Thưởng Tết Mậu Tuất 2018: “Người ăn không hết, kẻ lần chẳng ra”
Theo kết quả báo cáo từ 1.961 doanh nghiệp gửi về Sở Lao động- Thương binh và Xã hội TPHCM cho thấy, mức thưởng Tết năm 2018 cao nhất tại T PHCM là 1,5 tỉ đồng cho một cá nhân làm việc tại một ngân hàng có vốn đầu tư của nước ngoài
- 29-12-2017Ngân hàng ở TPHCM thưởng Tết Dương lịch 1,5 tỷ đồng
- 29-12-2017Mức thưởng Tết cao nhất ở doanh nghiệp FDI là trên 400 triệu đồng
- 28-12-2017Thưởng Tết Nguyên đán ở Đồng Nai cao nhất 400 triệu đồng
- 27-12-2017Mức thưởng Tết 2018 có cao hơn năm trước?
Cũng theo kết quả báo cáo này, có 179 doanh nghiệp (DN) khó khăn trong việc chi trả lương, thưởng Tết cho người lao động (NLĐ). Ngoài ra, tại TP HCM có ít nhất 5 DN nợ lương, nợ BHXH của NLĐ và tất nhiên, thưởng Tết đối với những NLĐ của các DN này là điều không tưởng.
Lương không có, sao mơ đến thưởng!
"Ban giám đốc công ty tuyên bố phá sản vào những ngày cuối năm khiến anh chị em công nhân (CN) không kịp trở tay. Tết đến, khi người khác háo hức chờ thưởng Tết thì chúng tôi phải lo kiếm việc. Lương không có, thưởng lại càng không, chúng tôi chỉ mong mình có được việc làm mới" - anh Hùng, vốn là CN Công ty TNHH Dệt kim Fenix (KCX Linh Trung), chia sẻ.
Anh Hùng là 1 trong 220 lao động của công ty bị mất việc khi DN phá sản. Những ngày cuối năm, anh Hùng chạy đôn chạy đáo tìm kiếm việc làm mới với hy vọng có việc. Tuy nhiên, tìm việc cuối năm không phải dễ. Anh bộc bạch: "Mọi chi phí lo cho gia đình và 2 con ở quê đều trông vào đồng lương của vợ tôi. Nếu chỉ ăn uống thôi thì đủ, nhưng cuối năm có bao nhiêu việc phải lo. Cái Tết sắp tới sẽ khá khó khăn với gia đình tôi".
Cùng cảnh ngộ "không lương, không thưởng" là 140 lao động từng làm việc tại Cty TNHH Dịch vụ Công ích quận 12. Từ tháng 7-2017 đến nay, những lao động từng làm việc ở đây đã nhiều lần tụ tập đến công ty yêu cầu giải quyết tiền lương. Tuy nhiên, NLĐ không nhận được gì ngoài những lời hứa "sẽ trả" hoặc "sắp trả" từ lãnh đạo công ty. Bác Đỗ Thành - người làm việc 17 năm tại công ty - than thở: "Tôi đã 50 tuổi, làm gì còn chỗ nào nhận nữa mà hy vọng tìm được việc làm mới. Tết đến, cả 2 cha con đều mất việc, không lương, không thưởng. Khó khăn vô cùng".
Theo LĐLĐ TP HCM, hiện có 5 DN gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh, đang nợ lương, nợ BHXH của 879 CN. Trong đó có 1 DN đang làm thủ tục phá sản là Công ty TNHH Dệt kim Fenix, KCX Linh Trung với 220 lao động, và 1 DN có chủ bỏ trốn là Công ty TNHH Lữ hành Du lịch Tiến Đạt (quận 2) có 20 lao động. Còn trong khảo sát về tình hình lương, thưởng Tết 2018 của Sở LĐ-TB-XH TP HCM, trong 1.961 DN báo cáo về Sở LĐ-TB-XH TP HCM thì có 179 DN gặp khó khăn trong việc thưởng Tết, chiếm tỉ lệ 9,13%, giảm so với năm 2017 (tỉ lệ 15,38%). Tuy nhiên, các DN vẫn cam kết sẽ chi trả lương, thưởng cho NLĐ đúng hạn, đúng thỏa thuận đã ghi trong thỏa ước lao động tập thể và hợp đồng lao động.
Công đoàn chủ động chăm lo cho NLĐ khó khăn
Đối với những DN gặp khó khăn trong chi trả lương, thưởng Tết, các cấp Công đoàn (CĐ) đã phối hợp với chính quyền, các cơ quan chức năng có nhiều biện pháp, chương trình chăm lo cho NLĐ. Đơn cử như tại Công ty TNHH Dịch vụ Công ích quận 12, LĐLĐ quận 12 đã phối hợp các cơ quan chức năng vận động DN thực hiện chi trả tiền lương cho NLĐ, dự kiến chăm lo cho mỗi NLĐ 1 triệu đồng từ nguồn Quỹ "Vì Người nghèo" của quận. Tại các DN có chủ bỏ trốn hoặc nợ lương, nợ BHXH, tổ chức CĐ tiến hành hướng dẫn NLĐ làm thủ tục khởi kiện hoặc đại diện cho NLĐ khởi kiện chủ DN ra tòa.
Theo ông Kiều Ngọc Vũ - Phó Chủ tịch LĐLĐ TPHCM - NLĐ bị nợ lương, nợ BHXH dài ngày, mất việc làm vào thời điểm cuối năm sẽ khó khăn trong việc tìm kiếm việc làm mới; mong muốn của NLĐ là các cơ quan chức năng nhanh chóng giải quyết để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của NLĐ, đặc biệt là trường hợp lao động nữ mang thai, nuôi con nhỏ.
Tổ chức CĐ TPHCM ngoài việc trực tiếp tham gia xây dựng phương án giải quyết quyền lợi cho NLĐ còn liên hệ, phối hợp các trung tâm giới thiệu việc làm và các DN trên địa bàn quản lý có những ngành, nghề phù hợp và đang có nhu cầu tuyển dụng để giới thiệu việc làm cho NLĐ; tư vấn cho NLĐ các thủ tục hưởng bảo hiểm thất nghiệp; tổ chức chăm lo cho các CNLĐ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.
Theo kế hoạch của LĐLĐ TP HCM, mức chăm lo cho đoàn viên, CNVC-LĐ có hoàn cảnh khó khăn, NLĐ bị mất việc làm tối thiểu là 500.000 đồng/suất; Tổ chức chương trình "Tấm vé nghĩa tình" phấn đấu trao tặng 37.000 vé tàu, xe cho CN về quê đón Tết; Tổ chức chương trình "Tết sum vầy" ở cả 3 cấp CĐ để chăm lo cho CN có hoàn cảnh khó khăn, không có điều kiện về quê đón Tết.
Đặc biệt, chương trình "Tết sum vầy" cấp TP năm 2018 họp mặt 600 gia đình CN có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn không có điều kiện về quê đón Tết.
Lao động