MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thủy sản Nam Việt (ANV) đẩy mạnh xuất khẩu vào Trung Quốc, lãi sau thuế 9 tháng ước đạt 510 tỷ đồng

Trong 9 tháng đầu năm, Nam Việt dự kiến ghi nhận doanh thu thuần 3.105 tỷ đồng – tăng 14%; Lợi nhuận sau thuế 510 tỷ đồng – tăng 66% so với cùng kỳ năm trước; So với kế hoạch doanh thu 4.700 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 700 tỷ đồng, Nam Việt dự kiến đã hoàn thành 66,1% chỉ tiêu doanh thu và 73% chỉ tiêu lợi nhuận đề ra trong năm 2019.

Trong buổi hội thảo "Ngành thuỷ sản và cơ hội cho Nam Việt trong vòng xoáy thương mại toàn cầu" diễn ra chiều 25/9, CTCK Rồng Việt (VDSC) và CTCP Nam Việt (ANV) đã có những chia sẻ về cơ hội, thách thức với ngành thủy sản trong giai đoạn hiện nay.

Theo chuyên gia VDSC, xuất khẩu cá tra vào Mỹ trong 8 tháng đầu năm vào Mỹ đã chậm lại trong bối cảnh căng thẳng thương mại Mỹ - Trung gia tăng. Cụ thể, giá trị xuất khẩu cá tra 8 tháng đạt 1,3 tỷ USD, giảm 8% so với cùng kỳ với xuất khẩu sang Mỹ giảm mạnh 42%, trong khi sang Trung Quốc – Hongkong tăng 17% và EU tăng 21% so với cùng kỳ năm trước.

VDSC cho rằng giá bán giảm do nhu cầu thấp tại các thị trường lớn đã tạo áp lực giảm giá bán trong nửa đầu năm. Bên cạnh đó, giá bán đã tăng mạnh trong năm 2017 và 2018 do thiếu cá biển khiến giá năm nay khó có thể đột biến. Dù vậy, giá cá tra có khả năng phục hồi nhẹ trong nửa cuối năm, khi vào mùa xuất khẩu chính. Tuy nhiên, xuất khẩu cá tra cả năm nhiều khả năng không đạt kết quả tốt như năm trước.

Thủy sản Nam Việt (ANV) đẩy mạnh xuất khẩu vào Trung Quốc, lãi sau thuế 9 tháng ước đạt 510 tỷ đồng - Ảnh 1.

VDSC đánh giá EVFTA sẽ giúp thuế nhập khẩu giảm, khuyến khích tiêu thụ cá tra tại Châu Âu. Dự kiến, EVFTA sẽ có hiệu lực từ tháng 6/2020 và thuế nhập khẩu phần lớn cá tra nguyên liệu giảm từ 5,5% xuống 0% trong vòng 3 năm từ khi EVFTA có hiệu lực. Việt Nam hiện chủ yếu xuất khẩu cá tra nguyên liệu (99%). Ngoài ra, thuế nhập khẩu cá tra chế biến sẽ giảm từ 7% về 0% trong 7 năm. Việt Nam hiện chiếm hơn 90% thị phần cá tra toàn cầu. Do đó, thuế nhập khẩu giảm không làm tăng khả năng cạnh tranh với các nước khác.

Nam Việt (ANV) đẩy mạnh xuất khẩu vào Trung Quốc, lãi sau thuế 9 tháng đạt 510 tỷ đồng

Cũng tại buổi hội thảo, ông Nguyễn Trọng Hữu, trợ lý ban Tổng Giám đốc Nam Việt (ANV) cho biết công ty hiện có 3 nhà máy được thiết kế với công suất 600 tấn/ngày. Kế hoạch nổi bật của công ty thời gian qua là tập trung vào dự án vùng nuôi Bình Phú với hơn 200 ao cá thịt và 40 ao cá giống. Công ty đưa vào cung cấp cho thị trường sản phẩm mới là chả cá surimi, đây là sản phẩm giá trị gia tăng đầu tiên. Năm 2020, công ty dự kiến phối hợp với một công ty Hàn Quốc thực hiện sản xuất sản phẩm collagen.

Hiện tại, Nam Việt đang tập trung mạnh cho dự án chiến lược là vùng nuôi Bình Phú, có diện tích 600 ha. Nam Việt sở hữu 500 ha trong số đó và được quy hoạch thẳng theo quy mô lớn. Dự án Bình Phú đủ điều kiện áp dụng các biện pháp công nghệ cao giúp giá thành sản phẩm tối ưu hơn. Công suất thiết kế tối đa 200.000 tấn nhưng sản lượng thực tế phụ thuộc nhu cầu thị trường. Lãnh đạo của Nam Việt nhấn mạnh dự án này sẽ thu hoạch đầu năm sau và đây là dự án ứng dụng công nghệ cao nên được miễn thuế 4 năm, giảm thuế 50% năm trong 9 năm và hưởng mức thuế 10% trong 12 năm.

Về dự án dự án collagen, Nam Việt cho biết dự án này đang có kế hoạch hợp tác với đối tác từ Hàn Quốc.

Về hoạt động kinh doanh, Nam Việt cho biết trong 8 tháng đầu năm, công ty xuất khẩu 43 nghìn tấn sản phẩm với giá trị 93 triệu USD, tăng lần lượt 16% và 12% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, xuất khẩu sang Trung Quốc tăng từ 19% trong năm 2018 lên 26% trong 8 tháng đầu năm. Ngược lại, xuất khẩu vào Mỹ có xu hướng giảm.

Thủy sản Nam Việt (ANV) đẩy mạnh xuất khẩu vào Trung Quốc, lãi sau thuế 9 tháng ước đạt 510 tỷ đồng - Ảnh 2.

Thị phần xuất khẩu của Nam Việt tăng mạnh tại Trung Quốc, Châu Âu

Trong 9 tháng đầu năm, Nam Việt dự kiến ghi nhận doanh thu thuần 3.105 tỷ đồng – tăng 14%; Lợi nhuận sau thuế 510 tỷ đồng – tăng 66% so với cùng kỳ năm trước; So với kế hoạch doanh thu 4.700 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 700 tỷ đồng, Nam Việt dự kiến đã hoàn thành 66,1% chỉ tiêu doanh thu và 73% chỉ tiêu lợi nhuận đề ra trong năm 2019.

Biên lãi gộp Nam Việt cũng được cải thiện từ mức 16% trong 9 tháng năm 2018 lên 24%. Dù vậy, con số này vẫn thấp hơn biên lãi gộp 41% trong quý 4/2018. Theo đại diện Nam Việt, việc này do vào thời điểm cuối năm trước, giá cá tra lên đỉnh lịch sử trong khi chi phí sản xuất thấp. Bây giờ sẽ khó có thể lập lại biên lợi nhuận gộp cao như cuối năm 2018.

Thủy sản Nam Việt (ANV) đẩy mạnh xuất khẩu vào Trung Quốc, lãi sau thuế 9 tháng ước đạt 510 tỷ đồng - Ảnh 3.

KQKD dự kiến của Nam Việt

Không đủ cá cung cấp cho thị trường Trung Quốc

Theo chia sẻ của ông Nguyễn Duy Nhứt – Phó Chủ Chủ tịch HĐQT kiểm Phó Tổng giám đốc Nam Việt, người Việt có tâm lý lo sợ xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc. Trên thực tế, một số sản phẩm nông nghiệp xuất sang Trung Quốc đã có "tai tiếng", nhưng với thủy sản thì gần như không có vấn đề gì.

Nam Việt xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc không theo đường tiểu ngạch mà theo đường chính ngạch, đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn của Chính phủ, cũng như khách hàng Trung Quốc. Trong thời gian qua, nhờ đáp ứng các tiêu chuẩn xuất khẩu nên Nam Việt đã tăng mạnh xuất khẩu sang Trung Quốc. Đến nay tỷ trọng vào thị trường này đã tăng lên 26% và sẽ chưa dừng lại. Ông Nhứt đánh giá Trung Quốc là thị trường đông dân, giàu tiềm năng và thị phần Trung Quốc có thể tăng lên 33 – 35%.

Cũng theo ông Nhứt, Nam Việt không đủ cá cũng cấp cho thị trường Trung Quốc trong 2 tháng nay và phải đến quý 4 mới đủ. Dự án Bình Phú sẽ giúp công ty đủ cá cung cấp cho thị trường Trung Quốc cũng như các thị trường khác của Công ty.

Về triển vọng kinh doanh quý 4 - đây là thời vụ mà cả thế giới tiêu thụ nhiều cá sẽ khiến nhu cầu tăng mạnh. Đơn hàng hiện tại quá nhiều và có lúc công ty không nhận đơn hàng. Doanh thu quý 4 có thể giúp doanh thu cả năm.

Minh Anh

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên