Thượng tọa Thích Thanh Huân mách bí quyết ăn uống như Einstein, Bill Clinton và sống theo 8 chữ "chính"
Bí mật về món ăn "dân dã" của nhà bác học vĩ đại Albert Einstein, cựu TT Mỹ Bill Clinton và lời khuyên "bát chính đạo" của Thượng tọa Thích Thanh Huân.
Tiếp nối tuyến bài LÀM GÌ ĐỂ KHỎE MẠNH cùng người nổi tiếng ở các lĩnh vực khác nhau, chúng tôi mong muốn gửi tặng độc giả một cách nhìn mới và toàn diện về lối sống, cách chăm sóc sức khỏe của một nhân vật cụ thể, từ đó, mỗi người có thể rút ra được những bài học cho riêng mình.
Chúng ta cùng trò chuyện với Tiến sĩ, Thượng tọa Thích Thanh Huân (Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam) về bí quyết sống khỏe mạnh theo góc nhìn của một tu sĩ. Chúng tôi mong muốn những kiến thức quý báu này sẽ góp phần vào quá trình chăm sóc và bảo vệ sức khỏe của mỗi chúng ta được tốt hơn.
BTV Vân Hồng: Kính chào Thượng tọa Thích Thanh Huân , Đức Phật từng nói, gia tài quý báu nhất của con người chính là Sức khỏe và Trí tuệ, hôm nay chúng ta cùng trao đổi về chủ để Sức khỏe, theo thầy thì mỗi người cần làm gì để khỏe mạnh?
Thượng tọa Thích Thanh Huân: Sức khỏe là một trong những tài sản quý giá nhất của mỗi người, sức khỏe quý giá hơn mọi của cải vất chất. Đúng như bạn hỏi, trong kinh, Đức Phật từng nói rằng gia tài quý báu nhất của con người chính là sức khỏe và trí tuệ.
Sức khỏe ở đây nên được hiểu trên cả hai phương diện, bao gồm cả sức khỏe về thể chất và sức khỏe về tinh thần, thể chất là Thân, tinh thần là Tâm, thân và tâm là hai yếu tố quan trọng có mối quan hệ tương hỗ, mật thiết với nhau, sức khỏe của tâm ảnh hưởng đến sức khỏe của thân, bớt lo sầu phiền não, bớt khổ đau tức giận chính là một phương pháp quan trọng giúp cho thân ta bớt được nhiều bệnh và khỏe mạnh.
Có câu nói: Một thân thể không ốm đau, một tinh thần an định sáng suốt, đó là hạnh phúc. Để có sức khỏe hoàn hảo và cuộc sống an lành hạnh phúc thì chúng ta cần ý thức giữ gìn và rèn luyện trên cả hai phương diện thân và tâm như vậy.
BTV Vân Hồng: Trong kinh Phật có gợi ý rất nhiều nếp sống giúp con người hình thành nên ý thức tu dưỡng sức khỏe rất tốt. Xin được hỏi thầy, với những người bình thường thì nên thực hành việc gì để tâm thân đều khỏe?
Thượng tọa Thích Thanh Huân: Một lần nữa xin khẳng định lại ý trên, để có sức khỏe chúng ta cần thực hành nếp sống tốt đẹp trên cả hai phương diện: Thể chất và Tinh thần.
Rất nhiều sự khổ đau nơi chúng ta là do si mê lầm lạc, nên việc trau dồi sự hiểu biết, có ý thức tích cực, tu tâm dưỡng tính, trải rộng tình thương yêu, tinh thần vị tha, bao dung độ lượng, không giận dữ, không ghen ghét đố kỵ, sẽ đem đến cho chúng ta sự an vui mạnh khỏe về tinh thần.
Phật giáo đề cập đến nhiều phương pháp thực hành như gìn giữ năm (5) giới đó là: (1) Không sát sinh hại vật, (2) Không gian tham trộm cắp, (3) Không buông thả, sống chung thủy, duy trì nếp sống đạo đức không làm tổn hại mình và không tổn hại người. (4) Không nói lời dối trá, độc ác, (5) Không sử dụng những thứ gây tổn tại đến sự minh mẫn của trí não như như ma túy, đồ uống có cồn, không ăn uống những đồ ăn thức uống tổn hại tới sức khỏe. Sống điều độ và tiết độ, ăn uống khoa học, không tham đắm trong chuyện ăn uống, ngủ nghỉ, và có vận động thể dục thân thể đều đặn.
Ngoài ra nên thực hành thêm một vài phương pháp thiền thư giãn hoặc đi bộ, tất cả những điều này đều đem lại nhiều lợi ích cho sức khỏe cả thể chất và tinh thần.
BTV Vân Hồng: Đức Phật có rất nhiều lời khuyên chuẩn mực giúp con người hướng đến những giá trị tốt đẹp, đặc biệt là sự tự tu. Theo thầy thì chúng ta có thể từ bỏ thói quen xấu bằng cách nào?
Thượng tọa Thích Thanh Huân: Mỗi chúng ta đều có nhiều thói quen, trong đó có thói quen tốt và thói quen xấu. Đối với điều tốt mà mình biết cách tập, để tâm và suy nghĩ của bản thân vào trong công việc mình làm thì sẽ phát huy được tác dụng, là ngọn đèn chiếu sáng cho hành động của mình.
Hành động tốt, suy nghĩ tốt thì sẽ mang đến và phát huy được những thành quả tốt. Khi chúng ta đã có những thói quen tốt và thường xuyên có suy nghĩ về những điều tốt đẹp thiện lành, thì khi gặp phải thói quen xấu, lập tức tâm và thân của chúng ta sẽ có sự tỉnh giác và sẽ ngăn chặn không để cho chúng ta bị lôi cuốn và trôi theo những thứ được coi là xấu đó.
Điều quan trọng hơn là mọi việc phải được thực hành trong chính niệm. Đức Phật rất đề cao chính niệm. Ví dụ, khi đi thì biết mình đi, khi đứng thì biết mình đứng, khi ngồi thì biết mình ngồi, khi nằm thì biết mình nằm. Đó là cách chúng ta chú ý sâu đến những hành động trong hiện tại của mình.
Đồng thời, cũng cần chú ý rằng, chúng ta chính niệm tỉnh giác với điều kiện là mọi hành động và việc làm của chúng ta vẫn được thực hiện một cách tự nhiên, không gò bó, không ức chế, còn nếu có bất kỳ sự ức chế nào thì lại là sai.
Có chính niệm thì sẽ dẫn đến an vui, tự tại. Chính niệm giúp ngăn ngừa hành động lầm lỗi của con người ở cả ba nơi là lời nói, suy nghĩ và việc làm, từ đó đem lại sự an lạc và lợi ích cho con người.
BTV Vân Hồng: Ăn uống là việc đứng đầu trong "tứ khoái" của đời người, khỏe nhờ ăn mà bệnh cũng vì ăn. Là người ăn chay trường nhưng vẫn rất khỏe mạnh, thầy có lời khuyên nào để mọi người có thể ăn uống đúng hơn?
Thượng tọa Thích Thanh Huân: Không chỉ các Phật tử mới ăn chay. Nhiều người không phải Phật tử trong các lĩnh vực khác nhau trong xã hội hiện nay cũng đang lựa chọn chế độ ăn chay như một cách hữu hiệu để bảo vệ sức khỏe và chống lại nhiều bệnh tật.
Nhà bác học vĩ đại Albert Einstein, cựu tổng thống Hoa Kỳ Bill Clinton, cựu CEO của hãng hoạt hình Walt Disney Michael Eisner và nhiều bậc hiền triết, ngôi sao nổi tiếng trên thế giới là những người ăn chay.
Trong số đó, có người chọn ăn chay vì đạo đức và tính nhân đạo (như Sir Paul Mc Carney – thành viên nổi tiếng của nhóm nhạc Anh huyền thoại The Beatles, đã được nữ hoàng Anh phong danh hiệu hiệp sỹ), và có người thì chọn ăn chay vì dinh dưỡng và sức khỏe.
Nhiều người thường cho rằng đồ ăn chay rất ít dinh dưỡng, điều này hoàn toàn ngược lại với thực tế khoa học, ví dụ: đậu nành, đậu tương đen, đậu đỏ, đậu lăng, quinoa… có hàm lượng protein xấp xỉ và thậm chí cao hơn thịt. Chỉ có một số người vì những lý do đặc thù mới áp dụng thực đơn tinh giản.
Để có chế độ ăn chay tốt nhất cho sức khỏe, trong bữa ăn, người ăn chay cần phối hợp các thực phẩm thực vật để đảm bảo đầy đủ, cân bằng chất dinh dưỡng cho cơ thể, nên ăn phong phú các loại trái cây, rau quả, các loại đậu hạt và ngũ cốc nguyên hạt, đồng thời giảm ăn những đồ chế biến sẵn ngoài thị trường chứa nhiều chất béo bão hoà và chất béo trans có hại cho hệ tim mạch.
Người ăn chay cũng rất nên trang bị những kiến thức và hiểu biết căn bản về cách chế biến thực phẩm chay, ví dụ: các loại đậu và hạt tuy có hàm lượng dinh dưỡng cao nhưng lớp vỏ của chúng lại thường chứa một số chất gây khó tiêu, vì thế, cần loại bỏ những chất gây khó tiêu này bằng cách luôn phải ngâm các loại đậu hạt này trong nước ít nhất 12h trước khi chế biến, như vậy khi ăn mới có lợi cho sức khỏe; hoặc như đậu nành có hàm lượng dinh dưỡng cao, nhưng nếu ăn trực tiếp và ăn nhiều thì khó tiêu, mà nên dùng các loại đậu nành đã lên men như miso, tempeh, natto… hiện nay người Việt đều đã làm được, chế biến đơn giản, có giá trị dinh dưỡng cao và tốt cho sức khỏe.
Có một ý kiến mà tôi từng đọc là, khi con vật bị giết thịt, chúng phải trải qua một quá trình sợ hãi và đau đớn tột cùng, cơ thể của chúng lập tức tiết ra các chất kịch độc (đây là phản ứng sinh học tự nhiên và đã có nhiều thí nghiệm khoa học chứng minh cụ thể) trong từng thớ thịt và không thể rửa sạch. Khi con người ăn thịt động vật, họ đưa các chất độc đó vào cơ thể của mình, và nhận cả nỗi thống khổ của con vật. Điều này sẽ tác động xấu tới sức khỏe và tâm trí con người.
BTV Vân Hồng: Khi nói về ăn uống, đa số chúng ta thường chỉ nghĩ đến các món ăn vật chất, nhưng trong Đạo Phật, các tu sĩ rất chú trọng đến góc độ tinh thần, phải vậy không thưa thầy?
Thượng tọa Thích Thanh Huân: Như trên đã đề cập, tinh thần là nhân tố tích cực và quan trọng trong việc ngăn ngừa và điều trị bệnh tật. Chúng ta cũng biết rằng nếu người bệnh có một tinh thần lạc quan thì bệnh tật dễ thuyên giảm.
Phật dạy tâm người là cội nguồn của thiện - ác, thân người là rừng tội lỗi hay là rừng công đức. Khi tâm chúng ta khởi nghĩ một điều gì thì ta cho đó là chân lý, nếu có ai không chấp nhận và chống đối lại ta sẽ tức giận, mắng chửi, la hét um sùm…
Từ đó, tất cả mọi mầm mống đấu tranh đều từ tâm mà ra, tuy nhiên, khi tâm bắt đầu có nhận thức thấy được mầm đấu tranh sẽ dẫn đến sự chống đối và tìm cách sát phạt nhau, thấy được những tác hại như vậy, thì tâm sẽ đặt ra những câu hỏi để truy tìm chân lý và quay lại với điều thiện trong chính mình.
Chúng ta theo lời Phật dạy biết phán xét và thấy rõ: Tâm là người điều khiển và theo đó, thân mới hành động. Tâm hiểu đúng, phát ra lời nói chân chính sẽ dẫn đến hành động thiện ích. Nhưng nếu tâm tham lam, ích kỷ, keo kiệt thì làm sao mở lòng giúp đỡ cho người được. Rõ ràng là khi tâm có an thì thân mới lạc. Ngược lại, khi tâm cứ mãi lo âu phiền muộn thì thân sẽ lâm vào bệnh tật.
Con người thông qua các giác quan để tiếp nhận thông tin từ bên ngoài thông qua việc nghe âm thanh (ví dụ như thông tin, âm nhạc), nhìn (ví dụ như xem internet, sách báo, các kênh tin tức) …, rồi cảm nhận và tư duy suy nghĩ, vì thế các thông tin bên ngoài có thể coi là "thức ăn" cho sức khỏe tinh thần, theo đó, chúng ta cần phải lựa chọn những "thức ăn" tinh thần này theo chiều hướng tốt và có lợi ích cho sức khỏe tinh thần của bản thân.
Người nào biết lựa chọn điều tốt để nghe thì sức khỏe tinh thần sẽ rất tốt. Ngược lại, có những món ăn tinh thần được xem là "độc hại" làm cho con người ta nghe xong thì mê đắm, mụ mị vào đó, không có hương vị của sự giải thoát. Đó là những món ăn tinh thần không lành mạnh.
Ví dụ, có những bài hát sau khi nghe xong, người ta thấy tâm hồn tốt lên, người nhẹ nhàng, sức khỏe tốt lên. Ngược lại, có những bài hát, mặc dù khiến người ta thích nghe, nhưng nghe xong thì đắm chìm trong đau khổ, tuyệt vọng hoặc suy nghĩ tiêu cực, buồn chán, có thể dẫn tới kết quả xấu.
Có những làn điệu nhạc mang lại cho con người tâm trạng vui tươi, tinh thần thanh thoát, tâm hồn thanh cao. Nhưng có những điệu nhạc khiến người ta đắm chìm, đưa con người đến tâm trạng bi lụy, dẫn dắt tới khổ đau.
Có một cách nữa là vào những thời điểm nhất định, chúng ta lựa chọn không lắng nghe âm thanh bên ngoài hay tiếp nhận thông tin bên ngoài nữa, mà quay về cảm nhận và lắng nghe âm thanh từ chính bên trong cơ thể và nội tâm mình.
Thi thoảng, chúng ta không chọn nghe âm thanh bên ngoài, mà quay về cảm nhận và lắng nghe âm thanh từ chính bên trong cơ thể và nội tâm mình.
BTV Vân Hồng: Khi con tìm hiểu về văn hóa trong bữa ăn trên thế giới, thấy một số vùng thường khuyến khích việc im lặng trong khi ăn. Trong giới tu sĩ cũng vậy, xin thầy lý giải, vì sao chúng ta nên ăn trong im lặng?
Thượng tọa Thích Thanh Huân: Giữ sự im lặng trong khi ăn chính là ăn trong chính niệm, điều này có nghĩa là ta biết được, ý thức được những gì đang diễn ra ngay bây giờ và ở đây, ngay trong giây phút hiện tại một cách tự nhiên, đồng thời cảm nhận và trân trọng những gì chúng ta đang được hưởng. Và khi ta sống với "cái biết", với "cái ý thức" đó một cách thường trực thì cuộc đời ta trở nên đẹp hơn, ý nghĩa hơn.
Ăn trong thinh lặng và tận hưởng từng miếng nhai, ý thức về sự hiện hữu của những người thương chung quanh, ý thức về tất cả những công phu lao tác và tình thương đã có mặt trong bát cơm của mình.
Khi ăn theo cách thức như vậy cũng là cách để tiếp nhận muôn vàn những tặng phẩm của đất trời để nuôi dưỡng phần tâm cũng như phần thân của bạn. Trong lúc ăn nếu tâm ngập tràn trong lo lắng, phiền muộn và những bản dự án hay kế hoạch thì khi đó bạn chỉ đang ăn những căng thẳng và sợ hãi mà thôi.
Đồng thời thời gian ăn cũng trở thành những khoảnh khắc lắng đọng giúp mọi người ý thức hơn về những hạt giống lành thiện trong chiều sâu tâm thức mà tổ tiên đã trao truyền và tìm ra cách thức để dưỡng nuôi, phát triển và tiếp tục truyền trao những hạt giống đó cho những thế hệ con cháu về sau.
BTV Vân Hồng: Trong nhiều lần thực hành thiền định và tập Yoga, con được hướng dẫn rằng hãy nhắm mắt và lắng nghe hơi thở, từ đó sẽ buông bỏ được lo âu, phiền muộn. Điều này có được là nhờ đâu, thưa thầy?
Thượng tọa Thích Thanh Huân: Để trả lời cho câu hỏi này, trước hết chúng ta phải đề cấp tới 2 chiều hướng vận động của con người.
Nói tới vận động chúng ta thường hay nghĩ tới sự vận động của cơ bắp mà ít nghĩ tới sự "vận động’ của trí não. Kỳ thực, cả hai sự vận động của cơ bắp và hoạt động của trí não đều rất quan trọng với sức khỏe của con người.
Cả hai hình thức vận động này đều có trạng thái Tĩnh và Động. Đối với trí não, tĩnh là trạng thái nghỉ ngơi thư giãn tâm trí. Điều này có thể thường xuyên áp dụng nhiều lần trong ngày, tập làm sao thành thói quen, có nhiều phương thức để tập, ví dụ: Trở về với hơi thở, hít vào thật sâu, thở ra cũng thở hết thán khí. Thở như vậy vài ba hơi thở đã thấy tâm trí thư giãn, toàn thân dễ chịu.
Hoặc là nhắm mắt thư giãn lắng nghe hơi thở, buông bỏ mọi âu lo, mọi vội vã, cũng là phương pháp dưỡng thần. Khi dưỡng thần khí tốt thì sức khỏe cũng được cải thiện.
Hình thức "động" của tâm trí là thực tập những cách suy nghĩ tích cực, lạc quan, luôn hướng tới những điều tốt đẹp, hoặc trở về quan tâm tới những bộ phận bên trong cơ thể, ví dụ như hướng suy nghĩ tới trái tim, đôi mắt, dạ dày, đôi bàn chân và cảm ơn những bộ phấn đó. Chúc lành cho trái tim, đôi mắt, bàn chân.
Thường xuyên thực hành như vậy thì sức khỏe tinh thần và thể chất sẽ tốt hơn, càng ngày càng có kinh nghiệm về cách tập này. Đây là cách tập khôn khéo, dùng tâm –ý để dưỡng sinh cho bản thân.
Phương diện thứ 2 của vận động là sự vận động về cơ bắp – cũng có 2 trạng thái động và tĩnh.
Tĩnh là sự nghỉ ngơi, thư giãn, thường thì thư giãn trong trạng thái nằm hoặc ngồi. Cần buông thư toàn thân và đặt tâm ý thư giãn trên cơ thể, toàn thân cơ bắp, thậm chí là các tế bào cũng được nghỉ ngơi, được làm tươi mới trở lại.
Trong đạo Phật có phương pháp đi trong an trú, còn gọi là Thiền Hành, hoặc đi kinh hành và thân hành niệm – mục đích chính là tu tập về Tâm, nhưng có tác dụng hiệu quả cho việc vận động về Thân.
Yếu tố bẩm sinh do ăn uống, sinh hoạt, môi trường vận động, trong đó phần lớn đều do tự mình cải thiện, đem đến sức khỏe tốt hoặc tự mình hủy hoại sức khỏe. Do đó, phải biết trân quý, giữ gìn.
Chúng tôi cũng vận động theo định hướng đó, nên để ý đến các cử chỉ khi đi đứng, nằm ngồi, sao cho ngay ngắn, đúng tư thế, khi sai phát hiện ra thì mình phải sửa luôn.
Ngoài ra, mỗi người đều tự chọn cho mình môn tập thể dục, tập dưỡng sinh. Ví dụ nhưng Dịch cân kinh, Bát đoạn cẩm, những thế tập kéo gân cơ bình thường, yoga đơn giản. Tập gì để thông kinh lạc đều tốt.
Trong đạo Phật có phương pháp đi Kinh Hành và Thân Hành Niệm ngoài mục đích chính là tu tập phần tâm thì cũng có tác dụng hiệu quả cho vận động về thân.
Cuộc đời của Đức Phật quan niệm về vận động rất đơn giản, đó gọi là sự ngay ngắn. Đức Phật chú ý tới cử chỉ, tác phong, hành động sao cho ngay ngắn, nghiêm chỉnh, đúng tư thế. Ví dụ, ngồi thì không nên gù lưng, đứng thì không nên ngả nghiêng xiêu vẹo, mọi thứ đều giữ trong sự cân bằng và hài hòa, cân đối và tự nhiên.
Tâm và thân đều ổn định, không lo lắng, không sợ hãi, không vội vã, dựa trên nguyên tắc dưỡng sinh tổng thể. Mục đích vận động là làm cho thân thể dịch chuyển, khí huyết lưu thông, kinh mạch thông suốt. Những điều này sẽ mang lại sức khỏe cho con người.
BTV Vân Hồng: Nhiều người khi gặp đau khổ thường tìm đến những triết lý Phật giáo để mong tìm thấy sự an lạc. Thầy có thể chia sẻ cách đơn giản để con người có thể vơi bớt nỗi phiền muộn trong lòng?
Thượng tọa Thích Thanh Huân: Mục tiêu của Đạo Phật là sự chấm dứt hoàn toàn mọi hình thức đau khổ và nhờ vậy đạt được Niết-bàn, nghĩa là diệt hết tâm tham, sân, si là những thứ chuyên trói buộc con người ta vào vòng sinh tử.
Giáo lý của Đức Phật được diễn tả súc tích nhất trong Tứ diệu đế (nghĩa là 4 chân lý quý giá), một "công thức" rất phổ biến trong Đạo Phật. Những chân lý này, nói về khổ và sự chấm dứt khổ, phản ánh nội dung giác ngộ của Phật.
Theo kinh sách, Ngài đã thuyết pháp "Tứ diệu đế" cho 05 vị cùng tu khổ hạnh trước kia ở Lộc uyển. Bài thuyết pháp này được gọi là "Chuyển pháp luân" và tạo nên một trong những giáo lý cơ bản nhất của Đạo Phật.
Tứ diệu đế gồm 04 chân lý.
Chân lý thứ nhất mà đạo Phật đề cập: khổ đau là một kinh nghiệm mà ta có thể tự mình chiêm nghiệm và xác định được.
Chân lý thứ hai chỉ rõ rằng: đau khổ có nguyên nhân là tham ái – điều này ta có thể hiểu được rõ ràng với ý thức của mình.
Chân lý thứ ba: chấm dứt đau khổ không nương nhờ vào thần linh tối cao mà đơn giản chỉ là dựa vào bản thân sống và tu tập trong thiện pháp đức Phật dạy để loại bỏ hoàn toàn khổ đau – ta hiểu đó là tự lực.
Chân lý thứ tư của Tứ Diệu Đế: là con đường đưa đến chấm dứt khổ đau, chân lý này không có gì siêu hình, mà đó là 08 lớp học của nhà Phật chia theo 03 cấp tu học (Giới – Định – Tuệ) để một người bình thường có thể từng bước tiến dần trên con đường rèn luyện đạo đức và sau cùng đi đến chỗ hoàn thiện bản thân, tự mình hoàn toàn làm chủ nhân quả bản thân.
Do vậy, khi đối mặt với khổ đau không nên né tránh, chạy trốn hay vội vàng tìm đến một đối tượng khác để giãi bày nhằm trút bỏ khổ đau, mà cách tốt nhất là nên tự mình đối mặt, nhận diện khổ đau, chấp nhận thực tại và tìm cho ra phương pháp hữu hiệu để vượt qua khổ đau (vượt qua nhân quả với trí tuệ nhà Phật), đây chính việc thực hành những điều đã học trong 05 lớp đầu tiên của bát chánh đạo để giúp giải thoát khổ đau.
BTV Vân Hồng: Khái niệm buông bỏ được Đức Phật rất đề cao, khi chúng ta biết buông bỏ thì mới có thể thanh thản, nhẹ lòng. Nhưng cuộc sống thật sự không dễ buông, thầy có gợi ý gì?
Thượng tọa Thích Thanh Huân: Cuộc sống hàng ngày vốn có nhiều áp lực và va đập. Bạn khó mà tránh được những bất đồng, mâu thuẫn trong công việc, sinh hoạt hàng ngày…
Đức Phật nói, khổ là hiện tượng của nhân sinh vô thường. Vô thường là quy luật nhân quả của vũ trụ; sự tiêu trừ khổ và vô thường chính là giải thoát. Nguyên tắc của giải thoát là Tính không dính chấp, mục đích của giải thoát là Vô ngã. Để thấu hiểu Vô thường, Tính không và Vô ngã chỉ có thể thông qua tu hành Phật pháp mới có thể thực sự thể nghiệm sự vi diệu đó.
Mà luật nhân quả lại là do các hành tạo ra, theo đó, mỗi hành động thiện ác của con người tạo ra nhân quả của chính họ, nói cách khác, an vui hay đau khổ của mỗi người là do chính họ tạo ra. Chính trên nền tảng chân lý như vậy, nên người tu theo đạo Phật chọn cách sống không tham, không sân, không si một cách trí tuệ, để chủ động và từng bước tạo ra đời sống an vui, hạnh phúc cho chính mình, tự tin quyết định đời sống của chính mình.
Cho nên, nếu chúng ta biết buông bỏ trong đời sống hiện tại, buông đi những danh lợi, những hận thù chấp nhặt, bỏ đi những mưu cầu tính toán cho bản thân, những "Tham – Sân – Si" trong cuộc sống thường ngày thì sẽ tự tìm thấy cho bản thân niềm an vui và thanh thản trong tâm hồn.
BTV Vân Hồng: Thiền được xem là một phương pháp kỳ diệu mà nếu chúng ta đạt được trạng thái đó thì cơ thể sẽ rất khỏe mạnh, minh mẫn và thông tuệ. Với góc nhìn của thầy, nên thiền thế nào cho đúng?
Thượng tọa Thích Thanh Huân: Thiền tập là một kỹ thuật đơn giản, có thể thực hiện ở bất kỳ đâu. Nó có thể được thực hiện khi ngồi, đi, đứng hay thậm chí nằm. Điều bạn cần làm là giữ cho tâm trí tập trung, tránh bị sao nhãng.
Thiền tập được sử dụng rộng rãi cho mọi lứa tuổi bởi mang lại nhiều lợi ích về cả thể chất lẫn tinh thần, giúp chống lại căng thẳng, giữ cho cơ thể khỏe mạnh. Khi thiền cơ thể sẽ được nghỉ ngơi. Và khi cơ thể được nghỉ ngơi đầy đủ, khả năng miễn dịch của cơ thể sẽ tăng lên. Thực tập thiền mỗi ngày sẽ giúp khả năng miễn dịch của cơ thể ổn định và ngăn chặn được rất nhiều bệnh tật.
Tuy nhiên, chú ý rằng, thiền định chỉ khi thực hiện đúng cách mới thực sự đem lại hiệu quả, ngược lại, nếu thiền sai cách thì mang đến tai hại khó lường. Vì vậy, người muốn thiền định cần có người có kinh nghiệm tốt hướng dẫn trực tiếp.
Về mặt thời gian, không có quy định nào yêu cầu chúng ta ngồi thiền bao lâu, khi mới tập ngồi thiền, chúng ta có thể ngồi 5-10 phút, khi quen rồi có thể ngồi 15-30 phút hoặc dài hơn.
Lời khuyên của Bác Hồ về sức khỏe:
Về vai trò của tâm lý với sức khỏe, chính Bác Hồ đã khẳng định, phải hiểu khái niệm sức khoẻ theo nghĩa rộng - tức là, sức khoẻ không chỉ đơn thuần là sự khoẻ mạnh về thể xác mà còn là cả sự khoẻ mạnh trong đời sống tinh thần.
Ngay từ năm 1946, Bác đã đưa ra quan niệm về sức khoẻ rất toàn diện, Người viết: "Khí huyết lưu thông, tinh thần đầy đủ, như vậy là sức khoẻ".
Từ câu nói của bác có thể hiểu, tư tưởng (tâm lý) thông thì khí thông, khí thông thì huyết thông, huyết thông mới đủ nuôi tế bào, cơ thể khi đó mới khỏe mạnh.
Hơn 30 năm sau, định nghĩa của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) về sức khoẻ được nêu ra trong Tuyên ngôn Alma - Ata năm 1978, viết: "Sức khoẻ là trạng thái thoải mái hoàn toàn cả về thể chất lẫn tâm thần - xã hội, chứ không phải là tình trạng không có bệnh tật, hoặc không bị chấn thương".
BTV Vân Hồng: Rốt cuộc thì sau tất cả, đích đến mà ai cũng muốn tìm kiếm cho mình chính là cuộc sống hạnh phúc. Thưa thầy, làm gì để có sự an lạc dài lâu?
Thượng tọa Thích Thanh Huân: Hạnh phúc – An lạc rất dễ hiểu và cũng rất trừu tượng. Từ em bé trẻ thơ đến người cao tuổi đều mong có được những điều như ý muốn và thỏa mãn được điều đó. Tự mình dứt trừ được mọi mê lầm, phiền não, khổ đau thông qua các phương pháp tu tập (gọi là Bát chính đạo), đó là:
(1) Chính kiến: Thấy biết, nhận thức đúng đắn.
(2) Chính tư duy: Suy nghĩ đúng đắn, chân chính, xa lìa tham lam, sân hận, si mê, ghen ghét…
(3) Chính ngữ: Nói lời chân chính, không nói dối, bịa đặt, nói lời hung ác.
(4) Chính nghiệp: Từ sự thấy biết đúng đắn, suy nghĩ đúng đắn, dẫn tới lời nói và hành động đúng đắn, không phạm sai lầm trong cuộc sống.
(5) Chính mạng: Nghề nghiệp nuôi sống mình đúng đắn, không phạm vào pháp luật, không bị người chê cười.
(6) Chính tinh tiến: Nỗ lực thực hành những điều thiện, điều tốt, xa lìa những điều xấu, làm những điều lợi ích cho nhân quần xã hội.
(7) Chính niệm: Không để tâm ý buông lung, chạy theo những suy nghĩ bất an loạn tưởng. Đặt tâm ý đem đến lợi lạc cho bản thân và nhận thức đúng đắn.
(8) Chính định: Giữ tâm được an định, sáng suốt.
Đừng tìm chuốc lấy khổ đau, lầm lỗi trong suy nghĩ và hành động thì bình an, hạnh phúc sẽ có mặt.
Trong kinh nhà Phật có một bài kinh gọi là Kinh Hạnh Phúc (Magala Sutta) hay còn gọi là 38 pháp hạnh phúc. Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã đề cập tới 38 phương diện mà theo đó chúng ta có thể áp dụng nhằm đem đến hạnh phúc chân thật và lâu dài, thông qua 3 phương diện:
Cách khôn ngoan xậy dựng một đời sống hạnh phúc giữa nhân quần xã hội, như tránh xa những điều xấu, ác, thân cận bậc hiền trí, sống có trách nhiệm với bản thân, gia đình, xã hội, hành xử đúng đắn, giúp đỡ mọi người.
Trau dồi tu tập tâm ý cho được vững vàng, tự chủ, không bị tiền tài danh vọng làm cho lay động, hoen ố, bị dẫn dắt với ước muốn sai lầm.
Hạnh phúc đặt trên nền tảng của trí tuệ, hiểu biết.
Trong cuộc đời này, không có ai là không mong cầu và tìm kiếm hạnh phúc, nhưng trên thực tế thì không phải ai cũng có được, thậm chí có những người không bao giờ có được. Do đó, với sự nhận thức và hiểu biết, chấp nhận chính mình, đồng thời nỗ lực sống thiện và tư duy để vượt lên hoàn cảnh, chúng ta có thể tìm thấy hạnh phúc xung quanh mình.
Ngay chính trong bản thân chúng ta có nhiều thứ mang lại hạnh phúc, nhưng chúng ta lại không chú ý đến hoặc đã lãng quên, trong khi đó lại đi tìm những thứ viển vông ở bên ngoài, rồi không đạt được dẫn đến khổ đau, thất vọng.
Ví dụ, khi chúng ta làm việc gì đó thất bại, hoặc không thắng được người khác đã cảm thấy thất vọng, đau khổ. Có những người lại tự dằn vặt bản thân về những thứ không liên quan đến mình, không phải do mình gây ra, dẫn đến mất đi sự hạnh phúc.
Trong cuộc sống vật chất và tinh thần của cá nhân, người biết đủ là người có niềm vui và hạnh phúc, là người giải thoát khỏi những nỗi khổ của đời thường.
Nếu trong cuộc sống chung của chúng ta với mọi người, mà chúng ta gặp phững điều mà chúng ta không muốn, ví dụ như có người tìm mọi cách để hại ta, nói xấu ta, thì khi đó chúng ta nên làm gì? Lúc ấy, trước tiên hãy nhớ đến hai câu kinh pháp cú Phật dạy:
"Hận thù diệt hận thù, đời này không thể có,
Từ bi diệt hận thù, là định luật thiên thu".
Đạo Phật dạy ta lấy tâm Bi mà đối lại và hóa giải hiềm khích, ghen tị, thị phi, thù hận... Mọi người cũng như ta đang sống trong biển khổ luân hồi. Nếu ta lấy oán để trả oán, lấy hận để trả hận thì biết đến bao giờ mới san bằng cho nhau? Ngược lại, những nhân xấu mà ta tạo ra sẽ ngày càng chồng chất đời đời kiếp kiếp cứ theo nhau mãi.
BTV Vân Hồng: Xin chân thành cảm ơn Thượng tọa!
Trí thức trẻ