Thương vụ Microsoft và Nokia, AMD và Xilinx: Nước Mỹ đang muốn đè bẹp Huawei trên thị trường viễn thông
Việc chính phủ Mỹ mạnh tay trừng phạt Huawei đang mở đường cho các hãng công nghệ Mỹ quay lại thị trường thiết bị viễn thông, lĩnh vực họ đã từ bỏ gần 20 năm nay.
- 10-10-2020Microsoft cho 150.000 nhân viên làm việc tại nhà vĩnh viễn
- 14-09-2020Microsoft thất bại trong thỏa thuận mua TikTok, ByteDance chọn Oracle
- 14-09-2020Không phải Microsoft, TikTok đã được bán cho Oracle?
Gần như trùng hợp khi chỉ cách nhau vài ngày liên tiếp các báo cáo cho thấy, Microsoft và AMD, những ông lớn trong làng công nghệ Mỹ, cùng bước chân vào một lĩnh vực còn khá mới mẻ với hoạt động kinh doanh của họ: viễn thông.
Và càng trùng hợp hơn nữa khi nó đến vào đúng thời điểm tương lai mảng kinh doanh thiết bị viễn thông của Huawei đang trở nên mờ mịt hơn bao giờ hết.
Hai thương vụ tỷ USD chỉ trong một tuần
Liệu Microsoft và Nokia có nối lại tình xưa?
Đầu tiên là vào đầu tuần này, báo cáo của hãng phân tích di động CCS Insight cho thấy, Microsoft đang nhăm nhe mua lại mảng kinh doanh hạ tầng mạng và thiết bị viễn thông của Nokia, hãng hiện đứng thứ ba thế giới về thị phần thiết bị viễn thông toàn cầu.
Tiếp đó vào hôm qua, nguồn tin đáng tin cậy từ Wall Street Journal cho biết, hãng chip AMD đang đàm phán với hãng chip đối thủ Xilinx để chuẩn bị cho một thương vụ thâu tóm trị giá 30 tỷ USD. Nhưng Xilinx có gì khiến AMD hứng thú đến vậy?
Sản phẩm chủ lực của Xilinx là các chip lập trình mảng FPGA, các con chip có thể lập trình lại firmware sau khi xuất xưởng. Do vậy, các con chip này đang được sử dụng phổ biến trong các lĩnh vực viễn thông, khi nó có thể mang lại một giải pháp linh hoạt để sử dụng cho nhiều ứng dụng khác nhau trong lĩnh vực này. Đặc biệt trong bối cảnh thế giới đang gấp rút xây dựng hạ tầng mạng 5G như hiện nay, các chip FPGA đang trở nên cần thiết hơn bao giờ hết.
Thâu tóm Xilinx sẽ mở đường cho AMD tham gia cung cấp linh kiện, thiết bị viễn thông cùng đối thủ Intel.
Đầu năm nay, đại kình địch của AMD, Intel thậm chí còn đi trước một bước khi giới thiệu bộ xử lý cho chip trạm gốc mạng 5G, Atom P5900. Các trạm gốc vốn là xương sống cho hạ tầng mạng viễn thông 5G của mỗi nhà mạng. Với tuyên bố cho biết, cả Ericsson và ZTE đều sẽ sử dụng Atom P5900 trong linh kiện mạng của mình, Intel kỳ vọng sẽ chiếm được 40% thị phần chip trạm gốc trên toàn cầu vào năm 2021.
Chip dành cho trạm gốc 5G (base station) Atom P5900 của Intel
Nhưng tại sao đúng vào thời điểm này, các hãng công nghệ Mỹ lại nhảy vào lĩnh vực viễn thông – một lĩnh vực không phải là sở trường của họ? Câu trả lời rất rõ ràng: Huawei đang thất thế và giờ là lúc thích hợp nhất để các đại gia Mỹ nhảy vào lĩnh vực công nghệ trọng yếu này.
Hay nói cách khác, các biện pháp trừng phạt Huawei của chính phủ Mỹ đang mở đường cho các ông lớn công nghệ Mỹ đưa nước Mỹ trở lại cuộc đua trên thị trường công nghệ viễn thông thế giới.
Lấy lại vị thế trong ngành công nghệ viễn thông
Mỹ không chỉ là một trong những thị trường thiết bị viễn thông lớn nhất thế giới mà các công ty Mỹ như Motorola, Lucent, AT&T … còn là những người thiết lập nên các nền tảng và tiêu chuẩn cho công nghệ viễn thông hiện đại của thế giới, như điện báo, điện thoại, điện thoại di động hay internet.
Chính vì vậy thật đáng xấu hổ khi hiện nay nước Mỹ chẳng còn nhà sản xuất thiết bị viễn thông nào xứng tầm thế giới nữa. Giờ đây những nhà cung ứng thiết bị viễn thông lớn nhất thế giới hiện nay là Huawei của Trung Quốc, Ericsson của Thụy Điển và Nokia của Phần Lan. Thậm chí cả hãng đứng thứ tư về thị phần hiện nay là Samsung cũng là của Hàn Quốc.
Thị phần trang thiết bị viễn thông toàn cầu từ năm 2017 đến 2019.
Đó là lý do từ đầu năm nay, chính phủ Mỹ thúc giục hãng công nghệ trong nước tham gia vào việc xây dựng hạ tầng viễn thông. Thậm chí Quốc hội Mỹ còn dự thảo một khoản ngân sách 1 tỷ USD chi cho việc nghiên cứu và phát triển các công nghệ mạng 5G, cũng như hợp tác với các đối tác nước ngoài như Nokia và Ericsson để tạo nên các tiêu chuẩn chung cho hạ tầng mạng, cả về phần cứng và phần mềm, nhằm hạ giá thành triển khai hệ thống mạng không dây tiên tiến này.
Bên cạnh các dự thảo luật và lời hứa về ngân sách hỗ trợ, việc trừng phạt Huawei cũng là một sự trợ giúp vô cùng to lớn để các công ty Mỹ mạnh dạn tham gia vào thị trường thiết bị viễn thông khó nhằn này. Không như các hãng Nokia hay Ericsson, Huawei tự thiết kế nên chip trạm gốc cùng các chip viễn thông khác, bên cạnh đó là phần mềm độc quyền liên kết với các phần cứng đó. Mô hình tích hợp chiều dọc này khiến việc cạnh tranh với Huawei trở nên rất khó khăn khi nó khiến các nhà mạng phụ thuộc vào thiết bị của công ty Trung Quốc.
Điểm yếu của Huawei nằm ở chỗ, họ không tự sản xuất được chip mà phải phụ thuộc vào nhà cung cấp TSMC. Và khi nước Mỹ chặn nguồn cung cấp chip này, bao gồm cả chip smartphone cũng như chip dành cho hệ thống mạng, khả năng xây dựng và triển khai mạng 5G của Huawei cũng bị kìm lại. Và các hãng công nghệ Mỹ đang tận dụng thời cơ này để giành lại lợi thế về mình.
Đầu năm nay, Intel đã công bố một loạt giải pháp về chip và nền tảng kết nối dành cho mạng 5G
Nếu có thể kết hợp với mảng kinh doanh hạ tầng mạng lưới của Nokia, Microsoft, người khổng lồ phần mềm, có thể kết hợp với kinh nghiệm và phần cứng sẵn có của hãng viễn thông Phần Lan để tạo nên một chuẩn phần mềm hệ thống mạng chung, nhằm thu hút nhiều hơn nữa các đối tác sản xuất phần cứng để hạ chi phí triển khai hệ thống mạng. Microsoft chính là một trong những hãng hào hứng nhất tham gia vào dự án xây dựng tiêu chuẩn kỹ thuật chung và các tính năng đám mây dành cho thiết bị hạ tầng 5G.
Có lẽ đây chính là động lực để AMD quay trở lại bàn đàm phán thâu tóm hãng Xilinx. Họ đã "bắt sóng" được tín hiệu lạc quan về thương vụ giữa Microsoft và Nokia và muốn chen chân vào thị trường này. Đối thủ Intel của họ đã đi trước với Atom P5900 và AMD không muốn bị bỏ lại phía sau.
Trừng phạt Huawei - một mũi tên trúng nhiều đích
Chipset dành cho trạm gốc 5G của Huawei, Tiangang dùng quy trình 7nm của TSMC.
Lợi ích của thị trường hạ tầng viễn thông vẫn còn vô cùng lớn. Hạ tầng mạng 5G mới chỉ ở giai đoạn phát triển đầu tiên, và không chỉ tại nước Mỹ, thị trường thế giới vẫn còn rất rộng lớn. Đó là còn chưa kể đến các thị trường mà Huawei có thể phải bỏ dở do không còn thiết bị và linh kiện để triển khai. Và các hãng công nghệ nước Mỹ đang sẵn sàng lấp vào chỗ trống đó, cho dù họ đang đi sau.
Đến thời điểm này có thể thấy rõ hơn một mũi tên trúng nhiều đích của chính phủ Mỹ khi giáng đòn đánh xuống Huawei. Là hãng công nghệ đi đầu Trung Quốc, sự tham gia của Huawei vào nhiều mảng công nghệ tiên tiến như hạ tầng viễn thông, smartphone, ô tô tự hành đã kéo theo sự phát triển của nhiều lĩnh vực trọng yếu tại Trung Quốc, như gia công bán dẫn, sản xuất chip nhớ, điện toán đám mây, cũng như cả tham vọng tự chủ công nghệ của quốc gia này.
Với các biện pháp trừng phạt khắc nghiệt nhắm vào Huawei, chính phủ Mỹ đang cố gắng kìm hãm đà phát triển cả ngành công nghệ Trung Quốc. Đồng thời mở đường cho các công ty Mỹ quay trở lại cuộc đua làm chủ công nghệ hạ tầng viễn thông, một lĩnh vực mà họ đã từ bỏ từ nhiều năm nay.
Pháp luật và Bạn đọc