Thụy Sĩ - Từ nhà băng của giới siêu giàu đến thiên đường tiền ảo
Đặc tính nổi tiếng nhất của hệ thống ngân hàng Thụy Sĩ là tính bảo mật cao đang bị lung lay bởi các quy định mới về chống rửa tiền và trốn thuế. Tuy nhiên, khách hàng vẫn luôn có nhu cầu về bảo mật tài chính và tiền số là 1 sự lựa chọn.
Trong những ngày trời quang, hoàng hôn trên hồ Zug thật sự tráng lệ. Những ngọn núi phủ đầy tuyết trắng cắt ngang chân trời tràn ngập sắc cam và in bóng xuống mặt hồ phẳng lặng. "Hồ Zug là nơi tiếp thêm sức mạnh tinh thần cho chúng tôi", Jeremy Epstein – người đến từ Washington DC mới đây vừa đưa khoảng 40 người nước ngoài đến tham quan thị trấn nhỏ nằm ở phía Nam thủ đô Zurich nói. Dù đến đây với mục đích chính là ngắm hoàng hôn, họ lại phát hiện ra rằng Zug còn được coi là "thung lũng tiền số", là nhà của nhiều doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực tiền số.
Đặc tính nổi tiếng nhất của hệ thống ngân hàng Thụy Sĩ là tính bảo mật cao đang bị lung lay bởi các quy định mới về chống rửa tiền và trốn thuế. Tuy nhiên, khách hàng vẫn luôn có nhu cầu về bảo mật tài chính. Tháng trước, Bộ trưởng Kinh tế Johann Schneider-Ammann đã nói rằng Thụy Sĩ nên trở thành "quốc gia tền số". Zug sẽ là thủ đô của quốc gia đó.
Trong khi các quốc gia khác đang thắt chặt quy định quản lý tiền số, Thụy Sĩ vẫn duy trì các luật lệ rất lỏng lẻo. Có cả 1 ngành đang phát triển để cất trữ các tài sản số hữu hình như các ổ cứng lưu trữ chìa khóa mã hóa được cất giữ trong khu quân sự bỏ hoang ở dãy Apls. Tại Zug, những bảng hiệu "chấp nhận bitcoin" được gắn ở khắp nơi. Năm 2016, Zug trở thành nơi đầu tiên trên thế giới chấp nhận thanh toán bằng bitcoin cho một số dịch vụ công cộng. Công dân còn có nhận dạng kỹ thuật số dựa trên công nghệ blockchain.
Khoảng 25% trong tổng số 5 tỷ USD huy động được từ các vụ ICO trên toàn thế giới trong năm ngoái là huy động ở Thụy Sĩ, theo ước tính của kiểm toán PwC. Trong số 10 vụ lớn nhất thì có tới 4 vụ ở Zug.
Thị trấn này đã sớm quyết định sẽ làm tất cả để thu hút các doanh nhân tiền số, ví dụ như cho phép các công ty có thể đăng ký kinh doanh dựa vào tài sản bitcoin thay vì bắt buộc họ phải đổi chúng sang tiền pháp định. Thuế thì vẫn luôn được duy trì ở mức thấp. Sau chiến tranh thế giới thứ 2, nơi từng là làng chài này đã giảm mức thuế thu nhập doanh nghiệp xuống chỉ còn 8,5%. Ngày nay thuế suất đã tăng lên 14,6% nhưng vẫn rất hấp dẫn so với mức 21% của Zurich.
Hiệu ứng bóng tuyết
Lịch sử tiền số của Zug bắt đầu từ năm 2013, khi Ethereum Foundation – 1 tổ chức phi lợi nhuận ủng hộ sự phát triển của nền tảng ethereum – chọn đây là nơi đặt trụ sở. Sau đó có nhiều công ty khác cũng theo bước Ethereum Foundation. Giờ đây con số lên đến hơn 150 tổ chức.
Lakeside Partners đang điều hành 1 trung tâm dịch vụ văn phòng ở Zug. Nếu như cách đây 2 năm, trong tổng số 30 công ty mà nó phục vụ chỉ có 5 công ty liên quan đến công nghệ blockchain thì bây giờ con số là 70/90. "Họ ồ ạt chuyển đến", thị trưởng Dolfi Mueller nói. Đầu tiên ông không chắc là những công ty này có mang lại lợi ích cho thị trấn hay không, nhưng "sự tò mò và tính cởi mở với thế giới bên ngoài đã mang đến nhiều của cải".
Zug có khá nhiều điều kiện thuận lợi để thành công, từ 1 Chính phủ phi tập trung đến lịch sử tôn vinh chủ nghĩa tự do. Điều này trái ngược với những đối thủ như Hồng Kông và Singapore, tạo sức hấp dẫn lớn đối với các fan hâm mộ công nghệ blockchain. Các doanh nghiệp cũng được hưởng lợi từ môi trường pháp lý linh hoạt và cởi mở, sẵn sàng tiếp nhận cái mới. Zug còn dự kiến năm tới sẽ cung cấp giấy phép fintech, giúp các startup fintech hoạt động dễ dàng hơn.
"Ở bất cứ nơi nào trên thế giới bạn cũng đều có thể tìm thấy những bức tường bọc sắt, nhưng nếu két của bạn để ở Trung Quốc hay Singapore, khi Chính phủ nói sẽ tịch thu tài sản của bạn, bạn không thể làm gì khác. Điều đó sẽ không bao giờ xảy ra ở Thụy Sĩ", Niklas Nikolajsen của công ty cung cấp dịch vụ tài chính Bitcoin Suisse nói.
Giới chức ở các nơi khác tự coi nhiệm vụ của mình là bảo vệ khách hàng trước những đồng tiền số hoàn toàn mới mẻ và mơ hồ. Nhưng Thụy Sĩ có cách tiếp cận linh hoạt hơn. "Các khách hàng của chúng tôi nên có quyền tự do đầu tư vào những tài sản mới, kể cả đó là 1 canh bạc đi chăng nữa", một quan chức Thụy Sĩ nói. Kể cả khi bong bóng bitcoin vỡ, luật lệ quản lý vẫn luôn là điều cần thiết cho các nhà đầu tư.
Tuy nhiên điều đó không đồng nghĩa với phát triển vô tội vạ. Mục tiêu mà Thụy Sĩ đề ra là bảo vệ toàn vẹn vị thế là một trung tâm tài chính. Cơ quan giám sát tài chính quốc gia FINMA đang đầu tư vào một vài vụ ICO vì nghi ngờ vi phạm pháp luật trong đó có luật chống rửa tiền. Ngày 16/2, FINMA phát hành hướng dẫn về quản lý các vụ ICO và cảnh báo một số token nên được đối xử như chứng khoán, tức là phải áp dụng những luật lệ khắt khe hơn. Tuy nhiên mục tiêu cuối cùng vẫn là đảm bảo môi trường pháp lý minh bạch để đảm bảo rằng Thụy Sĩ vẫn là 1 địa điểm hấp dẫn trong lĩnh vực tiền số.
Các doanh nhân hoạt động trong lĩnh vực tiền số cho rằng giọng điệu này là dấu hiệu cho thấy Thụy Sĩ vẫn rất quan tâm đến chuyện kinh doanh của họ. Thực tế là nơi có cung cấp sự bảo vệ về mặt pháp lý mới là nơi hấp dẫn. Với các công ty tiền số ngày càng lớn mạnh, các trung tâm có luật lệ rõ ràng và quy mô lớn sẽ có lợi thế. Tuy nhiên, bản chất phi tập trung của tiền số đồng nghĩa cuối cùng thì lợi thế từ việc là 1 phần của cụm phát triển sẽ dần dần yếu đi. Trừ khi Zug tiếp tục có những chính sách ưu đãi, chỉ những két sắt nằm sâu trong lòng đất mới có thể trường tồn với thời gian.
Chất xúc tác nào khiến giá bitcoin hồi phục trong thời gian vừa qua?