
“Bình thường tôi quen đi chợ gần nhà cho tiện, mua thịt heo, cá, rau ở mối quen chứ không quan tâm có đạt tiêu chuẩn VietGap hay không và cũng chẳng biết có đảm bảo hay không” - chị Hằng chia sẻ.
Trên thực tế, những người mua hàng kiểu “tiện đâu mua đó, tiện đâu ăn đó” như chị Hằng không phải là cá biệt. Họ thường mua rau, thịt, cá nhưng không quan tâm đến nguồn gốc hàng hóa, đơn vị sản xuất, chế biến, phân phối.
Nói về vấn đề này, ông Nguyễn Lâm Viên nhận xét tình trạng thực phẩm bẩn hiện nay rất đáng cảnh báo. Nguyên nhân một phần là do không ít nông dân chỉ chú ý đến lợi nhuận chứ không quan tâm nhiều đến chất lượng. Mặt khác, một số người tiêu dùng còn dễ dãi trong chọn mua hàng nên thực phẩm bẩn vẫn tồn tại. Chẳng hạn có loại trái cây không phun thuốc nên hình thức xấu, thường bị người mua chê và trả giá rẻ.
Bên cạnh đó, ông Viên nhận xét do người mua đôi khi chưa phân tích đầy đủ thông tin sản phẩm, chưa tự trang bị cho mình những kiến thức cơ bản về nhận biết các dấu hiệu thực phẩm… nên hiểu biết “chỉ một nửa”, không có niềm tin đối với các sản phẩm sạch. Chẳng hạn khi nghe phao tin mít chiên có độc tố, không dám dùng. Trong khi thực tế sản phẩm chiên ở điều kiện chân không ở nhiệt độ phù hợp sẽ khác với chiên ở nhiệt độ cao gây ra độc tố.
“Như vậy, yếu tố niềm tin là một trong những lý do khiến cho người mua khó tiếp cận được sản phẩm sạch. Chính vì vậy, có nhiều công ty xuất khẩu thực phẩm sạch ra nước ngoài, trong khi bán trong nước lại gặp khó khăn” - ông Viên nhấn mạnh.
Tương tự, bà Đặng Thị Phương Ninh cũng cho hay trước đây người tiêu dùng chưa có sự nhìn nhận đúng về giá trị thực phẩm sạch, thực phẩm bẩn mà thường chỉ quan tâm đến sản phẩm giá rẻ. Vì thế, các công ty trong đó có Vissan không dám đầu tư mạnh để sản xuất những sản phẩm loại này.
“Rất may là đến thời điểm này, người tiêu dùng đã nhìn nhận rõ ràng hơn. Nhờ có sự đồng hành của khách hàng, các nhà cung cấp, nhà chăn nuôi nên chúng tôi sẵn sàng đáp ứng 100% VietGap” - bà Ninh tự tin nói.
Niềm tin không thể “xin-cho”
Làm sao để đẩy lùi thực phẩm bẩn, tạo niềm tin để người tiêu dùng chọn mua thực phẩm an toàn và chất lượng? Tôi cho rằng cần khuyến khích để ngày càng có nhiều đơn vị cung ứng thực phẩm đạt chuẩn VietGap hay hữu cơ ra thị trường. Điều này dù muộn màng nhưng còn hơn là không có.
Nhưng ngoài sự chứng nhận của Nhà nước (về các tiêu chuẩn VietGap, hữu cơ… - PV), các DN cũng phải tự tin về quy trình sản xuất và sản phẩm do mình làm ra bằng cách sẵn sàng chấp nhận để các cơ quan độc lập hay Hội Bảo vệ người tiêu dùng… kiểm tra, đánh giá chất lượng sản phẩm. Khi đã tạo được sự minh bạch như vậy thì người mua sẽ tin tưởng sản phẩm, tin tưởng DN. Bởi lòng tin không thể “xin-cho” được và một mình bản thân nhà sản xuất khó làm được.
Ông Trần Quang Thắng,
Viện trưởng Viện Kinh tế và Quản lý TP.HCM
Trên thực tế người mua hàng thường chỉ biết tin tưởng vào nhà sản xuất. Do đó các công ty cần tạo niềm tin cho khách hàng, từ đó để họ đặt niềm tin vào nhà sản xuất thực phẩm sạch, yên tâm mua hàng
Bà Đặng Thị Phương Ninh,
Phó Tổng Giám đốc Công ty Vissan
Pháp luật TPHCM