Thưởng Tết ở Cần Thơ: Cao nhất chỉ bằng một nửa năm ngoái
Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) Cần Thơ, tổng số doanh nghiệp có báo cáo lương, thưởng trên địa bàn là 693 doanh nghiệp, với 54.290 lao động. Mức thưởng cao nhất hơn 69,2 triệu đồng, tương đương một nửa so với Tết năm ngoái.
- 23-12-2023Nhẫn tâm sa thải nhân viên trái luật ngay trước Tết để "né" thưởng Tết: Doanh nghiệp phải bồi thường, chủ có thể bị phạt tù!
- 22-12-2023Gần 1.000 doanh nghiệp đã lên kế hoạch thưởng Tết
- 21-12-2023Thưởng Tết cho người lao động: Khó cũng phải có!
Theo báo cáo, đối với tiền lương thực trả năm 2023 của các doanh nghiệp, mức trả cao nhất là hơn 137 triệu đồng/tháng (doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài); mức trả bình quân hơn 10,5 triệu đồng/tháng và mức trả thấp nhất là 3,7 triệu đồng/tháng ( doanh nghiệp dân doanh ).
Về thưởng Tết Dương lịch 2024 , trong số 693 doanh nghiệp, có 250 doanh nghiệp dự kiến thưởng với mức thưởng cao nhất là 69 triệu đồng (tương đương năm ngoái) của doanh nghiệp dân doanh; mức thưởng bình quân là 2,047 triệu đồng; mức thưởng thấp nhất là 100 .000 đồng (thấp hơn 100.000 đồng so với năm ngoái) cũng thuộc doanh nghiệp dân doanh.
Đối với thưởng Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, có 483 doanh nghiệp dự kiến thưởng với mức thưởng cao nhất hơn 69,2 triệu đồng thuộc doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (mức thưởng Tết Quý Mão 2023 là gần 138 triệu đồng).
Mức thưởng bình quân gần 9 triệu đồng. Còn mức thưởng thấp nhất là 100.000 đồng thuộc doanh nghiệp dân doanh, mức này Tết Quý Mão 2023 là 300.000 đồng.
Sở LĐ-TB&XH Cần Thơ cho biết, theo báo cáo của các đơn vị, chưa ghi nhận tình trạng nợ lương của các doanh nghiệp.
Năm nay Sở LĐ-TB&XH Cần Thơ đã tiếp nhận 63 lượt hồ sơ đăng ký nội quy lao động và 33 thỏa ước lao động tập thể của doanh nghiệp. Hòa giải viên lao động các cấp đã tiếp nhận và giải quyết 16 tranh chấp lao động cá nhân, trong đó có 9 cuộc hòa giải thành.
Sở LĐ-TB&XH Cần Thơ thường xuyên có văn bản đề nghị Ban Quản lý các khu chế xuất và công nghiệp Cần Thơ và Phòng LĐ-TB&XH quận, huyện tăng cường nắm bắt tình hình lao động, tiền lương và quan hệ lao động trong các doanh nghiệp để kịp thời hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người lao động .
Sở khuyến khích các doanh nghiệp tổ chức đối thoại tại nơi làm việc để trao đổi về các vấn đề về quyền, lợi ích của người lao động, từ đó tăng cường sự hiểu biết, hợp tác, chia sẻ giữa người sử dụng lao động và người lao động, hướng tới bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động.
Tiền phong