MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tiềm ẩn những bất ngờ

Kết thúc phiên 10-6, VN Index giảm 1,42 điểm, tương đương 0,22% xuống còn 629,84 điểm, HNX Index tăng 0,21 điểm, tương đương 0,25% đạt 84,85 điểm. 3 năm qua, vùng 630-640 điểm là đỉnh của VN Index, nên câu hỏi lúc này là VN Index liệu đã tạo đỉnh hay chưa?

Nhìn vào điểm số có thể thấy VN Index đang tiến đến vùng đỉnh. Thêm vào đó, thị trường đang ở vào trạng thái lý tưởng hơn bao giờ hết khi số lượng CP tăng giá trong tuần qua đã tăng lên đáng kể. Cụ thể nhóm mid cap và penny tuần rồi tăng trung bình khoảng 7-10%, cá biệt từng CP tỷ lệ này còn hơn và nhóm này vốn dĩ chiếm đến 80% số CP trên thị trường.

Trong 4 phiên gần nhất, bất chấp diễn biến của thị trường ra sao, tổng giá trị mua ròng của NĐTNN tại riêng HOSE lên đến gần 600 tỷ đồng. Điều này mở ra kỳ vọng về việc sức cầu của khối ngoại lớn, nên trong trường hợp lượng bán ra tăng, nguồn cung đủ sức hấp thụ và thị trường tránh được những cú sốc.

VN Index khởi đầu năm 2016 ở mức 580 điểm, tính đến nay cũng chỉ tăng được khoảng 10%, nhưng một loạt CP đã tăng đến 20-30% và hơn nữa. Điểm đáng nói ở đây là tính chất chọn lọc, phân hóa diễn ra đến hơn 5 tháng trên thị trường xoay quanh các nhóm dầu khí, thép, ngân hàng, một số mid cap và penny có cơ bản tốt, trong khi trạng thái tăng đều trên diện rộng chỉ mới bắt đầu trong khoảng 1 tuần vừa qua. Điều này đặt ra câu hỏi VN Index đang phân phối đỉnh hay đang trong giai đoạn tích lũy và nếu có điều chỉnh cũng chỉ là những điều chỉnh nhẹ?

Trước tiên, không thể xem thường những thống kê lịch sử không chỉ có ý nghĩa về mặt con số, mà đặc điểm của thị trường hiện nay cũng rất giống với những lần tạo đỉnh trước. Đầu tiên là việc các cơ hội có vẻ xuất hiện càng lúc càng nhiều, môi giới ngày ngày khuyến nghị một loạt CP cho NĐT chọn lựa và cứ mua xong thường thấy giá tăng. Nhưng trong thực tế đến ngày T+3 mới biết được lời hay lãi. Hệ quả là NĐT có thể nảy sinh tâm lý chủ quan và thiếu đi sự thận trọng các hành động như đua trần, hoặc mua CP theo cảm tính hơn là chọn lọc kỹ lưỡng. Hơn nữa, dù chưa có con số chính thức và thường ít CTCK công bố, nhưng lượng tiền margin tăng lên cũng là một rủi ro cần phải lưu ý. GTGD 2 sàn hiện mới chỉ ở mức 3.000-3.500 tỷ đồng/phiên, một mức chưa phải là cao và thường khi margin tạo đỉnh nằm ở vùng tiệm cận 4.000 tỷ đồng/phiên cho cả 2 sàn. Nhưng, lượng tiền margin trong khoảng 1 năm qua bắt đầu có xu hướng thận trọng hơn và không phải CTCK nào cũng đủ năng lực để cấp margin một cách dồi dào vào mọi lúc.

GTGD ít, gợi ra suy nghĩ về lượng tiền margin vẫn chưa lên đến đỉnh. Thống kê cho thấy thị trường đã tăng tốt gần 6 tháng, đây cũng là đợt sóng vào loại dài nhất nếu tính từ năm 2010 đến nay. Thị trường tăng, cơ hội nhiều dẫn đến lượng tiền margin tích lũy cũng tăng. NĐT sử dụng margin giờ đây không chỉ với chức năng lướt sóng ngắn hạn đơn thuần, mà còn có thể mua tích lũy, sẵn sàng chờ đợi sóng tăng để bán ra. Lo ngại về margin thực ra không chỉ nằm ở việc CTCK có cạn hạn mức cho vay và phải rút vốn về hay không, mà nằm ở việc dòng tiền margin quá nhiều nên khả năng bán ra đồng loạt nếu thị trường có dấu hiệu đảo chiều là rất cao và điều này có thể tạo những cú sốc ngắn hạn. Thống kê cho thấy, trong 20 phiên gần nhất chỉ có 3 phiên khối ngoại bán ròng, còn lại là mua ròng với giá trị lớn.

Cẩn trọng đỉnh

Tuy nhiên, điều này chỉ có ý nghĩa trên bình diện thị trường chung. Vả lại, mục tiêu giải ngân của khối ngoại nằm ở một số CP blue chip, đầu ngành thay vì trải ra các nhóm đầu cơ hay penny. Chính vì vậy, khả năng thị trường vẫn có thể quanh quẩn ở vùng 620-640 điểm thêm một thời gian nhưng sẽ có nhiều CP điều chỉnh và NĐT sẽ bị thiệt hại nguồn vốn. Trong trường hợp NĐT lướt sóng khi thị trường đi ngang dẫn đến bị lỗ 1-2 lần không sao, nhưng nếu thiệt hại thêm nữa có thể tạo nên những sức ép cho CP, cho bản thân NĐT và cho cả thị trường. Lúc này, xu hướng mua gấp gáp, mua để có lãi, hoặc nếu lỗ cắt ngay lập tức sẽ khiến dòng tiền đổ nhiều hơn vào CP nóng, đầu cơ và sẽ không ngạc nhiên nếu xuất hiện nhiều CP giảm sàn, hoặc biến động mạnh và NĐT tiếp tục bị thiệt hại.

Về mặt tâm lý, dường như thị trường tăng miệt mài có thể tạo ra tâm lý phấn chấn, nhưng bên cạnh đó cũng là sự mệt mỏi. Xu hướng lúc này của NĐT thay vì có lãi và tập trung bảo toàn sẽ là cố gắng tối ưu hóa lợi nhuận bằng cách tìm thêm những cơ hội sinh lời. Đó là còn chưa kể đến những nhận định gần đây thường có xu hướng lạc quan về thị trường, nhưng thay vì nhìn vào một xu hướng dài lại có phần tập trung theo từng phiên.

Xem ra lo ngại về việc thị trường đang tiến đến vùng đỉnh là có cơ sở, nhưng giả sử khi đã tiến đến đỉnh thì mức độ điều chỉnh sẽ như thế nào? 6 tháng tăng nhưng chỉ số mới chỉ tăng được khoảng 10%, điều này cũng đồng nghĩa với việc nhóm blue chip, những CP vốn hóa lớn tăng giá chưa nhiều trong 6 tháng qua. Thực tế, có những CP có thể tăng đến 20%, nhưng sau đó lại điều chỉnh giảm 5-10% trở lại. Điều này cho thấy lực cầu đối với CP lớn là tương đối đều đặn, giá CP tăng nhưng khối lượng tham gia của NĐT, đặc biệt là NĐTNN vẫn ổn định, cho thấy kỳ vọng về doanh nghiệp vẫn khả quan. Mặt khác, mùa công bố KQKD quý II cũng như nửa đầu năm 2016 đang đến gần và cũng được kỳ vọng sẽ có nhiều thông tin tích cực. Nên nhiều khả năng trong khoảng 1 tháng nữa, kỳ vọng của NĐT xét trên các yếu tố cơ bản đối với CP vẫn được duy trì.

Dường như thị trường đã tăng trong thời gian dài, nhưng trạng thái nghi ngờ mới chỉ giảm xuống trong ít ngày gần đây khi dòng tiền lan tỏa ở nhóm mid cap và penny. Vì vậy, trong những phiên tới đây, nhiều khả năng VN Index sẽ rung lắc, điểm kiểm nghiệm khả năng trụ được trong vùng 620-640 điểm. Nếu điều này được duy trì trong khoảng 2 tuần, VN Index giữ vững được trong vùng này thì những kỳ vọng về một vùng đỉnh mới sẽ được xuất hiện. Trong trường hợp VN Index có những đợt điều chỉnh và rơi xuống dưới ngưỡng 620 điểm, sự thận trọng của NĐT có thể bị đẩy lên cao hơn và thị trường sẽ tiềm ẩn những bất ngờ.

Theo Ngọc Trúc

Sài Gòn đầu tư

Trở lên trên