MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tỉ phú thời Covid-19: Cuộc gặp định mệnh

05-06-2021 - 22:41 PM | Tài chính quốc tế

Tỉ phú thời Covid-19: Cuộc gặp định mệnh

Trong số những gương mặt mới gia nhập hội siêu giàu toàn cầu, ước tính hơn 40 người gia tăng tài sản nhờ tham gia cuộc chiến chống đại dịch Covid-19

Sau khi Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tuyên bố Covid-19 là đại dịch toàn cầu vào tháng 3 năm ngoái, nhiều thị trường sụp đổ, hàng loạt nền kinh tế bị đẩy vào suy thoái. Cùng lúc đó, hàng trăm tên tuổi rời khỏi danh sách tỉ phú thế giới của Tạp chí Forbes, cho thấy tác động khủng khiếp của đại dịch lên nhóm giàu nhất hành tinh. Nhưng chỉ một năm sau, thế giới ghi nhận thêm 493 tỉ phú, phần lớn nhờ thị trường chứng khoán tăng mạnh trở lại và những gói kích thích kinh tế chưa từng có tiền lệ.

Tầm nhìn vượt trội

Riêng lợi nhuận khủng của các tập đoàn dược phẩm độc quyền về công nghệ vắc-xin Covid-19 đã giúp sản sinh ra 9 tỉ phú mới. Tổng tài sản ròng của 9 tỉ phú này lên đến 19,3 tỉ USD, nhiều gấp 1,3 lần số tiền cần thiết để tiêm phòng cho toàn bộ dân số các quốc gia thu nhập thấp nhất.

Ngoài ra, khối tài sản của nhóm gồm 8 tỉ phú khác - những người có danh mục đầu tư rộng khắp vào các tập đoàn dược sản xuất vắc-xin - cũng đã tăng thêm 32,2 tỉ USD, số tiền đủ để tiêm chủng đầy đủ cho toàn bộ dân số Ấn Độ.

Đứng đầu danh sách 9 tỉ phú mới nổi nhờ lợi nhuận từ vắc-xin là ông Stephane Bancel, Tổng Giám đốc điều hành hãng dược Moderna (Mỹ), với tổng tài sản chạm mốc 4,3 tỉ USD. Vắc-xin của hãng này đã được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) cấp phép vào tháng 12 năm ngoái, sau vắc-xin của Pfizer-BioNTech.

Theo tờ Financial Times, chính cuộc gặp gỡ tình cờ với nhiều nhân vật tầm cỡ trong giới y học tại Diễn đàn Kinh tế thế giới ở Davos - Thụy Sĩ hồi tháng 1-2020 là bước đệm giúp người đàn ông quốc tịch Pháp này trở thành tỉ phú vắc-xin.

Tại sự kiện, ông Bancel, 48 tuổi, gặp ông Jeremy Farrar thuộc quỹ từ thiện Wellcome Trust (Anh) và ông Richard Hatchett đến từ tổ chức Liên minh Đổi mới Chuẩn bị sẵn sàng cho dịch bệnh (Na Uy).

Trải qua nhiều ngày thảo luận với 2 nhân vật được xem là thành viên "mafia về bệnh truyền nhiễm", ông Bancel sớm nhận ra mức độ nghiêm trọng tiềm tàng của đợt bùng phát dịch Covid-19 hơn hẳn 2 đợt dịch SARS và MERS trước đó. Không lãng phí thời gian, ông đã chuẩn bị cho kịch bản đại dịch lây lan toàn cầu và bắt đầu tổ chức nghiên cứu tìm kiếm vắc-xin Covid-19.

 Tỉ phú thời Covid-19: Cuộc gặp định mệnh  - Ảnh 1.

Ông Stephane Bancel, Tổng Giám đốc điều hành hãng dược Moderna (Mỹ), có tổng tài sản lên đến 4,3 tỉ USD. Ảnh: FINANCIAL TIMES

Tin tưởng công nghệ sinh học sẽ tạo nên bước ngoặt, ông Bancel huy động vốn phục vụ cho mục tiêu này. Moderna dưới sự điều hành của ông Bancel đã nhanh chóng thu hút được vốn đầu tư lớn từ các quỹ để phục vụ công tác nghiên cứu vào thời điểm công ty vẫn chưa tạo ra lợi nhuận. Trong vòng chưa đầy một năm, ông Bancel đã đưa Moderna lên vị trí hàng đầu trong cuộc đua phát triển vắc-xin ngừa Covid-19.

Xếp thứ hai trong danh sách 9 tỉ phú mới nổi nhờ vắc-xin là ông Ugur Sahin, nhà đồng sáng lập Công ty Công nghệ sinh học BioNTech (Đức), với khối tài sản trị giá 4 tỉ USD. Vào một ngày cuối tuần của tháng 1-2020, ông Sahin đọc được một bài viết trên tạp chí y khoa The Lancet về thông tin virus corona (SARS-CoV-2) gây dịch Covid-19 và dự đoán đại dịch sắp xảy ra sẽ buộc đóng cửa các trường học.

Theo Tạp chí Forbes, ngay đầu tuần sau đó, ông Sahin đã chuyển phần lớn thành viên thuộc khoa ung thư của mình sang nghiên cứu vắc-xin.

Hành động quyết đoán

Đến tháng 2-2020, ông Sahin gọi cho bà Kathrin Jansen, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu và phát triển vắc-xin của hãng Pfizer (Mỹ). Cả hai đã biết rõ nhau vì 2 năm trước đó BioNTech từng bắt tay với Pfizer để phát triển một loại vắc-xin cúm dựa trên công nghệ mRNA.

Thời điểm đó, ông Sahin nói với bà Jansen rằng BioNTech đã có các ứng viên vắc-xin ngừa Covid-19 và hỏi liệu hãng dược Pfizer có muốn hợp tác hay không. Phía bà Jansen đồng ý và đến giữa tháng 3-2020, BioNTech thông báo về sự tiến bộ nhanh chóng của ứng viên vắc-xin BNT162 với sự hợp tác của Pfizer.

Gã khổng lồ dược phẩm Mỹ đồng ý tài trợ tất cả chi phí phát triển và sản xuất ban đầu lên đến 1 tỉ USD, bao gồm khoản trả trước 185 triệu USD cho BioNTech. Điểm khác biệt trong mối quan hệ đối tác của BioNTech và Pfizer so với nỗ lực phát triển vắc-xin của Moderna là không dựa vào bất kỳ nguồn tài trợ nào của chính phủ. Trong khi đó, Moderna nhận được đến 483 triệu USD từ Cơ quan Nghiên cứu và Phát triển y sinh tiên tiến của chính phủ Mỹ.

Ở tuổi 54 hồi năm ngoái, ông Sahin mỗi sáng đều đạp xe đến văn phòng của BioNTech ở TP Mainz - Đức. Những người quen biết cho hay tỉ phú sinh ra ở Thổ Nhĩ Kỳ này hoàn toàn tập trung vào việc thúc đẩy phát triển vắc-xin Covid-19 càng nhanh càng tốt. Kết quả, vắc-xin do Công ty BioNTech (Đức) hợp tác cùng Pfizer (Mỹ) trở thành vắc-xin đầu tiên được chính phủ Mỹ cấp phép sử dụng vào tháng 12 năm ngoái.

Cơn sốt vắc-xin trong năm qua đã dẫn đến sự xuất hiện của nhiều tỉ phú trong cùng một công ty, như trường hợp của 4 tỉ phú tại Moderna. Cụ thể, trong danh sách 9 tỉ phú vắc-xin có tên của 2 nhà đầu tư sáng lập Moderna (Timothy Springer, Robert Langer) và chủ tịch Moderna (Noubar Afeyan). Ngoài ra, ông Juan Lopez-Belmonte Lopez, Chủ tịch Công ty Dược ROVI (Tây Ban Nha), cũng có tên trong danh sách này nhờ vào thỏa thuận hợp tác sản xuất và đóng gói vắc-xin Moderna.

Ba tỉ phú còn lại trong danh sách - Zhu Tao, Qiu Dongxu, Mao Huihua - đều là đồng sáng lập của Công ty Sản xuất vắc-xin CanSino Biologics (Trung Quốc), lần lượt sở hữu khối tài sản 1,3 tỉ USD, 1,2 tỉ USD và 1 tỉ USD. Vắc-xin chỉ dùng một liều của CanSino Biologics được cấp phép sử dụng hồi tháng 2 tại Trung Quốc.

Nắm bắt cơ hội

Thời điểm các khu vực khác trên thế giới còn chật vật vì đợt bùng phát dịch Covid-19 nghiêm trọng, nền kinh tế thứ hai thế giới đã tăng trưởng thương mại mạnh mẽ. Lượng vật tư y tế của Trung Quốc được nước ngoài thu mua tăng vọt hồi năm ngoái khi hàng chục quốc gia thiếu nguồn cung ứng. Thị trường xuất khẩu hàng hóa lớn nhất của Trung Quốc là Mỹ, với kim ngạch trị giá 52 tỉ USD trong tháng 11-2020, tăng gần 50% so với cùng kỳ năm trước đó.

Bất chấp đại dịch hoành hành, kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc trong tháng 11-2020 có tổng giá trị nhảy vọt lên 268 tỉ USD. Đây là mức cao nhất tính theo tháng từ trước đến nay và là tốc độ tăng trưởng nhanh nhất kể từ tháng 2-2018, theo dữ liệu từ Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc.


Theo Xuân Mai

Người Lao Động

Trở lên trên