Thượng tướng Võ Trọng Việt: Không gian mạng yên ổn thì chủ quyền an ninh đất nước mới có thể ổn định
Trong phiên thảo luận về Dự thảo Luật An ninh mạng tại Quốc hội, quy định có liên quan đến an ninh quốc gia, việc đặt văn phòng đại diện của các công ty nước ngoài cung cấp dịch vụ tại Việt Nam như Facebook, Google nhận được sự quan tâm lớn của các đại biểu.
Trao đổi với báo Trí thức trẻ, Thượng tướng Võ Trọng Việt, Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng An ninh của Quốc hội cho biết:
Không gian mạng diễn biến hết sức phức tạp đặc biệt trong thời gian đây và sẽ còn diễn biến phức tạp nên cần có những chính sách kịp thời để đảm bảo không gian mạng yên ổn. Không gian mạng yên ổn thì chủ quyền an ninh trật tự đất nước mới có thể ổn định.
Dự thảo Luật An mạng có quy định DN nước ngoài cung cấp dịch vụ viễn thông, Internet tại Việt Nam phải đặt trụ sở, cơ quan đại diện ở Việt Nam và lưu giữ dữ liệu trên đất nước Việt Nam. Theo ông, quy định này có khả thi không?
Quy định này đảm bảo tính khả thi bởi 5 lý do. Thứ nhất, về mặt cam kết của mình với thế giới là không vi phạm vì nếu liên quan đến an ninh quốc gia thì được áp dụng các điều khoản đấy. Thứ hai, quy định lưu giữ các dữ liệu trên đất nước Việt Nam liên quan đến an ninh quốc gia chứ không phải là tất cả dữ liệu của người Việt Nam dùng đều phải lưu giữ. Đó là phạm vi giới hạn cho phép. Trên thực tế, một số công ty nước ngoài cũng đã ký hợp đồng thuê tổng cộng trên 2.500 máy chủ để lưu giữ những dữ liệu này.
Thứ ba, các nước trên thế giới, nhất là các nước lớn như Mỹ, Canada, Anh, Pháp, Nga đều quy định là lưu giữ dữ liệu này trên đất nước họ. Việc mình quy định là cần thiết.
Thứ tư, khả năng lưu giữ của người ta là có. Lâu nay người ta cũng cung cấp cho cơ quan công an, cơ quan chức năng khi mình xử lý các vụ việc nhưng không có luật pháp quy định nên họ không tự nguyện, không có trách nhiệm, thích thì cung cấp, không thì thôi. Như vậy rất ảnh hưởng đến công tác bảo vệ an ninh trật tự của Việt Nam.
Thứ năm là quy định về việc đặt văn phòng đại diện trên nước Việt Nam với các tổ chức nước ngoài cũng đã có quy định rồi. Đây là quy định cần thiết bởi nó là cơ sở pháp lý cho cơ quan chức năng thực hiện khi có sai phạm; kế đến là họ cung cấp dịch vụ trên đất nước mình và có văn phòng đại diện thì sẽ có trách nhiệm hơn; và cuối cùng là ý thức của người dân sử dụng các dịch vụ này cũng sẽ tốt hơn.
Những cơ sở pháp lý ràng buộc để làm tốt hơn thì mình phải thực hiện thôi.
Đối với việc đặt trụ sở, văn phòng đại diện tại Việt Nam thì đã từng yêu cầu với Facebook, Google nhưng nếu họ không đồng ý thực hiện thì sao?
Quy định của pháp luật là họ phải thực hiện. Nếu anh không thực hiện anh vi phạm pháp luật Việt Nam. Nước nào có quy định pháp luật của nước đấy, anh cung cấp dịch vụ và kinh doanh ở nước tôi thì phải tuân thủ.
Một số doanh nghiệp CNTT e ngại rằng nếu không định nghĩa rõ ràng là những hoạt động nào trên không gian mạng được coi là ảnh hưởng đến an ninh mạng hay là mức độ ảnh hưởng đến an ninh quốc gia thì ảnh hưởng đến hoạt động của họ, dẫn đến hiện tượng lạm quyền. Ông nghĩ như thế nào về ý kiến này?
Thực ra trong quá trình làm luật này thì cơ quan soạn thảo rất cân nhắc đảm bảo chuyện hài hoà giữa an ninh và thương mại, đảm bảo về nguyên tắc thủ tục pháp lý nhưng thông thoáng trong kinh doanh hiệu quả của doanh nghiệp. Đó là nguyên tắc xuyên suốt trong thực hiện luật. Trong quá trình xây dựng, luật đã bám sát nội dung này cho nên đến nay những quy định có rào cản về mặt thủ tục pháp lý đã tháo gỡ được rất nhiều.
Còn các cơ quan nghiệp vụ người ta vẫn đảm bảo các hoạt động bình thường. Đối với nhà đầu tư thì những người làm ăn đàng hoàng, chân chính thì người ta không sợ. Nhưng cũng không thiếu gì những người lợi dụng để trốn thuế, hoạt động phi pháp thì lại hay lo toan, đối phó. Chính việc này mới cần cơ quan nghiệp vụ phát hiện xử lý ngay từ đầu.
Ví dụ: anh đang là công dân bình thường thì người ta không cấm anh xuất cảnh, nhưng nếu anh có dấu hiệu vi phạm, anh có vấn đề gì thì người ta cấm, theo dõi, quản lý anh.
Tôi nghĩ là nếu các cơ quan quản lý và doanh nghiệp cùng mong muốn tạo nên một cộng đồng có trách nhiệm với đất nước Việt Nam thì chắc chắn sẽ gặp nhau ở một điểm tốt đẹp.
Trong dự thảo có quy định doanh nghiệp phải có cơ chế xác thực tài khoản số hay là xoá bỏ, ngăn chặn việc chia sẻ thông tin. Nhưng một số doanh nghiệp công nghệ thông tin có phản ánh là rất khó khả thi về mặt kỹ thuật?
Hoạt động của các doanh nghiệp đầu tư vào Việt Nam không đồng đều. Nhiều nhà đầu tư có kinh nghiệm quốc tế dày dặn nên khi vào Việt Nam đáp ứng được yêu cầu này. Nhưng cũng có doanh nghiệp sinh sau đẻ muộn, hoặc hoạt động không đúng tôn chỉ mục đích thì sẽ gặp phải khó khăn này.
Cũng giống như trong đất nước mình thôi, không thiếu những doanh nghiệp người ta tư vấn mời thanh tra kiểm soát ngay từ đầu nên đến khi thanh tra kiểm tra người ta không sợ gì cả. Nhưng cũng có nhiều doanh nghiệp đối phó, cứ thanh tra lại chạy chọt.
Cho nên xu hướng minh bạch hoá trong hoạt động kinh doanh dịch vụ của Việt Nam đang được thắt chặt. Và khi càng minh bạch hoá, càng quy định chi tiết cụ thể thì tôi nghĩ rằng trách nhiệm những nhà đầu tư này sẽ tốt hơn.
Dự thảo An ninh mạng nhấn mạnh vai trò cơ quan quản lý trong việc đảm bảo an toàn, an ninh quốc gia nhưng vai trò của việc đảm bảo an toàn dữ liệu thông tin của người dùng chưa rõ. Có phải luật này không quan tâm nhiều lắm đến người dùng?
An toàn của người dùng là phải nhà mạng, còn khi cơ quan chức năng vào cuộc hay điều tra giám sát thì người ta đảm bảo mặt an ninh thôi. Với người dùng thì mọi bí mật thông tin, mọi dữ liệu đều phải được bảo vệ an toàn và đó là trách nhiệm của nhà mạng, nếu nhà mạng làm sai, họ phải chịu trách nhiệm. Nhưng nó bị ràng buộc ở chỗ nếu vì quốc phòng an ninh, nhà mạng phải có trách nhiệm cung cấp cho cơ quan an ninh điều tra về vấn đề người A, người B, người C. Đó là quy định.
An ninh mạng là xuyên biên giới và có thể vấn đề phát sinh là ngoài lãnh thổ Việt Nam, ông có nghĩ là Luật này giải quyết được những vấn đề đó?
Quan điểm của tôi là không gian mạng rất nguy hiểm và ngày càng cực kỳ nguy hiểm. Nếu mình có biện pháp bằng hệ thống pháp luật và tăng cường chỉ đạo thì nguy cơ an ninh quốc gia bị đe doạ. Đấy là cốt lõi và quan trọng nhất của đất nước, và chính vì vậy gần đây Bộ chính trị đã thành lập Bộ Tư lệnh tác chiến Không gian mạng ở Bộ Quốc phòng.
Tôi cho rằng ý thức trách nhiệm và chuyển nhận thức để bảo vệ không gian mạng, xử lý trên không gian mạng là hết sức cần thiết. Cho nên trách nhiệm của mọi cấp, mọi ngành, mọi tổ chức trong và ngoài nước khi đã tham gia ở nước Việt Nam này là phải tuân thủ. Mà có làm như vậy an ninh mới đảm bảo.