"Thuỷ giới" Chương Mỹ - góc nhìn từ trong lòng nước lũ
Nước lũ gây ngập lụt xã Nam Phương Tiến suốt 3 tuần qua đã khiến nơi đây thành "thuỷ giới", nơi mà ở dưới nước dịch bệnh đang lan rộng, còn trên cạn người dân đang vật lộn với khó khăn, khắc phục thiên tai và ổn định cuộc sống.
- 07-08-2018Rốn lũ Chương Mỹ: Nước giếng hòa nước lũ, nguy cơ nhiễm bệnh cao
- 04-08-2018Ảnh: Sau ngập lụt dài ngày, dân Chương Mỹ đối mặt bệnh lở loét da
- 01-08-2018Ái ngại cảnh trẻ em vùng lụt Chương Mỹ vô tư bơi lội trong nước lũ
- 01-08-2018Chủ tịch huyện Chương Mỹ báo cáo Bí thư Hoàng Trung Hải: "Không lo vỡ đê tả Bùi"
"Thuỷ giới" Chương Mỹ - góc nhìn từ trong lòng nước lũ
Người dân Chương Mỹ chịu cảnh ngập lụt do mưa lũ suốt nhiều tuần qua
Sau hơn nửa tháng chìm trong ngập lụt do mưa lớn và nước lũ thượng nguồn đổ về, người dân các xã Nam Phương Tiến (Chương Mỹ, Hà Nội) đã quá quen với việc thuyền bè tấp nập qua lại khắp các đường làng ngõ xóm. Trong những ngày đầu tiên của tuần ngập thứ 3, nắng đã lên, nước rút bớt khá nhiều, tuy nhiên người dân nơi đây sẽ phải đối mặt với rác thải và nước ô nhiễm tồn đọng.
Cá chết trôi nổi trong mặt nước trước sân đình Nhân Lý. Những ngày ngập sâu nhất, mực nước trước cổng đình có độ sâu lên đến gần 3m, tuy nhiên đình được xây trên nền cao nên chỉ ngập ngấp nghé bên trong điện chính quá cổ chân người.
Dọc đường cái từ cánh đồng vào làng, ngoài cá chết trôi nổi còn có các loại xác gia súc, gia cầm như gà, vịt, lợn và cả chuột đang trương phềnh, trong giai đoạn phân huỷ bốc mùi hôi thối. Nếu không làm tốt công tác dịch tế, đây sẽ là nguồn dịch bệnh vô cùng nguy hiểm cho người dân Chương Mỹ. Thực tế đã có rất nhiều người dân bị nước ăn chân, dị ứng da, mẩn ngứa khắp người...
Xung quanh các đầm nước bao quanh thôn Nhân Lý có khá nhiều hộ dân nuôi gia cầm như gà vịt, những ngày này sẽ gặp không ít cảnh vịt bơi lội tung tăng khắp đường làng ngõ xóm. Những hộ gia đình ở trên nền đất cao thậm chí còn phải nhường chỗ ở cho trâu, bò, lợn, gà ở cùng vì chuồng trại nằm trong vùng trũng đã ngập sâu. Có gia đình, người ăn ngủ sinh hoạt trên tầng 2 thì dưới gầm giường tầng 2 đấy là lợn, gà, chó, vịt trú ngụ.
Trẻ nhỏ trong thôn nhiều em vẫn hồn nhiên tung tăng bơi lội trong làn nước tù đọng ô nhiễm chứa nhiều hiểm hoạ về dịch bệnh.
Đầu đường cái (đoạn từ cánh đồng vào trước sân đình làng), một người đàn ông đứng trên tường gạch trước nhà, kéo vó bắt cá chơi cho qua ngày. Tuy nhiên giờ đây cá trong dòng nước giữa làng cũng chẳng còn mấy, chúng đã thoát ra ao hồ, nơi nước trong sạch hơn nhiều.
Gia đình anh chị Nguyễn Bá Định và Nguyễn Thị Hồng Thanh (Đội 3, thôn Nhân Lý) là điển hình của hộ gia đình bị thiệt hại do ngập lụt tại huyện Chương Mỹ năm nay. Để từ đầu làng vào được nhà thì anh phải bơi thuyền, leo cầu thang lên trần nhà hoặc bắc thân tre gác lên cửa sổ để vào nhà.
Ngay trong những ngày đầu mưa lớn, nước lên, anh Định đã cho di tản gia đình và tài sản lên nhà trên. Con anh học tạm trú ở trường tại Xuân Mai nên không quá ảnh hướng đến các cháu. Sau khi dọn tài sản xong, anh nhờ hàng xóm cùng sang treo, chống chiếc giường lớn trong nhà lên cao sát trần để làm nơi ăn ngủ, trông giữ nhà và dọn dẹp sau lụt cho hai vợ chồng. Từ đợt ngập năm trước, anh Định đã treo giường nên năm nay dù mưa lớn nước lên nhanh nên cũng không gặp khó khăn gì.
Nhìn mực nước thấm trên vách tường có thể thấy nước đã ngập cao tới sát bàn thờ trong nhà. So với mức nước còn ngập ngoài ngõ tính đến thời điểm ghi hình cao khoảng 1m thì nhà anh Định ngày bị ngập đỉnh điểm lên tới 2,5m.
Trong hồi tưởng của hai vợ chồng anh Định thì mực nước năm nay cao không khác gì kỷ lục năm 2008, tuy nhiên thiệt hại về tài sản trong đợt ngập lụt năm nay là quá nặng nề với bà con thôn Nhân Lý nói riêng và Chương Mỹ nói chung do kinh tế và đời sống bà con đã khá hơn 10 năm trước rất nhiều.
Cô Lê Thị Sáu (Đội 3, thôn Nhân Lý) chỉ còn một mình bám trụ tại nhà để trông giữ và dọn dẹp nhà cửa, con cháu cũng đã được đưa đi sơ tán từ những ngày đầu mưa lớn, nước lên. Giống nhà anh Định, nhà cô Sáu cũng nằm ở hai rìa thôn giáp với các ao đầm, mép nước cao đỉnh điểm trong nhà lên hơn 2m mặc dù nền nhà đã cao hơn so với mặt đường ngoài ngõ khoảng 1m.
Cũng nằm trên con đường chính giữa thôn, một phụ nữ dùng gàu tát nước bạt rác thải bẩn và bèo ra khỏi ngõ nhỏ, nơi nước tràn vào cổng chính gia đình mình.
Mặc dù nằm sát bên sông nhưng nơi đây không hẳn là một làng chài sống trên sông nước, tuy nhiên giờ đây từ người già đến trẻ nhỏ đều thành thạo và bơi thuyền một cách vô cùng khéo léo. Từ kinh nghiệm lụt các năm trước, mỗi gia đình đều có ít nhất một hai chiếc thuyền tôn, thuyền nan, thuyền thúng, thậm chí bằng săm ô tô, bè ghép bằng thùng phuy...
Trong khi các thôn Tiến Tiên, Việt an, Hạnh Bồ, Nam Hài và Hạnh Côn nước đã rút khá nhiều và đang bắt đầu dọn dẹp bùn đất, tại rốn lũ Nhân Lý, người dân vẫn phải di chuyển bằng thuyền bè qua lại tấp nập.
Giờ đây, ngoài việc hy vọng không mưa trong một tuần tới, trời nắng và khô ráo liên tục, hàng trăm hộ dân chỉ còn biết chờ đợi cho nước rút nhanh để dọn dẹp nhà cửa, khắc phục thiệt hại trong hơn nửa tháng trời qua để ổn định cuộc sống.
Trí Thức trẻ