Thương mại toàn cầu đang phục hồi nhanh hơn rất nhiều so với thời khủng hoảng 2008
Điều đó phát tín hiệu về khả năng kinh tế toàn cầu phục hồi hình chữ V.
Theo Viện Nghiên cứu Kinh tế Thế giới Kiel của Đức, thương mại toàn cầu thời kỳ đại dịch Covid-19 phục hồi nhanh hơn cả thời kỳ sau khủng hoảng tài chính năm 2008.
Theo chủ tịch viện Kiel, ông Gabriel Felbermayr, dù dịch bệnh Covid-19 còn đang căng thẳng, khối lượng giao dịch thương mại hiện đang dần trở lại tương đương ngưỡng ở thời điểm 1 năm sau khi ngân hàng Lehman Brothers sụp đổ. Điều đó phát tín hiệu về khả năng kinh tế toàn cầu phục hồi hình chữ V.
Ông Felbermayr phân tích thương mại đã sụt giảm sâu và hồi phục nhanh, và tình hình hiện tại tốt hơn so với cách đây 1 thập kỷ.
Đại dịch Covid-19 đã đẩy kinh tế toàn cầu vào khoảng thời gian suy giảm nặng nề nhất tính từ Đại Khủng hoảng. Việc thương mại phục hồi có nguyên nhân trực tiếp từ việc các biện pháp phong tỏa thời kỳ đại dịch Covid-19 được gỡ bỏ, tuy nhiên, giới chức kinh tế nhiều nước vẫn cảnh báo rằng không nên lạc quan quá sớm về khả năng điều tồi tệ nhất đã qua.
Đầu tháng này, Tổ chức Y tế Thế giới (WTO) khẳng định rằng những hy vọng về khả năng kinh tế toàn cầu phục hồi hình chữ V có thể quá lạc quan.
Tuy nhiên, nhiều viện nghiên cứu khác trong đó có viện Kiel đang giữ quan điểm tự tin hơn. Trong ngày thứ Hai, giám đốc Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva cũng đã nói đến sự phục hồi thương mại.
Viện Kiel cũng chỉ ra rằng hoạt động vận tải container tại nhiều khu vực chủ chốt giúp cho thương mại nói chung phục hồi nhanh, trong đó nổi bật nhất phải kể đến khu vực châu Mỹ, châu Á và châu Âu. Khối lượng hàng hóa vận chuyển hiện giờ đang đạt ngưỡng kỳ vọng (tính trong điều kiện không có khủng hoảng).
Thông điệp chính sách mới đây từ Mỹ cũng giúp cho nhiều chuyên gia tin rằng sự phục hồi của kinh tế toàn cầu sẽ được đảm bảo. Bởi Mỹ sẽ vẫn duy trì lãi suất thấp để đảm bảo nền kinh tế phục hồi chứ không vội vã nâng lãi suất để kiềm chế lạm phát như trước.
Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) trong ngày thứ Năm đã chính thức thông báo về thay đổi chính sách mang tính bước ngoặt.
Fed đã bỏ đi chính sách sớm nâng lãi suất nhằm ngăn lạm phát tăng cao, động thái này chắc chắn sẽ khiến cho lãi suất đồng USD tại Mỹ duy trì ở mức thấp trong khoảng thời gian dài, theo tin từ Wall Street Journal.
Trước mắt, nó sẽ không dẫn đến thay đổi đột biến chính sách bởi thực tế Fed đã thực thi những thay đổi này từ trước thông báo vào ngày thứ Năm.
Việc thông báo thay đổi định hướng chính sách này đánh dấu cho một mốc quan trọng. Nếu cách đây 5 năm, Fed áp dụng chính sách này, chắc chắn Fed đã không áp dụng chu kỳ nâng lãi suất bắt đầu từ cuối năm 2015 sau 7 năm duy trì lãi suất gần 0%.
Đây cũng là lần thay đổi định hướng lãi suất tham vọng nhất của Fed tính từ khi Fed chính thức áp dụng chính sách lạm phát mục tiêu vào năm 2012.
Trong ngày thứ Năm, với việc phát đi tín hiệu Fed muốn lạm phát tăng nhẹ lên trên ngưỡng 2%, Fed đã cho thấy nguyên tắc ngăn lạm phát vốn được đưa ra làm mục tiêu chính sách trong suốt ¼ thế kỷ qua có thể đã không phát huy nhiều tác đụng trong bối cảnh thế giới đồng loạt áp dụng lãi suất thấp.
Việc thay đổi mạnh mẽ định hướng lãi suất là để giải quyết những khó khăn của môi trường vĩ mô lãi suất thấp, lạm phát thấp, năng suất lao động thấp, tăng trưởng chậm và các khó khăn đi kèm, theo tuyên bố của Chủ tịch Fed, ông Jerome Powell. Ông Powell nhấn mạnh: "Chúng tôi thực sự đã phải cố gắng bằng mọi cách giúp ổn định nền kinh tế".
BizLive