Tiềm lực “khủng” của đại gia Thái Bình rót 19.000 tỷ đồng định làm nhà máy sản xuất ô tô
Doanh nhân Vũ Văn Tiền là đại gia ngầm trong lĩnh vực bất động sản khi sở hữu nhiều khu đất vàng và dự án bất động sản nghìn tỷ tại hai miền Nam - Bắc.
Sau Trường Hải (THACO AUTO) hay Vingroup với nhà máy VinFast ở Hải Phòng… mới đây, Tập đoàn Geleximco của đại gia Vũ Văn Tiền vừa có những động thái để xây dựng nhà máy sản xuất ô tô ở Thái Bình.
Tập đoàn này đã ký kết thỏa thuận cho thuê lại đất và cơ sở hạ tầng với Tổng công ty Viglacera để xây dựng nhà máy sản xuất, lắp ráp ô tô có quy mô gần 50ha, tổng mức đầu từ 800 triệu USD tại khu công nghiệp Tiền Hải. Hai giai đoạn của dự án bắt đầu từ năm 2024 – 2024 với công suất 50.000 xe/năm và giai đoạn 2 từ năm 2030 có công suất 100.000 xe/năm.
Ông Vũ Văn Tiền, Chủ tịch Tập đoàn Geleximco được xem như một tỷ phú USD ẩn danh trong lĩnh vực bất động sản. Ngoài ra, ông còn là cổ đông của nhiều ngân hàng và doanh nghiệp nghìn tỷ khác.
Ký kết thỏa thuận cho thuê lại đất và cơ sở hạ tầng để xây dựng nhà máy sản xuất, lắp ráp ô tô Geleximco. (Nguồn ảnh: Báo Thái Bình)
Những dự án nghìn tỷ đồng của Geleximco
Trong đó, Geleximco - tiền thân là Công ty TNHH Xuất nhập khẩu tổng hợp Hà Nội, ra đời năm 1993 với vốn điều lệ ban đầu 3 tỷ đồng, dưới sự dẫn dắt của chủ tịch người Thái Bình, đến nay đã có vốn chủ sở hữu 14.500 tỷ đồng; tổng tài sản 52.000 tỷ đồng, trở thành một tập đoàn kinh tế đa ngành lớn tại Việt Nam.
Geleximco tập trung vào 4 lĩnh vực chính: Sản xuất Công nghiệp; Tài chính - Ngân hàng; Bất động sản và Thương mại – Dịch vụ.
Trong đó, dấu ấn rõ nét của Tập đoàn này là rất nhiều dự án bất động sản như Khu đô thị thành phố Giao lưu, Khu đô thị Geleximco Lê Trọng Tấn, Khu đô thị Cái Dăm, Khu đô thị Gelexia Riverside, dự án An Bình Plaza, dự án Geleximco Southern Star, Tổ hợp Văn phòng và thương mại dịch vụ - Tòa nhà Geleximco Peakview Tower…
Dự án của Gleximco.
Trong đó, An Bình City đã được trao tặng giải thưởng Khu Nhà ở đáng sống nhất của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam hay khu du lịch quốc tế Dragon Ocean Do Son tại Đồ Sơn - Hải Phòng là dự án trọng điểm của Geleximco – một trong những dự án được kỳ vọng mang lại sức sống mới cho vùng biển du lịch nổi tiếng của thành phố hoa phượng đỏ.
Trong mảng công nghiệp, Geleximco được biết đến với các điểm sáng như: Nhà máy Giấy và bột giấy An Hòa (công suất 140.000 tấn/năm, tổng mức đầu tư 450 triệu USD), Nhà máy Xi măng Thăng Long (mức đầu tư 270 triệu USD với công suất 2,3 triệu tấn/năm), Nhà máy Nhiệt điện Thăng Long (công suất 140.000 tấn/năm, tổng mức đầu tư 450 triệu USD.
Dự án Nhà máy Nhiệt điện Thăng Long thuộc Công ty CP Nhiệt điện Thăng Long - Geleximco (Tập đoàn Geleximco) nằm trên địa bàn xã Lê Lợi, huyện Hoành Bồ, tỉnh Quảng Ninh. (Nguồn ảnh: Gleximco)
Ở lĩnh vực tài chính, Tập đoàn Geleximco là cổ đông sáng lập và đồng sở hữu các đơn vị như: Ngân hàng Thương mại Cổ phần An Bình, Công ty Cổ phần Chứng khoán An Bình, Công ty cổ phần Quản lý quỹ Đầu tư chứng khoán An Bình, Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư tài chính An Bình...
Trong lĩnh vực thương mại - dịch vụ, Tập đoàn này đã đưa vào hoạt động sân golf Geleximco Hòa Bình – Hilltop Valley Golf Club, đầu tư những dự án sân golf kết hợp biệt thự nghỉ dưỡng quy mô lớn ở Lào Cai, Hải Phòng…
Con đường kinh doanh của ông Vũ Văn Tiền
Doanh nghiệp đầu tư vào nhiều dự án lớn với số vốn hàng chục nghìn tỷ đồng, đại gia bất động sản nhưng doanh nhân Vũ Văn Tiền khá kín tiếng. Ông được nhắc là một trong những đại gia giản dị nhất Việt Nam.
Doanh nhân Vũ Văn Tiền.
Chủ tịch Geleximco sinh năm 1959 trong một gia đình thuần nông ở Tiền Hải, Thái Bình. Những năm đầu 80 của thế kỷ trước, Vũ Văn Tiền đang theo học Sỹ quan kỹ thuật – Học viện Kỹ thuật quân sự, vì ham tìm hiểu về kinh tế nên đã xuất ngũ, thi vào trường Đại học Kinh tế quốc dân.
Sau 6 năm làm việc tại Tổng công ty Vật tư Nông nghiệp (từ 1986 – 1992), ông Tiền quyết định làm kinh doanh riêng.
Tháng 1/1993, Tổng công ty Vật tư Nông nghiệp – tiền thân của Geleximco ra đời, với nhiệm vụ xuất nhập khẩu hàng hoá trực tiếp.
Ban đầu, Geleximco chủ yếu buôn bán hàng tiêu dùng và tư liệu sản xuất từ Nga và Đông Âu. Nhưng sau khi có những thành quả ban đầu, vị doanh nhân bắt đầu chuyển hướng theo mô hình phát triển kinh tế đa ngành, trong đó sản xuất công nghiệp là lĩnh vực trụ cột.
Nhà máy Sản xuất Phụ tùng Ô tô Xe máy Việt Nam (VAP) là một ví dụ của mô hình hợp tác thành công đầu tiên giữa Việt Nam với nước ngoài trong lĩnh vực sản xuất phụ tùng ô tô xe máy tại Việt Nam. Trong đó, Geleximco đã liên doanh cùng Honda Motor thành lập Công ty TNHH Sản xuất Phụ tùng Ô tô Xe máy Việt Nam.
Công ty có sự tham gia của 6 đối tác trong và ngoài nước, Tập đoàn Geleximco là một trong hai cổ đông Việt Nam, phía nước ngoài gồm hai công ty của Thái Lan là Asian Honda Motor Co., Ltd, Daisin Co. Ltd, một công ty của Lào là New Chip Xeng và một công ty của Nhật là Kyushu Yanagawa Seiki Co.,Ltd. Tổng vốn đầu tư cho dự án là 90 triệu USD.
Trụ sở của VAP được đặt tại xã Như Quỳnh, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên. VAP hiện đang cung cấp sản phẩm chính cho Honda & Goshi. (Nguồn ảnh: Gleximco)
Ngoài ra, liên doanh còn lắp ráp xe máy Honda với công suất 400.000 xe/năm. Thậm chí, có thời kỳ, vị doanh nhân Vũ Văn Tiền được gọi với cái tên thân mật là “Tiền Honda”.
Ở thương trường quyết đoán, giàu có nhưng bên ngoài, doanh nhân Vũ Văn Tiền lại có dáng vẻ giản dị. Khác với những đại gia thích khoe siêu xe, có thông tin cho biết, ông chủ Geleximco thường xuất hiện với chiếc Toyota Yaris giá vài trăm triệu đồng.
Nhịp sống thị trường