MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thủy sản Việt Nam: Làm gì để không bị “thẻ đỏ“?

07-05-2019 - 21:27 PM | Thị trường

Việc EC phạt “thẻ vàng” có thể được xem là cơ hội để Việt Nam tiếp tục hoàn thiện thể chế quản lý nghề cá, thúc đẩy phát triển bền vững...

Dự kiến cuối tháng này, đầu tháng tới, Đoàn Thanh tra của Tổng vụ các vấn đề về Biển và Thuỷ sản của Ủy ban Châu Âu (EC) tiếp tục sang Việt Nam kiểm tra về hoạt động khai thác hải sản bất hợp pháp, không theo báo cáo và không theo quy định, gọi tắt là khai thác IUU.

Nếu không giải quyết các khuyến nghị mà EC đưa ra, thủy sản Việt Nam có thể bị áp dụng biện pháp "thẻ đỏ". Điều này đồng nghĩa với việc các sản phẩm thủy, hải sản từ khai thác của Việt Nam sẽ bị cấm xuất khẩu vào thị trường 28 quốc gia thành viên của Liên minh Châu Âu (EU).

Thủy sản Việt Nam: Làm gì để không bị “thẻ đỏ“? - Ảnh 1.

Truy xuất nguồn gốc thủy hải sản khai thác là yếu tố bắt buộc khi xuất khẩu sang thị trường EU. (Ảnh minh họa)

Bốn nhóm khuyến nghị được EC đưa ra và sẽ tập trung kiểm tra gồm: Khung pháp lý; Hệ thống theo dõi, giám sát và kiểm soát hoạt động tàu cá; Thực thi pháp luật và truy xuất nguồn gốc thủy sản từ khai thác.

Phản ánh của các địa phương ven biển cho thấy, vướng mắc lớn nhất ở đây là khâu kiểm soát đối với tàu cá cũng như truy xuất nguồn gốc thủy hải sản khai thác. Muốn giải quyết được điều này cần tăng cường tuyên truyền giáo dục ý thức chấp hành pháp luật và thực thi pháp luật của Việt Nam cũng như của các quốc gia trên thế giới.

Bên cạnh đó, nhanh chóng hoàn thiện bổ sung chế tài quản lý đối với thủy hải sản, xây dựng quy mô đội tàu, quy hoạch tàu khai thác thủy hải sản phù hợp với tiềm năng biển và hoàn thiện hệ thống kiểm tra giám sát.

Ông Mai Anh Nhịn, Phó chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang nêu thực tế: "Nhiều năm rồi muốn giảm nhưng cũng không giảm được, người dân ý kiến rằng tại sao các địa phương khác không giảm mà mình lại giảm, khai thác ở vùng biển đâu có cấm, tỉnh nào cũng vào khai thác được. Phải có chương trình chung các nội dung ở ven biển cùng thống nhất là giảm và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì để làm sao có chỉ tiêu có kế hoạch cụ thể mới giảm".

Liên quan đến chế tài xử phạt, nhiều ý kiến đề xuất, trong khi một bộ phận ngư dân vẫn còn chưa nắm bắt được các quy định về pháp luật cần tăng nặng mức độ xử phạt trong đó tập trung vào xử phạt vào các chủ tàu, thuyền trưởng, máy trưởng.

Ông Nguyễn Đức Quyền, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đặt vấn đề: Nhận thức, trình độ của ngư dân còn hạn chế, chủ yếu là chủ tàu hoặc thuyền trưởng, máy trưởng mới có trình độ, chuyên môn và bây giờ quản lý sắp tới Nghị định xử phạt, xử phạt ai, xử phạt đối với chủ tàu hay ngư dân. Chủ tàu họ ngồi trên bờ không ra biển, đây là những vấn đề cần xem xét.

Chỉ rõ những bất cập của việc kiểm soát đối với tàu cá vi phạm khai thác ở vùng biển nước ngoài, ông Nguyễn Ngọc Oai, quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản cho rằng, thời gian qua, số tàu cá vi phạm là 100 tàu trên tổng số 109.000 tàu cá. Vì lợi ích kinh tế nhiều chủ tàu đã cố tình phạm luật, cần phải xử lý nghiêm những "con sâu bỏ rầu nồi canh".

"Phải xử lý nghiêm 100 tàu vi phạm, hàng chục nghìn tàu có tỉnh chỉ 1 xã, hoặc 1 huyện có ngư dân đánh bắt thủy sản. Tàu đi tổ dân phố biết không, biết chứ, xóm biết không biết chứ, thôn biết chứ, thế tại sao vẫn để vi phạm tiếp diễn? Các địa phương đã thực hiện nghiêm Công điện của Thủ tướng Chính phủ về việc ngăn chặn, giảm thiểu và chấm dứt tình trạng tàu cá và ngư dân Việt Nam khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài hay chưa?", ông Oai đặt câu hỏi.

Thủy sản Việt Nam: Làm gì để không bị “thẻ đỏ“? - Ảnh 2.

Việt Nam nỗ lực thúc đẩy nghề cá phát triển bền vững. (Ảnh minh họa: KT)

Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường, việc EC phạt “thẻ vàng” có thể được xem là cơ hội để Việt Nam tiếp tục hoàn thiện thể chế quản lý nghề cá , thúc đẩy sự phát triển, tiến tới xây dựng một nghề cá phát triển bền vững, hiệu quả và có trách nhiệm. Chính vì vậy, nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới, các địa phương cần tiếp tục tổ chức triển khai nghiêm túc, có hiệu quả các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Luật Thuỷ sản, trong đó tập trung vào các nội dung liên quan tới chống khai thác IUU. Tăng cường tuần tra, kiểm tra, giám sát việc thực thi các nội dung EC khuyến nghị. Đồng thời, phát hiện, ngăn chặn kịp thời và xử lý nghiêm tàu cá, ngư dân có dấu hiệu vi phạm vùng biển nước ngoài.


Liên quan đến vấn đề này, trong công văn của Văn phòng Chính phủ truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo về đề nghị của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về Báo cáo kết quả thực hiện các khuyến nghị của Ủy ban Châu Âu về (khai thác hải sản IUU).

Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ven biển vào cuộc xử lý nghiêm các tàu cá vi phạm hoặc có dấu hiệu vi phạm khai thác IUU, đặc biệt tập trung ngăn chặn, chấm dứt ngay tình trạng tàu cá và ngư dân địa phương khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài, có biện pháp xử lý nghiêm đối với địa phương tiếp tục tái diễn các vụ việc tàu cá và ngư dân vi phạm./.

Theo Minh Long

VOV

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên