Thương vụ tỷ USD "xoá tên" nhà thiết kế Tom Ford khỏi công ty nhưng lại đưa ông trở thành tỷ phú: "Tôi không thể hạnh phúc hơn"
Sau 17 năm thành lập thương hiệu thời trang mang tên mình, Tom Ford cuối cùng đã có tên trong danh sách tỷ phú do tạp chí Forbes xếp hạng.
- 18-11-2022Vợ cũ cho đi tài sản mãi chưa hết, tỷ phú giàu thứ 4 thế giới Jeff Bezos khẳng định: Khó cho đi số tiền lớn một cách hiệu quả
- 14-11-2022Cặp vợ chồng mua 19 bất động sản chỉ trong 4 năm, 40 tuổi đã nghỉ hưu với khối tài sản 1,5 triệu USD
- 14-11-2022Ngỡ ngàng trước số tiền giới siêu giàu bỏ ra hàng năm để sống xa hoa: Hàng chục nghìn USD ra đi chỉ trong nháy mắt
- 13-11-20223 thói quen người giàu hay làm để thu hút tiền tài
- 12-11-2022Đẳng cấp tỷ phú giàu nhất Ấn Độ: Không ngại chi tiền tậu loạt phi cơ và xe sang, sở hữu dinh thự ở khu dân cư đắt đỏ của thủ đô
- 06-11-2022Chẳng phải Elon Musk hay người giàu nhất mọi thời đại Mansa Musa, đây mới là tỷ phú USD đầu tiên trên thế giới
Gần đây, công ty mỹ phẩm Estée Lauder đưa ra thông cáo báo chí thu hút không ít quan tâm của làng mốt. Cụ thể, nội dung cho thấy công ty đã ký thỏa thuận mua lại thương hiệu Tom Ford, công ty hàng đầu trong lĩnh vực thời trang xa xỉ.
Thông cáo này khẳng định The Estée Lauder Companies với tư cách là chủ sở hữu duy nhất của Tom Ford và tất cả tài sản trí tuệ của thương hiệu.
Theo The New York Times, đây là thương vụ lớn nhất trong năm nay của ngành công nghiệp xa xỉ và là minh chứng cho sức mạnh lâu bền của nước hoa. Giao dịch được đưa ra khi các thương hiệu cao cấp đang tìm kiếm con đường phát triển mới do hoạt động kinh doanh ở Trung Quốc gặp khó khăn do đại dịch.
Các loại nước hoa cao cấp của Tom Ford như Black Orchid và Tuscan Leather, được bán lẻ với giá hơn 100 USD, thường lọt vào danh sách bán chạy nhất.
Vụ mua bán đắt giá đưa Tom Ford lên hàng tỷ phú
Thỏa thuận định giá tổng doanh nghiệp ở mức 2,8 tỷ USD. Số tiền mà công ty Estée Lauder cần trả cho việc mua lại là 2,3 tỷ USD tiền mặt, cộng 300 triệu USD tiền trả chậm cùng một số khoản thanh toán khác, bắt đầu từ tháng 7/2025. Việc mua lại phải tuân theo một số điều kiện nhất định và dự kiến sẽ kết thúc vào nửa đầu năm 2023.
Cũng theo thỏa thuận, nhà thiết kế Tom Ford (người sáng lập và giám đốc điều hành của Tom Ford International) sẽ tiếp tục đóng vai trò là người có tầm nhìn sáng tạo của thương hiệu cho đến hết năm 2023. Domenico De Sole (chủ tịch Tom Ford International) sẽ tiếp tục với vai trò cố vấn cho đến cùng thời điểm đó.
Estée Lauder mua thương hiệu Tom Ford với giá 2,8 tỷ USD. Ảnh: The Wall Street Journal.
"Tôi không thể hạnh phúc hơn với việc mua lại này vì Công ty Estée Lauder là ngôi nhà lý tưởng cho thương hiệu. Họ đã là đối tác tuyệt vời ngay từ ngày đầu tiên tôi thành lập công ty. Tôi rất vui khi thấy họ trở thành những người quản lý hàng xa xỉ trong chương tiếp theo của thương hiệu Tom Ford", cha đẻ của nhà mốt chia sẻ.
Ông cũng tin rằng Estée Lauder sẽ tiếp tục phát triển thương hiệu là công ty xa xỉ luôn cố gắng chỉ sản xuất thời trang và kính mắt chất lượng cao nhất.
Nhà thiết kế tài năng sở hữu gần 64% cổ phần của công ty theo hồ sơ năm 2013 và dường như ông không bán bất kỳ cổ phần nào của mình kể từ đó. Ông cũng sở hữu ít nhất hai ngôi nhà, bao gồm một ở Holmby Hills (Los Angeles, California, Mỹ) và một ở Upper East (New York), tổng trị giá 65 triệu USD.
Báo cáo thường niên mới nhất cho thấy Tom Ford có khoản lãi 96 triệu USD trên doanh thu 1,7 tỷ USD vào năm 2021. Đây cũng là năm đánh dấu bước ngoặt cho thương hiệu, khi họ có 2 năm 2019 và 2020 lỗ ròng. Tom Ford có 98 cửa hàng tại một số quốc gia bao gồm Trung Quốc, Italy, Nhật Bản...
Forbes ước tính rằng Tom Ford sẽ nhận được 1,1 tỷ USD tiền mặt từ việc bán thương hiệu, sau khi trừ các khoản thuế ước tính. Với số tiền này, ông hiện sở hữu khối tài sản trị giá 1,2 tỷ USD. Có thể thấy, thương vụ tỷ USD đã ghi tên Tom Ford thời trang vào danh sách tỷ phú.
Nhà thiết kế thời trang Tom Ford trở thành tỷ phú. Ảnh: Forbes.
Người đàn ông "vực dậy" nhà mốt Gucci
Bước ngoặt đầu tiên trong sự nghiệp của Tom Ford là khi ông chuyển đến Milan (Italy) để làm việc với tư cách là nhà thiết kế trang phục nữ cho Gucci vào năm 1990. Ông nhanh chóng thăng tiến, trở thành giám đốc thiết kế vào năm 1992.
Trong nhiệm kỳ của Maurizio Gucci (năm 1989-1993), tình hình tài chính của thương hiệu gặp khó khăn khi Maurizio chi tiêu quá mức để mua trụ sở cho công ty ở Florence và Milan. Theo báo cáo của Forbes, Maurizio đã mất hơn 22 triệu USD chỉ trong năm 1993.
Thời gian đầu ở Gucci, Tom Ford gần như bị lu mờ và Maurizio từng suýt sa thải ông khỏi vị trí này. Song với tài năng vượt trội, Tom Ford nhanh chóng tạo dựng được hào quang của riêng mình.
Năm 1994, Domenico De Sole (giám đốc điều hành của thương hiệu khi đó) đã bổ nhiệm Tom Ford vào vai trò giám đốc sáng tạo. Trong năm đầu "cầm quyền", ông đã trình làng những thiết kế mới lạ, thể hiện phong cách đặc trưng.
Bộ sưu tập năm 1995 của Tom Ford, bao gồm thiết kế váy trắng gợi cảm với những đường cắt khiêu khích, ngay lập tức trở thành cú hit. Doanh số bán hàng của Gucci tăng vọt với doanh thu 500 triệu USD vào năm 1995.
Tom Ford xuất hiện cuối buổi diễn giới thiệu bộ sưu tập Gucci Thu 1995. Ảnh: Vogue.
Vào thời điểm các chiến dịch thời trang trở nên lỗi thời, Tom Ford đã tái thiết kế tính thẩm mỹ với cách tiếp cận gây tranh cãi và khiêu khích, chẳng hạn hình ảnh người mẫu bán khỏa thân hay chữ G đặc trưng được sắp xếp lộn xộn.
Dù vậy, những sáng tạo đó đã giúp tăng hình ảnh thương hiệu cũng như doanh số bán hàng của Gucci, củng cố vị trí của Tom Ford là người tiên phong trong lĩnh vực thời trang.
Trong thời gian ngắn, Tom Ford đã tạo được "ma lực" cho Gucci. Ông cũng là người phụ trách trang phục thảm đỏ cho nhiều ngôi sao hàng đầu, bao gồm Madonna, Jennifer Lopez và Charlize Theron...
Năm 1999, nhà mốt gần như vỡ nợ, được định giá hơn 4 tỷ USD. Cùng năm đó, Gucci mua lại Yves Saint Laurent. Tom Ford cũng được bổ nhiệm làm giám đốc sáng tạo của thương hiệu này. Trong thời gian làm giám đốc sáng tạo cho YSL, Ford đã giành được nhiều giải thưởng của Hội đồng các nhà thiết kế thời trang Mỹ (CFDA).
Tháng 4/2004, Tom Ford rời Gucci sau hơn một thập kỷ cống hiến do những bất đồng về quyền kiểm soát công ty với ông chủ của tập đoàn PPR (tập đoàn sở hữu Gucci, hiện là Kering). Khi đó, nhà mốt được định giá 10 tỷ USD.
Tom Ford giới thiệu bộ sưu tập Xuân Hè 2023 thuộc khuôn khổ Tuần lễ thời trang New York hồi tháng 9. Ảnh: Reuters.
Thời đại của Tom Ford
Rời nhà mốt Italy, Tom Ford thành lập thương hiệu thời trang riêng mang tên mình vào năm 2005 với Domenico De Sole tham gia trong tư cách là chủ tịch. Thương hiệu ban đầu tập trung vào các sản phẩm gồm kính mắt, thời trang nam và các sản phẩm làm đẹp. Sau đó, nhãn hiệu mở rộng khả năng sáng tạo sang trang phục nữ cao cấp - lĩnh vực Tom Ford được biết đến nhiều nhất.
Các thiết kế của Tom Ford đã được không ít ngôi sao và người nổi tiếng ưa chuộng, từ Beyoncé đến Lady Gaga rồi cựu Đệ nhất phu nhân Mỹ Michelle Obama…
Nhà thiết kế đã mô tả khách hàng của ông là những người quốc tế, có văn hóa, hay đi du lịch và có thu nhập khả dụng. Đối với phụ nữ, ông cho biết họ là những người mạnh mẽ, thông minh và biết phong cách riêng của bản thân.
Trong khi đó, các sản phẩm làm đẹp và kính mắt của ông được xếp hạng trong số ba thương hiệu hàng đầu thế giới.
Diễn viên Gwyneth Paltrow diện thiết kế nằm trong bộ sưu tập Gucci Thu Đông 1996 của Tom Ford. Ảnh: Getty Images.
Không chỉ thành công trong lĩnh vực thời trang, Tom Ford còn thể hiện tài năng với sự nghiệp làm đạo diễn phim. Hồi tháng 3/2005, ông thông báo thành lập công ty sản xuất phim của riêng mình, Fade to Black.
4 năm sau, phim "A Single Man" được trình làng, giới thiệu Tom Ford trong vai trò đạo diễn. Phim dựa trên tiểu thuyết cùng tên của Christopher Isherwood. Ngoài ra, ông còn là đạo diễn cho "Nocturnal Animals" (2016), chuyển thể từ tiểu thuyết "Tony and Susan" của Austin Wright.
Thay vì là những dự án chỉ để thoả mãn bản thân, hai bộ phim này của Tom Ford đều nhận được những phản hồi tốt. "A Single Man" được nhiều đề cử và giải thưởng, trong khi "Nocturnal Animals" được lời khen ngợi từ các nhà phê bình, cũng như giành được giải thưởng tại Liên hoan phim Venice.
Forbes cho biết trong những năm qua, Tom Ford cũng đầu tư nhiều vào nghệ thuật và bất động sản. Năm 2010, ông được cho là đã bán bức chân dung tự họa của Andy Warhol với giá 32,6 triệu USD.
Ông cũng sở hữu Trang trại Cerro Pelon rộng 20.662 mẫu Anh ở New Mexico (Mỹ) - từng là địa điểm quay phim "Silverado" và "Thor". Song vào tháng 1/2021, ông đã bán bất động sản này với số tiền không được tiết lộ. Hai tháng sau, ông cũng bán dinh thự 4 tầng ở khu phố Chelsea giàu có (London, Anh) với giá 17 triệu USD.
Tom Ford chỉ đạo bộ phim đầu tay ở Hollywood, "A Single Man". Ảnh: Fade to Black Productions.
Theo Forbes, SCMP
Nhịp sống thị trường