MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thủy văn thuận lợi, nhóm thủy điện tiếp tục lãi đậm trong quý II

Thủy văn thuận lợi, nhóm thủy điện tiếp tục lãi đậm trong quý II

Đa phần các doanh nghiệp thủy điện có kết quả kinh doanh khả quan trong quý II nhờ hưởng lợi lớn khi mùa mưa quay trở lại đồng thời với La Nina mạnh trở lại. VNDirect Research nhìn nhận mảng thủy điện sẽ vẫn được hưởng lợi trong cả năm 2022 do sản lượng huy động cao do thủy điện luôn là nguồn năng lượng rẻ nhất.

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết sản lượng điện sản xuất toàn hệ thống lũy kế 6 tháng đầu năm nay đạt 133,11 tỷ kWh, tăng 3,8% so với cùng kỳ. Cơ cấu huy động điện phần lớn đến từ nhiệt điện than (chiếm 41,8%, 55,79 tỷ kWh) mặc dù sản lượng mảng này đã giảm 16,3% so với cùng kỳ.

Thủy điện chiếm tỷ trọng thứ hai với tỷ trọng 31,2%, sản lượng huy động 41,58 tỷ kWh, tăng 36,5%. Các nguồn điện khác như tua bin khí đi ngang ở mức 15,22 tỷ kWh; năng lượng tái tạo tăng 30,7% đạt 19,2 tỷ kWh; điện nhập khẩu tăng 111,5 % lên 1,32 tỷ kWh, tương đương tỷ trọng 1%.

Ngoài ra, theo báo cáo triển vọng ngành điện nửa cuối năm của Chứng khoán Vietcombank (VCBS), giá than và khí đầu vào tăng mạnh khiến cho giá bán trên thị trường điện cạnh tranh tăng mạnh trong 4 tháng đầu năm và giảm dần khi mưa nhiều trong tháng 5. La Nina (mưa nhiều, thuận lợi cho thủy điện) vẫn tiếp diễn gây ra mưa nhiều ở khu vực phía Bắc, miền Trung ngay trong cao điểm mùa khô.

VCBS dẫn báo cáo Viện nghiên cứu thời tiết và xã hội của Mỹ (IRI), khả năng xảy ra La Nina có thể suy yếu trong tháng 7, 8 và mạnh trở lại từ tháng 9 trở đi với xác suất quanh 60%. Đây là tỷ lệ khá cao trong mùa mưa năm nay có thể gây ra mưa nhiều tại khu vực trung tâm phía Tây Thái Bình Dương, bao gồm Việt Nam. Nhiệt độ bề mặt biển khu vực Tây Thái Bình Dương quanh khu vực Indonesia và Việt Nam đang cao hơn trung bình nhiều năm khoảng 0,5 oC gây bốc nhiều hơi nước. Đồng thời, rãnh áp thấp từ Trung Quốc kéo xuống miền Bắc gây mưa dông trong kéo xuống Việt Nam ngay trong mùa khô. Lưu lượng nước về hồ lên gần 5.000 m/s – 8.000 m/s khiến cho nhà máy Hòa Bình và Sơn La bắt đầu phải mở 2 và 5 cửa xả đáy từ ngày 12/6 – 17/6.

Theo đó, thủy điện từ cuối tháng 5 tới nửa đầu tháng 6 liên tục được huy động tới 50% trong giờ cao điểm buổi trưa và hơn 90% công suất trong giờ cao điểm buổi tối khi không còn đóng góp bởi điện mặt trời.

Trong bối cảnh đó, đa phần các doanh nghiệp thủy điện đều hưởng lợi lớn khi mùa mưa quay trở lại đồng thời với La Nina mạnh trở lại, nhờ vậy có kết quả kinh doanh khả quan trong quý II năm nay.

Thủy văn thuận lợi, nhóm thủy điện tiếp tục lãi đậm trong quý II - Ảnh 1.

Đơn vị: Tỷ đồng.

Thủy điện Vĩnh Sơn – Sông Hinh ( HoSE:VSH ) ghi nhận doanh thu thuần tăng 32,6% lên hơn 661 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế tăng hơn 90% lên 257 tỷ đồng. Tuy lợi nhuận tăng mạnh so với cùng kỳ nhưng giảm so với mức kỷ lục 404 tỷ đồng trong quý I.

Theo thông tin của doanh nghiệp, tình hình thủy văn tại khu vực miền Trung 6 tháng đầu năm 2022 thuận lợi, tổng sản lượng điện thương phẩm trong quý II tăng 7,5% so với cùng kỳ, lên 557,5 triệu kWh. Doanh thu hoạt động sản xuất điện tăng 32,7% lên hơn 661 tỷ đồng, do sản lượng điện tăng và giá bán điện bình quân khi tham gia thị trường điện của 3 nhà máy thủy điện cao hơn so với cùng kỳ.

Lũy kế 6 tháng, Thủy điện Vĩnh Sơn – Sông Hinh ghi nhận doanh thu thuần tăng 113,4% lên gần 1.470 tỷ đồng. Biên lãi gộp tăng từ 57,8% lên 66%. Lợi nhuận sau thuế gấp 2,8 lần lên 661 tỷ đồng.

Thủy điện A Vương ( UPCoM: AVC ) với nhà máy thủy điện A Vương tại Quảng Nam báo cáo doanh thu thuần quý II đạt 261 tỷ đồng, tăng 108,3%. Lợi nhuận sau thuế gấp 3,4 lần lên 175 tỷ đồng. Lũy kế 6 tháng, doanh thu tăng 52,3% lên gần 446 tỷ đồng và lợi nhuận gấp gần 2 lần lên 273,4 tỷ đồng.

Đơn vị ghi nhận lợi nhuận sau thuế tăng trưởng mạnh với mức trên 767% là Thủy điện Hủa Na ( UPCoM:HNA ), từ 8 tỷ đồng lên 67 tỷ đồng. Nhờ vào sản lượng điện tăng 34,4% so với cùng kỳ lên 147,9 triệu kWh, doanh thu thuần tăng 43,5% lên gần 200 tỷ đồng doanh thu thuần. Lũy kế 6 tháng, doanh thu tăng 33% lên hơn 415 tỷ đồng; lợi nhuận gấp 3,4 lần lên 143 tỷ đồng.

Cùng với lý do thủy văn thuận lợi, lưu lượng nước về hồ thủy điện A Lưới lớn, doanh thu thuần của Thủy điện miền Trung (EVNCHP) ( HoSE:CHP ) tăng 93% lên gần 285 tỷ đồng. Lãi sau thuế gấp 5,5 lần lên 145 tỷ đồng. Lũy kế 6 tháng, doanh thu thuần gấp 2,5 lần lên gần 494 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế nửa đầu năm hơn 223 tỷ đồng, cải thiện từ mức âm 36,5 tỷ đồng cùng kỳ.

Nhiều doanh nghiệp thủy điện khác trên thị trường chứng khoán cũng ghi nhận mức tăng trưởng lợi nhuận tích cực trong quý II năm nay, như Sông Ba ( HoSE:SBA ), Thủy điện Thác Bà ( HoSE:TBC ), Thủy điện Sông Ba Hạ ( UPCoM:SBH ), …

VNDirect Research kỳ vọng tích cực về nhu cầu điện tăng nhanh vào năm 2022, cũng như sản lượng nhiệt cao trên huy động trong thị trường phát điện cạnh tranh ở mức giá thị trường điện toàn phần (FMP) cao hơn. Đơn vị cho rằng thủy điện sẽ được hưởng lợi với sản lượng Qm (phát thực trong thị trường giao ngay) (10%) và mức giá rẻ.

Ngoài ra, theo dự báo của IRI, pha La Nina sẽ kéo dài đến hết năm 2022, với khả năng xảy ra cao nhất trong năm nay. Pha El Nino (nước biển nóng lên, gây bất lợi cho thủy điện) cũng được ước tính với khả năng xảy ra thấp nhất. Theo đó, VNDirect Research nhìn nhận mảng thủy điện sẽ vẫn được hưởng lợi trong cả năm nay do sản lượng huy động cao do thủy điện luôn là nguồn năng lượng rẻ nhất. Như vậy, Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia (EVN NLDC – A0) luôn cân nhắc huy động từ thủy điện ở mức cao nhất có thể, đặc biệt trong bối cảnh EVN sẽ không tăng bán giá lẻ điện cho năm nay.

Thủy văn thuận lợi, nhóm thủy điện tiếp tục lãi đậm trong quý II - Ảnh 2.

Theo Vy Anh

Người Đồng Hành

Trở lên trên