Tỉ giá tăng có đáng ngại?
Xung quanh vấn đề tỉ giá USD/VNĐ tăng khá nhanh, Báo Người Lao Động đã trao đổi nhanh với ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP HCM
- 25-09-2023Tỷ giá USD sẽ diễn biến thế nào nếu Fed tiếp tục tăng lãi suất?
- 20-09-2023Tỷ giá USD giảm mạnh, mất mốc 24.500 đồng tại Vietcombank
- 18-09-2023Tỷ giá USD ngân hàng tiếp tục tăng mạnh, đồng loạt vượt mốc 24.500 đồng
* Phóng viên: Thưa ông, tỉ giá trung tâm, giá USD trong ngân hàng đang tăng khá nhanh gần đây, đâu là nguyên nhân chính?
- Ông Nguyễn Đức Lệnh: Yếu tố làm tỉ giá biến động và tăng trong thời gian gần đây chủ yếu mang tính khách quan, ngắn hạn đặt trong mối liên hệ với các đồng tiền mạnh trên thế giới. Trong đó, sự tăng giá của đồng USD Mỹ tạo áp lực nhất định lên tỉ giá VNĐ/USD.
Ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP HCM trao đổi về tỉ giá USD/VNĐ tăng khá nhanh trong thời gian qua gần đây
* Vậy theo ông, Ngân hàng Nhà nước đã, đang có những giải pháp nào để hạ nhiệt tỉ giá, góp phần ổn định tâm lý thị trường và ổn định kinh tế vĩ mô?
- Ông Nguyễn Đức Lệnh: Song với chính sách tiền tệ, tỉ giá và lãi suất hiện nay, cùng với việc điều hành linh hoạt các công cụ thị trường mở, nghiệp vụ phát hành và mua bán tín phiếu của Ngân hàng Nhà nước phù hợp, hợp lý trong mỗi giai đoạn có tác động tích cực, hiệu quả đến tỉ giá, bảo đảm diễn biến phù hợp theo định hướng điều hành và mục tiêu chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước, mục tiêu tăng trưởng và phát triển kinh tế.
Vì vậy, theo tôi, việc biến động tỉ giá trong ngắn hạn là bình thường và phù hợp, không đáng lo ngại. Trong đó, sự ổn định của thị trường tiền tệ, ngoại hối trong suốt thời gian qua là yếu tố môi trường thuận lợi và tiếp tục củng cố vững chắc niềm tin của người dân, doanh nghiệp và nhà đầu tư đối với chính sách tiền tệ, tỉ giá và lãi suất của Ngân hàng Nhà nước.
* Đâu là yếu tố nền tảng cho tỉ giá sẽ ổn định trong thời gian tới?
- Ông Nguyễn Đức Lệnh: Yếu tố nền tảng cho tỉ giá diễn biến theo định hướng điều hành của Ngân hàng Nhà nước vẫn được bảo đảm. Đó là ổn định kinh tế vĩ mô và ổn định thị trường ngoại hối, thị trường tiền tệ.
Trong đó, cung - cầu ngoại tệ được bảo đảm, các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp của người dân và doanh nghiệp luôn được đáp ứng. Đặc biệt, cán cân thanh toán xuất nhập khẩu vẫn bảo đảm, các nguồn cung ngoại tệ vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng tích cực.
Xin cám ơn ông!
Người Lao Động