Thường vụ Quốc hội xem xét cấp “sổ đỏ” cho cá nhân sử dụng đất không giấy tờ
Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi chọn 1 phương án quy định theo hướng xem xét cấp “sổ đỏ” cho hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất không có giấy tờ đến trước 1/7/2014.
Sáng ngày 16/11, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận một số nội dung lớn tiếp thu, giải trình, chỉnh lý và phương án thông qua Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi. Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã được thảo luận tại đợt 1 kỳ họp thứ 6. Thời điểm trình Quốc hội thảo luận, có tới 16 nội dung được thiết kế 2-3 phương án.
Về cấp giấy chứng nhận cho hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất (còn gọi là sổ đỏ) không có giấy tờ về quyền sử dụng đất không vi phạm pháp luật về đất đai, không thuộc trường hợp giao đất trái thẩm quyền, khoản 3, điều 139, dự thảo luật thiết kế 2 phương án.
Trình bày báo cáo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý và phương án thông qua Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) sáng nay, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho hay, tiếp thu ý kiến đa số trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội, dự thảo luật quy định về xem xét công nhận quyền sử dụng đất cho hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất đến trước ngày 01/7/2014.
Để giải quyết căn cơ vấn đề này, cơ quan thẩm tra của Quốc hội đề nghị Chính phủ có cơ chế, chính sách hỗ trợ thực hiện cấp Giấy chứng nhận cho hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất không có giấy tờ về quyền sử dụng đất không vi phạm pháp luật.
Điều này góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về đất đai, bảo đảm hiệu lực pháp lý của quy định.
Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất từ ngày 15/10/1993 đến trước ngày 01/7/2014 nay được UBND cấp xã xác nhận là không có tranh chấp thì diện tích được công nhận quyền sử dụng đất như sau:
a) Trường hợp thửa đất có nhà ở mà diện tích thửa đất bằng hoặc lớn hơn hạn mức giao đất ở quy định tại khoản 2 Điều 196 và khoản 4 Điều 197 của luật này thì diện tích đất ở được công nhận bằng hạn mức giao đất ở; trường hợp diện tích đất xây dựng nhà ở và các công trình phục vụ đời sống lớn hơn hạn mức giao đất ở thì công nhận diện tích đất ở theo diện tích thực tế đã xây dựng nhà ở và các công trình phục vụ đời sống đó;
b) Đối với thửa đất có nhà ở mà diện tích thửa đất nhỏ hơn hoặc bằng hạn mức giao đất ở quy định tại khoản 2 Điều 196 và khoản 4 Điều 197 của Luật này thì toàn bộ diện tích thửa đất được công nhận là đất ở;
c) Đối với thửa đất sử dụng vào mục đích sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp, thương mại, dịch vụ thì công nhận đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp theo quy định tại điểm c khoản 1 điều này;
d) Đối với phần diện tích đất còn lại sau khi đã được xác định theo quy định tại điểm a và điểm c khoản này thì được xác định theo hiện trạng đang sử dụng, cụ thể như sau:
Trường hợp hiện trạng sử dụng là đất phi nông nghiệp không phải là đất ở thì được công nhận theo quy định tại điểm c khoản này;
Trường hợp hiện trạng sử dụng là đất nông nghiệp thì được công nhận theo hình thức Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất; nếu người sử dụng đất có nhu cầu công nhận vào mục đích đất phi nông nghiệp mà phù hợp với quy hoạch sử dụng đất cấp huyện hoặc quy hoạch đô thị hoặc quy hoạch xây dựng hoặc quy hoạch nông thôn thì được công nhận vào mục đích đó và phải nộp tiền sử dụng đất theo quy định của pháp luật.
đ) Người sử dụng đất được cấp Giấy chứng nhận quy định tại khoản này thì phải thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định của pháp luật.
Nhịp sống thị trường