Thưởng Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019 cao hơn năm trước?
Phần lớn các doanh nghiệp đã có kế hoạch thưởng Tết cho người lao động, trung bình mức thưởng từ 1-2 tháng lương tùy thuộc vào tình hình kinh doanh.
- 25-12-2018Bắc Ninh: Thưởng Tết Nguyên đán Kỷ Hợi cao nhất là 350 triệu đồng
- 25-12-2018Bất ngờ với khảo sát thưởng Tết 2019
- 20-12-2018Thưởng Tết: Người thưởng cao, kẻ bị ‘xù’ lương
- 29-11-2018Báo cáo việc trả lương, thưởng Tết Kỷ Hợi 2019 cho giáo viên
Ông Nguyễn Đức Huy, Giám đốc chi nhánh Đại Từ, Thái Nguyên, công ty TNG chuyên sản xuất hàng may mặc, thời trang xuất khẩu cho biết, để đảm bảo thu nhập cũng như nâng cao đời sống cho hơn 14.000 lao động, từ nhiều năm nay, vấn đề lương thưởng Tết của công ty luôn được chú trọng và khá ổn định. Trung bình mỗi lao động được hưởng 1 tháng lương.
“Năm 2018, mỗi lao động được thưởng 1,2 tháng lương cơ bản. Tuy nhiên, năm nay do ngành may mặc có khả quan, lợi nhuận sau thuế đạt 138% kế hoạch năm, nên dự kiến tiền thưởng Tết có thể cao hơn năm trước. Hiện nay công ty may TNG có trên 14.000 lao động với mức lương trung bình mỗi tháng là 7,1 triệu đồng/ người. Dự kiến, năm nay công ty sẽ dành ra khoảng 149 tỷ đồng để thưởng Tết”, ông Huy cho biết.
Tình hình kinh tế có nhiều khởi sắc, theo đó, mức thưởng Tết tại các doanh nghiệp được dự báo rằng sẽ tăng so với năm 2018.
Ông Nguyễn Hải Tiến, Phó Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ Hải Phát cho biết, là doanh nghiệp dệt may chuyên gia công sản xuất các hàng xuất khẩu, công ty hiện có gần 300 lao động. Năm 2018, số lượng đơn hàng của doanh nghiệp tăng mạnh, dự kiến thưởng Tết của doanh nghiệp trung bình khoảng 2 tháng lương/lao động, cao nhất từ trước đến nay. Bên cạnh đó, đối với các lao động xa quê, công ty sẽ có xe đưa lao động về quê ăn Tết và đón trở lại sau Tết với điểm xa nhất là Hà Tĩnh.Đã từ lâu, việc giữ chân người lao động sau Tết đã là bài toán khó đối với các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp thâm dụng lao động như dệt may, da giày, vì vậy để đảm bảo số lượng lao động quay trở lại làm việc sau Tết, nhiều doanh nghiệp ngoài việc thưởng Tết từ 1-2 tháng lương còn có những chính sách hỗ trợ khác.
Còn theo nhận định của ông Trương Văn Cẩm, Tổng thư ký Hiệp hội dệt may Việt Nam nhận định, 2018 là một năm thành công đối với hoạt động xuất khẩu của ngành dệt may Việt Nam. Tổng kinh ngạch xuất khẩu của hàng dệt may năm 2018 ước đạt 36,1 tỷ USD, tăng 16,01% so với năm 2017.
"Với kết quả đạt được trong năm 2018, tín hiệu về tình hình đơn hàng cho năm 2019 cũng rất khả quan. Nhiều doanh nghiệp đã có đơn hàng cho 6 tháng đầu năm và thậm chí cả năm 2019" - ông Trương Văn Cẩm cho biết.
Trên cơ sở đó, ông Cẩm cho rằng mức lương, thưởng trung bình của khoảng 600.000 lao động thuộc các doanh nghiệp thành viên Hiệp hội Dệt May Việt Nam sẽ có tín hiệu tốt.
Ông Cẩm cũng dự đoán, tính trung bình, doanh nghiệp có thể thưởng ít nhất 1 tháng lương. Nếu doanh nghiệp có kết quả kinh doanh tốt thì có thể tới 2 tháng lương.
Theo đánh giá của Hiệp hội dệt may Việt Nam, năm 2019, toàn ngành dệt may đề ra mục tiêu đạt kim ngạch xuất khẩu 40 tỷ USD, tăng trưởng 10,8% mức thặng dư thương mại đạt 20 tỷ USD, đảm bảo việc làm và tăng thu nhập cho 2,85 triệu lao động làm việc trong ngành.
Hiện nay, các địa phương cũng đang gấp rút báo cáo tình hình lương năm 2018, thưởng Tết 2019 về Bộ LĐ-TB-XH.
Theo Sở LĐ-TB-XH tỉnh Bắc Ninh, có 327 doanh nghiệp trên tổng số 352 doanh nghiệp báo cáo có kế hoạch thưởng Tết dương lịch, chiếm 92,89%. Mức thưởng Tết dương lịch bình quân trong các doanh nghiệp báo cáo là 1.195.000 đồng/người, cao nhất nằm trong khối doanh nghiệp FDI.
Có 300 doanh nghiệp trên tổng số 352 doanh nghiệp báo cáo có kế hoạch thưởng Tết Nguyên đán Kỷ Hợi, chiếm 85,2%. Mức thưởng Tết Nguyên đán Kỷ hợi bình quân trong các doanh nghiệp báo cáo là 5.944.000 đồng/người, cao nhất nằm trong khối doanh nghiệp FDI.
Dự đoán về tình hình thưởng Tết năm nay, bà Tống Thị Minh, Nguyên Cục trưởng Cục Quan hệ lao động và Tiền lương (Bộ LĐ-TB-XH) cho rằng, mức thưởng Tết năm nay có xu hướng cao hơn so với năm trước. “Mức thưởng Tết phụ thuộc nhiều vào tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp. Trong năm qua, nhìn chung tình hình kinh doanh trong các doanh nghiệp tương đối ổn định và có nhiều khởi sắc hơn. Đặc biệt, Chính phủ cũng đã có nhiều giải pháp tháo gỡ nhiều khó khăn cho nền kinh tế. Các ngành thâm dụng lao động như dệt may, da giày, đồ gỗ… các ngành liên quan đến xuất khẩu đều khả quan hơn năm trước. Thêm vào đó, mức lương tối thiểu vùng năm 2018 tăng hơn, do đó, khả năng tiền thưởng Tết của doanh nghiệp cho người lao động cũng có xu hướng tốt lên.
Thông thường, phần lớn doanh nghiệp dành tháng lương thứ 13 cho thưởng Tết, nên việc thưởng 1 tháng lương có khả năng đạt được”.
Hiện tại, Bộ LĐ-TB-XH đã yêu cầu các Sở LĐ-TB-XH các tỉnh báo cáo về tình hình lương, thưởng Tết và sẽ công bố vào cuối tháng 12/2018.
Theo khảo sát của Navigos group, có đến 64% doanh nghiệp sẽ thưởng Tết 2019 cho nhân viên cao hơn 1 tháng lương thực lĩnh tại doanh nghiệp trong năm 2018.
Khoảng 17% số doanh nghiệp được khảo sát cho biết mức lương thưởng bình quân của nhân viên sẽ thấp hơn 1 tháng lương vì nhiều lý do khác nhau. 19% số doanh nghiệp sẽ thưởng khoảng 1 tháng lương.
VOV