MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thương vụ bom tấn của Vingroup và Masan: Hai tỷ phú Việt toan tính những gì?

Vingroup sẽ dồn toàn lực cho mảng công nghiệp, công nghệ. Còn với Masan, việc thâu tóm hệ thống bán lẻ Vinmart sẽ giúp doanh nghiệp này có thêm sức mạnh trong lĩnh vực thực phẩm tiêu dùng.

Tập đoàn Vingroup và Masan hôm 3/12 đã thoả thuận sáp nhập Công ty VinCommerce (bán lẻ) và VinEco (nông nghiệp) của VinGroup vào CTCP Hàng tiêu dùng Masan – Masan Consumer để thành lập Tập đoàn Hàng tiêu dùng – Bán lẻ.

Vingroup sẽ hoán đổi toàn bộ cổ phần trong VinCommerce thành cổ phần của công ty mới sau sáp nhập. Masan Group sẽ nắm quyền kiểm soát hoạt động, Vingroup là cổ đông.

Trong thông cáo phát đi, Vingroup giải thích Tập đoàn này đã thay đổi chiến lược, phát triển với định hướng tập trung vào công nghệ, công nghiệp.

“Chúng tôi đã khởi tạo hai doanh nghiệp quy mô lớn là VinFast và VinSmart với khát vọng toàn cầu. Do vậy, chúng tôi phải tối ưu hoá mọi nguồn lực nhằm đưa VinFast và VinSmart thành các doanh nghiệp mạnh, có tầm vóc quốc tế”, ông Nguyễn Việt Quang, CEO Vingroup cho biết chiều 3/12.

Phía Masan cũng có vẻ úp mở về thương vụ sáp nhập này hồi gần cuối tháng 11. Tại FPT Techday 2019, ông Nguyễn Anh Nguyên, Phó TGĐ phụ trách CNTT Masan nói: “Làn sóng thứ 3 của Masan là bắt tay với các đối tác lớn ở Việt Nam để tự vệ với những tấn công từ bên ngoài về thương mại. Chúng tôi sẽ làm thế nào? Chúng tôi chưa biết nhưng ít nhất chúng tôi có ý tưởng về việc đó”.

Làn sóng trước đó, theo ông Nguyên là sự sợ hãi khi Alibaba, Amazon gia nhập thị trường Việt Nam. “Không chỉ riêng Masan đâu, các doanh nghiệp sản xuất của Việt Nam không cẩn thận có khi chỉ 3 – 5 năm nữa, khả năng xây dựng thương hiệu, sản xuất có thể vẫn còn nhưng khả năng bán hàng sẽ mất”, ông nói.

Bình luận về thương vụ sáp nhập giữa Vingroup và Masan, một chuyên gia phân tích cho biết cần hiểu theo động cơ của doanh nghiệp. Masan hay Vingroup đều có bài toán riêng cần giải. Nếu Masan là việc phải tăng trưởng phân khúc người tiêu dùng thì Vingroup là bài toán tài chính. Bán lẻ được xem mảng bổ trợ cho các lĩnh vực khác ở Vingroup, đặc biệt là bất động sản. Tuy nhiên, ngoài VinEco, VinGroup không tham gia sâu vào sản xuất hàng tiêu dùng.

Hiện tại, tỷ lệ hàng tươi sống của VinMart/VinMart+ chưa cao do vậy, khi kết hợp với Masan, bài toán này sẽ được giải. Đồng thời, chuỗi bán lẻ và cả Meat Deli cũng sẽ tiếp cận được người tiêu dùng tốt hơn. Như ở chuỗi Bách Hóa Xanh, tỷ trọng ngành hàng tươi sống đang chiếm 50% doanh thu.

Trong khi đó, Vingroup lại đang chuyển trọng tâm đầu tư sang hướng công nghiệp, công nghệ. “Vingroup đang trong cuộc đốt tiền đầu tư cho sản xuất ô tô, smartphone… nên họ cũng cân nhắc rút lui ở một số mảng”, vị này nói.

Đối với Masan, chuyên gia này cho rằng vấn đề chăm sóc sức khoẻ đang được người tiêu dùng đặc biệt quan tâm trong bối cảnh thị trường bức bối về an toàn thực phẩm. Với VinEco, Masan có thể đặt một chân vào thị trường nông nghiệp công nghệ cao.

“Chỉ cần làm tốt mảng này thì sức mạnh của Masan sẽ được tăng lên, nâng công ty lên tầm cao mới. Vingroup thì có cổ phần của một câu chuyện đầu tư hấp dẫn, vừa bớt được gánh nặng quản trị”, chuyên gia này nói, “Thương vụ này cả hai bên cùng có lợi”.

Với câu chuyện lo ngại cạnh tranh từ Amazon, Alibaba – như thông điệp đưa ra từ Masan, chuyên gia này cho rằng có tồn tại, nhưng chỉ chiếm một phần nhỏ trong toàn bộ câu chuyện.

Quy mô thị trường bán lẻ trực tuyến hiện đang là 2,8 tỷ USD, bằng 1/30 quy mô tổng thị trường bán lẻ. Ngành bán lẻ hiện đang có tốc độ tăng trưởng 10%/năm, bán lẻ trực tuyến tăng 2x%/năm kéo dài trong tối thiểu 5 năm. Giả sử lấy mốc 20%, vậy sau 5 năm, quy mô thị trường bán lẻ trực tuyến đạt 6,97 tỷ USD, thị trường bán lẻ chung đạt 135,28 tỷ USD, tức bán lẻ trực tuyến chỉ chiếm khoảng 5%. Như vậy, bán lẻ trực tuyến còn rất lâu mới trở thành một miếng bánh thị phần lớn.

Chuyên gia này cho biết khác với mô hình truyền thống, bán hàng online tạo ra lợi nhuận dựa trên platform.

“Các công ty lớn như Amazon không tạo ra lợi nhuận nhờ việc ăn chênh lệch lãi giữa đầu vào và đầu ra như Thế giới di động mà họ lấy lợi nhuận từ nhà cung cấp, thông qua bán platform”.

Và để đối phó với điều này, doanh nghiệp thay vì đầu tư vào hệ thống phân phối vật lý thì phải làm một hệ thống, kiểu “Lazada phẩy” – chuyên gia này nói.

“Đầu tư vào hệ thống bán lẻ sẽ hoàn thiện hơn chuỗi cung ứng  và phản ứng dễ dàng hơn với xu hướng thương mại điện tử. Tuy nhiên nếu bảo đây là mục đích chính của thương vụ thì chỉ đúng khoảng 20 – 30%, vì nếu bảo vệ mình khỏi các nhà cung cấp nước ngoài thì Masan nên mua một web thương mại điện tử hơn”.

Đức Minh

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên