MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tiềm năng mở rộng thị trường xuất khẩu thạch đen

15-12-2020 - 13:23 PM | Thị trường

Cần mở rộng thị trường, tăng diện tích trồng cây thạch đen không chỉ đối với Lạng Sơn mà còn những địa phương ở miền núi phía Bắc.

Chiều 14/12, đoàn công tác của Bộ NN&PTNT đã có buổi làm việc với UBND tỉnh Lạng Sơn về việc triển khai thực hiện Nghị định thư xuất khẩu chính ngạch thạch đen sang Trung Quốc. Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh cùng lãnh đạo UBND tỉnh Lạng Sơn thống nhất sẽ tổ chức hội nghị để xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường đối với sản phẩm thạch đen không chỉ đối với Lạng Sơn mà còn những địa phương ở miền núi phía Bắc.

Cây thạch đen trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn còn được gọi là cây sương sáo, cây thủy cẩm, tiên thảo trồng tập trung chủ yếu trên 2 loại đất là đất canh tác nông nghiệp và đất lâm nghiệp tại 3 huyện Tràng Định, Bình Gia và Văn Lãng. Diện tích cây thạch đen hàng năm vào khoảng 2.000 ha, với sản lượng đạt hơn 10.000 tấn. Trong đó, Tràng Định là địa phương có diện tích trồng lớn nhất của tỉnh Lạng Sơn với 1.385 ha, cho sản lượng hơn 7.000 tấn/năm.

Tiềm năng mở rộng thị trường xuất khẩu thạch đen - Ảnh 1.

Thạch đen là sản phẩm đặc trưng và có tiềm năng kinh tế lớn của vùng miền núi phía Bắc. (Ảnh minh họa: KT)

Ông Hồ Tiến Thiệu, Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn cho biết, thạch đen là cây trồng mang lại giá trị kinh tế cao cho người dân miền núi, vùng dân tộc ít người. Đến nay, tỉnh Lạng Sơn đã đưa thạch đen vào trong danh mục những sản phẩm nông sản chủ lực của địa phương để chỉ đạo sản xuất.

Nhận thức được giá trị của cây thạch đen liên quan đến sự phát triển kinh tế của địa phương, cũng như của nông dân đã có sự quan tâm đầu tư đến kỹ thuật trồng, chăm sóc và mở rộng diện tích từ chuyển đổi cơ cấu cây trồng có giá trị thấp sang trồng cây thạch đen có giá trị kinh tế cao.

"Để thực hiện Nghị định thư, Bộ NN&PTNT hướng dẫn Lạng Sơn trong quá trình triển khai thực hiện, văn bản hóa các nội dung để có cơ sở thực hiện, sớm hướng dẫn đến nông dân. Bộ NN&PTNT cần tổ chức hội nghị tập huấn sớm vì đầu tháng 2 (mùa Xuân) là đến chính vụ trồng, nếu được nên tổ chức vào 15/1. Trên thực tế hiện nay, để nông dân tự làm và mở rộng diện tích, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm nhưng về lâu dài cần có sự tham gia của doanh nghiệp", ông Thiệu cho biết.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh cho biết, ngày 8/12 vừa qua, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Việt Nam và Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã chính thức ký Nghị định thư về việc xuất khẩu sản phẩm thạch đen sang Trung Quốc.

Đây là cơ hội tốt mở ra thị trường đối với sản phẩm đặc trưng và có tiềm năng rất lớn của vùng miền núi phía Bắc. Để đáp ứng yêu cầu xuất khẩu cần phải chuẩn hóa quy trình canh tác và tổ chức sản xuất, sản xuất phải đảm bảo yêu cầu vệ sinh an toàn thực phẩm của nhà nhập khẩu. Theo đó, việc triển khai xây dựng mã số vùng trồng thạch đen, thực hiện theo Chương trình ứng dụng Hệ thống tiêu chuẩn trong quản lý và cấp chứng nhận mã số vùng trồng cây ăn quả phục vụ xuất khẩu (OTAS).

Thứ trưởng Lê Quốc Doanh lưu ý một số điểm cần khắc phục, để thạch đen của huyện Tràng Định nói riêng và tỉnh Lạng Sơn nói chung xuất khẩu sang Trung Quốc đảm bảo về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật; cần đầu tư thêm cơ sở hạ tầng giao thông để tạo điều kiện thuận tiện trong việc vận chuyển tiêu thụ sản phẩm.

Thứ trưởng Lê Quốc Doanh cũng đề nghị, khi đã có thị trường cho sản phẩm thạch đen, vấn đề quan trọng nhất phải phát triển được thị trường và giữ vững được thị trường. Cần tổ chức lại sản xuất, đáp ứng được đầy đủ các yêu cầu của phía Trung Quốc, từ việc xác định đăng ký vùng trồng đến kỹ thuật canh tác, thu hoạch bảo quản, đóng gói và nhãn mác.

"Bộ NN&PTNT đã giao cho các đơn vị trực thuộc hướng dẫn hỗ trợ các địa phương để thực hiện đầy đủ các yêu cầu mà phía bạn đã đưa ra. Tới đây, Bộ sẽ phối hợp với tỉnh Lạng Sơn cũng như các địa phương trong vùng miền núi phía Bắc, cùng với đối tác Trung Quốc tổ chức hội nghị xúc tiến thương mại nhằm quảng bá và cũng mở rộng thêm thị trường để phát triển sản phẩm thạch đen", Thứ trưởng Lê Quốc Doanh chỉ rõ.

Trước đó, đoàn công tác của Bộ NN&PTNT đã đi khảo sát vùng nguyên liệu trồng cây thạch đen trên địa bàn một số xã của huyện Tràng Định, tỉnh Lạng Sơn.

Theo Minh Long

VOV

Trở lên trên