Thượng Hải: Doanh nghiệp gặp khó khi lao động chưa thể quay trở lại làm việc
Thượng Hải đang nỗ lực kiểm soát dịch bệnh Covid-19 và đã áp dụng phong tỏa trên diện rộng từ cuối tháng 3.
- 24-04-2022Số ca tử vong vì Covid-19 ở Thượng Hải tăng mạnh
- 20-04-2022Cách khoe giàu “chất chơi ” của người Thượng Hải khi thành phố bị phong tỏa: Treo túi mua sắm của Gucci, Prada, Hermes trước cửa nhà
- 18-04-2022"Ác mộng Vũ Hán" tái diễn ở Thượng Hải: Người dân buộc phải rời nhà, nhường chỗ cho bệnh nhân mắc Covid-19, quỳ gối van xin cũng không được
Nhiều doanh nghiệp nước ngoài đang gặp khó trong việc đưa công nhân trở lại nhà máy sau nhiều tuần thành phố Thượng Hải bị phong tỏa nghiêm ngặt, trong bối cảnh Trung Quốc đang đương đầu với làn sóng đại dịch Covid-19 nghiêm trọng nhất trong vòng hơn 2 năm qua.
Đã gần một tháng kể từ khi các lệnh phong tỏa được áp dụng tại Thượng Hải, không ít doanh nghiệp Mỹ và châu Âu cho biết rằng chỉ chưa đầy một nửa số nhân công của họ có thể quay lại làm việc.
Kể từ tháng 3, Trung Quốc đại lục đã cho áp dụng nhiều quy định hạn chế đi lại, buộc người dân phải ở nhà tại nhiều trung tâm kinh tế lớn như Thâm Quyến và tỉnh Cát Lâm. Dịch bệnh lây lan nhanh khiến nhiều địa phương khác cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự.
Lệnh phong tỏa tại thành phố Thượng Hải, bắt đầu được áp dụng nghiêm ngặt từ cuối tháng 3, đã gây không ít khó khăn cho người dân, tác động tiêu cực lên nhiều doanh nghiệp nước ngoài và chuỗi cung ứng của họ. Thành phố này đóng góp 3,8% GDP của Trung Quốc, đồng thời là nơi đặt cảng biển “bận rộn” nhất thế giới.
Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin Trung Quốc đã cử một nhóm công tác tới Thượng Hải. Bộ này nhấn mạnh ưu tiên đưa công nhân trở lại làm việc tại 666 doanh nghiệp lớn hoạt động trong các lĩnh vực như sản xuất chip, ôtô, linh kiện ôtô và dược phẩm sinh học.
Nhiều doanh nghiệp thành viên Phòng Thương mại châu u tại Trung Quốc có tên trong danh sách này, đặc biệt trong các lĩnh vực như sản xuất, hóa chất, ôtô, bà Bettina Schoen-Behanzin, PhóChủ tịch cơ quan này, chia sẻ.
Nhưng “nhiều doanh nghiệp vẫn đang phải đối mặt với không ít thách thức như thiếu hụt lao động và sự đứt gãy chuỗi vận tải”, bà cho biết. Bà ước tính có chưa tới 30% người lao động có thể quay trở lại làm việc, nguyên nhất bắt nguồn từ các quy định hạn chế.
Có tên trong danh sách đồng nghĩa với việc doanh nghiệp đó có thể quay trở lại hoạt động nếu như người lao động sinh hoạt ngay tại nơi sản xuất và chỉ được tiếp xúc gần với những người có kết quả xét nghiệm âm tính với Covid-19 còn hiệu lực.
“Những yêu cầu trên rất khó để có thể thực hiện hoặc doanh nghiệp chỉ có thể hoạt động với 30-40% người lao động so với thông thường”, theo Matthew Margulies, Phó Chủ tịch Hội đồng doanh nghiệp Mỹ-Trung Quốc, chia sẻ trong một email.
Thành phố Thượng Hải đẩy mạnh các biện pháp phong tỏa từ cuối tháng 3. Ảnh: Getty.
Ngoài gặp khó trong quá trình đưa người lao động quay trở lại nhà máy, các doanh nghiệp không thể tuyển thêm nhân sự mới phục vụ kế hoạch mở rộng sản xuất, theo các hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài. .
Trước khi danh sách này được công bố, một số doanh nghiệp tại Thượng Hải và nhiều khu vực khác trong vùng phong tỏa phải duy trì hoạt động cầm chừng hoặc đóng cửa.
Khi các doanh nghiệp muốn tuyển thêm người lao động, họ gặp khó khi nhiều địa phương không muốn người dân của mình ra khỏi vòng bảo vệ an toàn”, theo Johan Annell, đối tác tới từ Asia Perspective, một doanh nghiệp tư vấn chuyên làm việc với các doanh nghiệp Bắc Âu tại Đông và Nam Á.
Một thử thách khác đối với những người lao động đủ điều kiện ra khỏi nhà đó chính là quy định hạn chế đi lại, ông cho biết. Thậm chí, quy định này còn ảnh hưởng tới quá trình luân chuyển hàng hóa.
Đối với một doanh nghiệp có thể hoạt động với chỉ 30% số lượng nhân công, đó đã là một kết quả hết sức khả quan”, ông nói.
“Điểm tích cực duy nhất về tình hình khó khăn hiện tại đó là nó có thể sẽ không kéo dài quá lâu. Tôi không cho rằng mọi chuyện sẽ xấu như hiện tại trong tháng 5 và 6 tới”, ông chia sẻ.
Lưu lượng hàng hóa đường bộ giảm
Các quy định thường bất nhất giữa các địa phương. Điều này gây ra những tác động không giống nhau lên doanh nghiệp, dù là doanh nghiệp trong nước hay nước ngoài.
Trên toàn quốc, lưu lượng hàng hóa vận chuyển bằng đường bộ đã giảm 27,2% trong giai đoạn từ 1/4 đến 17/4 so với cùng kỳ năm trước đó, Ting Lu, Kinh tế trưởng tại Nomura, chia sẻ trong một báo cáo hôm 20/4.
Với riêng Thượng Hải, lưu lượng hàng hóa vận chuyển bằng đường bộ đã giảm 82,6% trong cùng khoảng thời gian này, báo cáo cho biết.
Chính phủ Trung Quốc đã nhiều lần lên tiếng kêu gọi chính quyền các địa phương gia tăng hỗ trợ dịch vụ vận tải và gỡ bỏ rào cản, ví dụ bắt lái xe phải chờ kết quả xét nghiệm mới được tiếp tục hành trình.
Richard Yu, CEO Huawei Consumer Business Group, đã cảnh báo trên mạng xã hội WeChat rằng nếu như các hoạt động sản xuất, kinh doanh tại Thượng Hải không thể quay trở lại trạng thái bình thường trong tháng 5, tất cả các doanh nghiệp công nghiệp và công nghệ có chuỗi cung ứng đi qua khu vực này sẽ phải dừng hoạt động, đặc biệt là các doanh nghiệp sản xuất xe ôtô.
Khi được hỏi về những vấn đề liên quan tới người lao động và cảnh báo từ giới doanh nghiệp, Bộ trưởng Công nghiệp Trung Quốc cho biết những khó khăn chỉ là “tạm thời” và chính quyền sẽ có những biện pháp nhằm cải thiện tình hình.
“Một mặt, chúng tôi cho rằng chính phủ thấu hiểu tầm quan trọng của Thượng Hải. Mặt khác, 600 doanh nghiệp sản xuất được ưu tiên lần này là một bước khởi đầu tương đối tốt, nhưng vẫn còn hàng nghìn doanh nghiệp khác phải đóng cửa”, Michael Hart, Chủ tịch Phòng Thương mại Mỹ tại Trung Quốc, chia sẻ.
“Chúng tôi đã nhận được chia sẻ từ một số doanh nghiệp thành viên cho biết các nhà cung cấp chính của họ tại Thượng Hải vẫn chưa được cho phép hoạt động trở lại”, Hart nói.
Nhà máy của Tesla tại thành phố Thượng Hải, Trung Quốc. Ảnh: Getty. |
Tiếng nói từ doanh nghiệp
Các doanh nghiệp nước ngoài tại Trung Quốc báo cáo tình hình quay trở lại sản xuất có nhiều khác biệt. Thành phố Thượng Hải mỗi ngày vẫn đang ghi nhận số lượng ca nhiễm mới lên tới 20.000 ca.
Nhà máy của Tesla tại thành phố này đã bắt đầu quay trở lại hoạt động từ ngày 20/4, theo chia sẻ của CEO Elon Musk. “Họ đã phải đối mặt với nhiều thách thức lớn vì dịch bệnh Covid-19 nhưng vẫn cho ra đời một số lượng lớn các sản phẩm chất lượng cao”, Elon Musk nói.
Công ty hóa chất của Mỹ Dupont chia sẻ với CNBC rằng trong khi phần lớn các nhà máy của mình trên toàn lãnh thổ Trung Quốc đang hoạt động bình thường, thì nhà máy tại Thượng Hải vẫn duy trì đóng cửa.
“Các nhà máy của chúng tôi tại Thượng Hải sẽ quay trở lại hoạt động ngay khi được chính quyền chấp thuận chủ trương, và người lao động được phép rời khỏi nhà”, công ty cho biết. “Chúng tôi đang đánh giá những thách thức mà chuỗi cung ứng đang gặp phải, tìm kiếm các giải pháp và hệ thống vận chuyển nguyên liệu, hàng hóa thay thế, nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu của khách hàng”.
Hôm 18/4, Volkswagen cho biết công ty đang xem xét khả năng đưa nhà máy tại thị trấn Anting, ngoại ô thành phố Thượng Hải, trở lại hoạt động, trong khi các nhà máy tại thành phố Trường Xuân, tỉnh Cát Lâm “đã được tái khởi động trước đó”.
Công ty hóa chất BASF của Đức cho biết các nhà máy của họ tại Thượng hải đang hoạt động dưới sự giám sát chặt chẽ của chính quyền địa phương từ cuối tháng 3, tuy nhiên, một số dây chuyền phải hoạt động dưới công suất thiết kế.
“Đã xuất hiện một số vấn đề liên quan tới nguồn cung nguyên liệu thô, chuỗi cung ứng và người lao động. Chúng đang ảnh hưởng tới tình hình hoạt động và kinh doanh của chúng tôi”, công ty cho biết.
Người đồng hành