MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tích cực triển khai để khởi công sớm nhất dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam

Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam là dự án có tầm chiến lược với quốc gia và dân tộc, giúp tạo động lực đột phá để phát triển kinh tế xã - hội.

Năm 2023, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của ngành Giao thông vận tải lên đến 97%, bước vào năm mới 2024, Bộ Giao thông vận tải xác định nhiệm vụ còn rất nặng nề, đòi hỏi sự tập trung nỗ lực, phấn đấu và phát huy tối đa tinh thần trách nhiệm để có thể hoàn thành 3.000 km đường bộ cao tốc và đồng loạt triển khai 19 dự án trong năm nay.

Trong những ngày đầu năm mới, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng đã trả lời phỏng vấn Đài Truyền hình Việt Nam về những kết quả đạt được trong năm 2023 cũng như kế hoạch, mục tiêu của ngành Giao thông vận tải trong năm 2024.

Phóng viên VTV: Chưa bao giờ ngành Giao thông vận tải lại thực hiện một khối lượng công việc lớn như năm vừa qua. Bộ trưởng có hài lòng với các kết quả đạt được trong năm 2023?

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng: Tôi rất vui và phấn khởi trước những kết quả khá trọn vẹn mà Bộ Giao thông vận tải cũng như ngành Giao thông trên cả nước đã đạt được trong năm 2023.

Tích cực triển khai để khởi công sớm nhất dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam - Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng

Một năm với bộn bề công việc khi chỉ tính riêng ngân sách Nhà nước giao cho Bộ Giao thông vận tải trong nhiệm kỳ này đã đạt trên 388.000 tỷ đồng. Riêng trong năm 2023, số vốn giao cho Bộ Giao thông vận tải là kỷ lục từ trước đến nay với 114.000 tỷ đồng. Trong đó, gần 95.000 tỷ đồng là nguồn vốn từ Trung ương giao.

Với trách nhiệm của mình trước Đảng và nhân dân, Bộ Giao thông vận tải đã hết sức cố gắng để cơ bản hoàn thành nhiệm vụ mà Thủ tướng Chính phủ giao khi đạt tỷ lệ giải ngân xấp xỉ 97% kế hoạch. Cùng với đó, trong năm 2023, ngành cũng đã khởi công 26 dự án, hoàn thành và đưa vào khai thác 22 dự án trên cả 5 lĩnh vực và trải đều trên cả 6 vùng kinh tế trọng điểm. Trong đó riêng đường bộ cao tốc là 9 dự án với chiều dài 475 km, nâng tổng số đường bộ cao tốc trên cả nước đạt gần 1.900 km.

Phóng viên VTV: Nhiệm vụ năm 2024 vẫn rất lớn cộng với việc chúng ta sẽ phải tiếp tục hoàn thành 3.000 km đường cao tốc vào năm 2025. Cùng với đó là 19 dự án trọng điểm trong năm sẽ phải triển khai. Bộ Giao thông vận tải sẽ có kế hoạch hành động như thế nào?

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng: Hiện nay cả nước đang triển khai thi công 40 dự án đường bộ cao tốc với tổng chiều dài 1.172 km. Các dự án này đều có thời gian hoàn thành trong giai đoạn từ 2024-2027. Để đảm bảo mục tiêu cả nước có tối thiểu 3.000 km đường cao tốc vào năm 2025, Bộ Giao thông vận tải đang tập trung chi đạo quyết liệt một số nội dung sau:

Một là, chỉ đạo các chủ đầu tư dự án, các nhà thầu thi công bố trí đủ nhân công, máy móc thiết bị, tổ chức thi công 3 ca 4 kíp để đảm bảo các dự án dự kiến hoàn thành trong năm 2025 về đích đúng thời hạn.

Hai là, đẩy mạnh ứng dụng sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, các giải pháp, công nghệ mới trong quản lý, thi công dự án nhằm rút ngắn thời gian thi công, phấn đấu đưa một số dự án hoàn thành ngay trong năm 2025 thay vì 2026 như kế hoạch.

Ba là, Bộ Giao thông vận tải sẽ phối kết hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, đặc biệt là các địa phương trong việc tháo gỡ các khó khăn vướng mắc một cách kịp thời, theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng là "vướng ở đâu gỡ ở đó, vướng ở cấp nào thì cấp đó phải tháo gỡ" để đảm bảo các dự án đạt và vượt tiến độ đặt ra.

Tích cực triển khai để khởi công sớm nhất dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam - Ảnh 2.

Hiện nay cả nước đang triển khai thi công 40 dự án đường bộ cao tốc với tổng chiều dài 1.172 km (Ảnh: TTXVN)

Đối với 19 dự án dự kiến khởi công trong năm 2024, Bộ Giao thông vận tải đang chỉ đạo rất quyết liệt tập trung giải quyết 3 vấn đề lớn:

Một là, làm tốt công tác chuẩn bị đầu tư, đặc biệt là công tác khảo sát thiết kế và lập dự toán. Đảm bảo các dự án không phát sinh thêm chi phí, phát sinh thêm khối lượng làm đội vốn và kéo dài tiến độ dự án.

Hai là, hoàn thiện nhanh, kịp thời thủ tục đầu tư, bao gồm lập, thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư và tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà thầu thi công, tư vấn giám sát. Từ đó giúp các dự án vừa đảm bảo chất lượng vừa đảm bao về mặt tiến độ.

Ba là, Bộ Giao thông vận tải phối hợp nhịp nhàng chặt chẽ với các bộ ngành, địa phương triển khai nhanh công tác đền bù giải phóng mặt bằng, chuyển đối đất rừng, đất lúa, đảm bảo đủ điều kiện khởi công dự án theo quy định của pháp luật.

Phóng viên VTVNăm 2023, đồng loạt các dự án đã được triển khai trong đó có kế hoạch cho đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam. Lộ trình thực hiện đề án này trong năm nay sẽ được thực hiện thế nào?

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng: Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam là dự án có tầm chiến lược với quốc gia và dân tộc, giúp tạo động lực đột phát để phát triển kinh tế xã - hội, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của đất nước. Đây là dự án có tiêu chuẩn kỹ thuật - công nghệ phức tạp, sử dụng nguồn vốn đặc biệt lớn, cũng như là dự lần đầu tiên được triển khai tại Việt Nam. Do đó dự án cần được nghiên cứu cẩn trọng, kỹ lưỡng, phù hợp với xu thế phát triển của thế giới song cũng phải phù hợp điều kiện cụ thể của Việt Nam.

Tích cực triển khai để khởi công sớm nhất dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam - Ảnh 3.

Bộ Giao thông vận tải sẽ tích cực triển khai các quy trình để khởi công dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam trong thời gian sớm nhất

Bộ Giao thông vận tải đang bám sát Nghị quyết của Bộ Chính trị và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ để phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương quyết liệt triển khai xây dựng đề án đầu tư đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam cũng như xây dựng báo cáo nghiên cứu tiền khả thi. Chúng tôi sẽ tích cực triển khai các quy trình để khởi công dự án trong thời gian sớm nhất.

Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!

Theo Thuỳ An

VTV

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên