MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tích cực "đi cùng" Bách Hoá Xanh, chuỗi nhà thuốc An Khang vẫn tiếp tục thua lỗ gần 8 tỷ trong quý 3/2020

04-11-2020 - 07:44 AM | Doanh nghiệp

Tính đến cuối tháng 9, Bách Hoá Xanh có 35 cửa hàng "5 tỷ" tại Tp.HCM, Đồng Nai, Long An, Bình Dương, Bình Phước, Bến Tre. Trong đó, 11 trên tổng số 35 cửa hàng "5 tỷ" được sắp xếp đi cùng với mô hình nhà thuốc An Khang.

Ghi nhận tại BCTC hợp nhất quý 3/2020 của CTCP Đầu tư Thế giới Di động (MWG), khoản lỗ từ công ty liên kết An Khang (trước đây là Phúc An Khang) tiếp tục tăng thêm 3,8 tỷ đồng. Như vậy, sau hơn 2 năm về chung nhà, MWG hiện ghi nhận gần 9,4 tỷ thua lỗ tại chuỗi An Khang. Đây là phần lỗ tương ứng với 49% cổ phần mà MWG nắm giữ, như vậy tổng lỗ của An Khang từ khi MWG chính thức ghi nhận là công ty liên kết vào khoảng hơn 19 tỷ đồng.

Trong lần trao đổi mới nhất, ông Trần Kinh Doanh cho biết đang kết hợp chuỗi nhà thuốc An Khang bên cạnh Bách Hoá Xanh. Bởi, chuỗi bán lẻ thực phẩm đang có lợi thế lớn với lượng khách hàng ổn định nên có thể kết hợp với các chuỗi khác. Theo kế hoạch, MWG đang bố trí diện tích 20-30 m2 cho nhà thuốc và ngay lập tức có lượng khách tốt 100-150 hóa đơn/ngày và doanh thu khoảng 200-300 triệu đồng/tháng. Dự kiến, với các cửa hàng Bách Hoá Xanh lưu lượng khách lớn 1.000 người/ngày có thể triển khai đặt nhà thuốc An Khang là 100 người.

Tính đến cuối tháng 9, Bách Hoá Xanh có 35 cửa hàng "5 tỷ" tại Tp.HCM, Đồng Nai, Long An, Bình Dương, Bình Phước, Bến Tre. Trong đó, 11 trên tổng số 35 cửa hàng "5 tỷ" được sắp xếp đi cùng với mô hình nhà thuốc An Khang.

Tích cực đi cùng Bách Hoá Xanh, chuỗi nhà thuốc An Khang vẫn tiếp tục thua lỗ gần 8 tỷ trong quý 3/2020 - Ảnh 1.

Đánh tiếng thâu tóm chuỗi nhà thuốc An Khang từ năm 2017 – khi thị trường ngành cốt lõi (điện thoại, điện máy) bắt đầu bước sang giai đoạn bão hoà, tuy nhiên nhận định thị trường chưa đến thời điểm chín mùi, sau đó MWG chỉ dừng lại đầu tư liên kết với tỷ lệ sở hữu 49% cổ phần. Theo báo cáo, MWG chi hơn 62 tỷ đồng cho thương vụ này.

"Thị trường dược phẩm tại Việt Nam vẫn còn rất phức tạp. Vì vậy, MWG vẫn giữ một chân trong thị trường này để tìm hiểu chứ chưa có ý định phát triển mạnh trong thời gian gần", ông Nguyễn Đức Tài nói tại buổi chia sẻ đầu năm 2018.

Một lý do khác khiến MWG không vội vã đầu tư ngành dược bởi quy mô bán lẻ vẫn nhỏ, bằng khoảng một nửa so với ngành động. Theo Hãng nghiên cứu thị trường Business Monitor International (BMI), quy mô thị trường dược phẩm Việt Nam có giá trị 5,3 tỷ USD. Trong đó, bệnh viện chiếm tới 70% thị phần, chỉ 30% còn lại là dành cho các nhà thuốc bán lẻ (OTC), tương đương 1,6 tỷ USD trong khi cả nước có khoảng 57.000 nhà thuốc và quầy thuốc.

Chưa kể, trước quy định mới kênh OTC trong những năm gần đây không còn tăng trưởng nóng như giai đoạn từ 2011-2015, thêm vào đó là sự sụt giảm của tổng cầu do ảnh hưởng của dịch bệnh càng làm cho hoạt động kinh doanh ở kênh OTC gặp nhiều khó khăn.

Có thể, MWG sẽ lùi thêm thời gian xâm nhập mảng này. Ngược lại, mảng FMCGs được dốc lực từ đầu năm 2018 đến nay đang cho kết quả tích cực. Đặc biệt, trong bối cảnh dịch bùng phát, Bách Hoá Xanh tăng trưởng đột biến và trở thành một trong những lực đỡ đáng kể cho MWG. Quý 3/2020, doanh nghiệp thống kê doanh thu ngành thực phẩm và FMCGs tăng 112%. Trong đó, Bách Hoá Xanh hiện đã đóng góp gần 19% tổng doanh thu Tập đoàn.

Tri Túc

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên