MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thương hiệu nông sản Việt xuất khẩu: Bao giờ chính danh?

10-12-2016 - 07:00 AM | Thị trường

Đã có ý kiến khẳng định phần lớn nông sản Việt vì xuất thô, không có thương hiệu, nên khi xuất khẩu phải chấp nhận giá thấp và “mượn danh” của nước khác. Các doanh nghiệp (DN) cho biết, việc xây dựng thương hiệu, khai phá thị trường, quảng bá nông sản họ nhận được ít hỗ trợ, hầu hết phải tự bơi.

Chua xót vì “khoác áo người”

Ông Bùi Huy Sơn, Cục trưởng Xúc tiến Thương mại (Bộ Công Thương) tại một hội thảo về phát triển thị trường nông sản mới đây công bố kết quả khảo sát khiến nhiều người phải ngậm ngùi: Tới 90% lượng nông sản Việt Nam xuất khẩu dưới nhãn hiệu của nước ngoài.

Tuy nhiên, thông tin này, với giới doanh nghiệp trong nghề “không lạ” thậm chí, tỷ lệ nông sản “khoác áo người” còn cao hơn. Là ông chủ đưa thương hiệu Vinamit xuất sang Mỹ, Nhật, Trung Quốc, Hồng Kông, ASEAN, ông Nguyễn Lâm Viên - Tổng Giám đốc Vinamit cho rằng: “Chúng ta khó có cửa nào để bước vào kênh tiêu thụ của thế giới. Bao nhiêu năm nay, mấy ai làm và đem thương hiệu Việt đi đánh trận ở nước ngoài đâu. Vì thế, mình là người đi sau, các cửa đã bị bịt cả rồi, làm sao nông sản bán trực tiếp được. Nông sản Việt đang bán thô, còn phần giá trị gia tăng trong đó, DN nước ngoài “ăn”.

Theo ông Viên, Vinamit cũng có thể coi là cái tên sừng sỏ đem thương hiệu của mình đi đánh xứ người. Tuy nhiên, để vang danh như một thương hiệu khác “Tương ớt con gà” của nông dân gốc Việt - ông David Tran làm khuynh đảo thị trường Mỹ, chắc không làm nổi. “Dẫu vậy, về thực chất, “Tương ớt con gà”, cũng có chút dòng máu Việt thôi, ông ấy đã nhập tịch ở Mỹ rồi, nên cũng không có giá trị gì khi nói về nông sản Việt ở đây”- ông Viên nói.

Ông chủ của thương hiệu Vinamit cũng cho biết, Việt Nam là nước xuất khẩu cà phê có hạng, nhưng trong danh mục các công ty nhập khẩu cà phê vào Mỹ, không có cái tên cà phê nào của Việt Nam và họ cũng chẳng biết hạt cà phê của Việt Nam như thế nào. Khi tôi uống cà phê của họ, đó chính là cà phê của Việt Nam.

Trước việc gạo Việt xuất khẩu ra các thị trường nhưng vắng thương hiệu Việt, ông Nguyễn Văn Đôn, Giám đốc Cty TNHH Việt Hưng nói: “Đã có thương hiệu gì đâu mà đòi mất hay vắng”.

“Tôi thăm mấy tham tán Việt Nam rồi, tôi kiến nghị, việc làm marketing cho nông sản, nên chuyển về Bộ NN&PTNT. Vì muốn làm, phải hiểu về sản phẩm. Ở các nước đều theo hướng, bộ nào thì marketing cho sản phẩm của mình quản lý và phối hợp các hiệp hội ngành hàng. Còn Bộ Công Thương ra chính sách thương mại nói chung thôi”.

TS Đào Thế Anh, Phó Chủ tịch Hội Khoa học phát triển nông thôn Việt Nam

Theo ông Đôn, có một vài DN làm thương hiệu gạo, nhưng cũng khó khăn về thị trường, chưa cạnh tranh gì được. Hiện phần lớn gạo Việt Nam khi xuất ra nước ngoài, thường lấy tên chung như: Gạo trắng hạt dài, gạo 5% tấm, gạo 25% tấm…chứ chưa có thương hiệu cụ thể nào cả. Trên bao gì xuất khẩu, các nhà nhập khẩu thường để sẵn tên của nước ngoài, chỉ để dòng chữ nhỏ là xuất xứ hàng hóa từ Việt Nam. “Gạo Việt Nam xuất hàng triệu tấn sang Trung Quốc, Hồng Kông, nhà nhập khẩu trộn thêm các loại gạo khác, rồi lấy tên thương hiệu của họ, hoặc của Thái Lan, chứ không có tên của Việt Nam, nên chẳng ai biết gạo của Việt Nam”- ông Đôn nói.

Ông Đào Văn Hồ, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại Nông nghiệp (Bộ NN&PTNT) cũng thừa nhận, nhiều nông sản Việt phải núp tên của nước ngoài khi xuất khẩu. “Một DN ở Hải Dương, họ mua sau đó xuất khẩu cà rốt Việt Nam, nhưng lấy tên của Trung Quốc để xuất đi Dubai. Hay ở Hậu Giang, có DN họ chế biến dứa, họ đóng vào thùng tên nước ngoài theo yêu cầu của nhà nhập khẩu”- ông Hồ nói.


Nhiều năm nay, dù xuất khẩu hàng triệu tấn/năm, gạo Việt vẫn chưa có “tên tuổi” trên thế giới. Ảnh: Phương Chăm.

Nhiều năm nay, dù xuất khẩu hàng triệu tấn/năm, gạo Việt vẫn chưa có “tên tuổi” trên thế giới. Ảnh: Phương Chăm.

Bao giờ có chỗ đứng?

TS Đào Thế Anh, Phó Chủ tịch Hội Khoa học phát triển nông thôn Việt Nam cho rằng, muốn làm thương hiệu cho nông sản, phải làm đến sản phẩm cuối cùng. Trong khi, phần lớn nông sản Việt Nam chủ yếu xuất nguyên liệu thô, các nhà nhập khẩu nhập khẩu về sẽ chế biến, đóng gói, lấy tên thương hiệu của họ, như mặt hàng gạo, cà phê…là rõ nhất.

“Rõ ràng, vấn đề không chỉ nằm ở khâu xây dựng lô gô, dán nhãn, mà nó liên quan đến chuỗi giá trị, từ khâu sản xuất, chế biến, xuất khẩu. Tiêu chuẩn hàng hóa xuất khẩu phải phù hợp với từng thị trường, đạt chất lượng nhưng phải ổn định về lâu dài, chứ mỗi lô chất lượng một khác thì cũng không ai tin cả. Sau đó mới tính chuyện dán nhãn, lô gô, thương hiệu”- ông Thế Anh nói.

Theo TS Thế Anh, chẳng hạn như lúa, phải sản xuất một giống, DN phải liên kết với tổ hợp tác, hợp tác xã sản xuất theo vùng rộng lớn, có quy trình canh tác chung, được kiểm soát về an toàn thực phẩm. “Nhà sản xuất, xuất khẩu phải cùng chung “con thuyền” mới chiến đấu được. Hiện các DN xuất khẩu chỉ lo ăn phần xuất khẩu, không hợp tác với nông dân thì không thể quyết được thương hiệu cho nông sản”, TS Thế Anh nói và cho rằng, các tham tán thương mại rất ít quan tâm đến nông nghiệp.

Theo Phạm Anh

Tiền phong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên