Tiềm năng nhóm chứng khoán sau khi nút thắt “tắc nghẽn” được giải quyết
Một CTCK sẽ có 3 nguồn thu nhập chính, đến từ (1) Phí giao dịch (trading fee), (2) Thu nhập từ lãi cho vay margin và (3) Hoạt động tự doanh. Việc thị trường đang sôi động như lúc này đang mang lại cơ hội bứt phá cho nhóm CTCK.
Thời gian qua, nhóm cổ phiếu Công ty chứng khoán (nhóm chứng khoán) đã có nhịp tăng khá mạnh với những "đầu tàu" như SSI, VND, HCM, SHS, VCI…và sức nóng của nhóm cổ phiếu này vẫn chưa có dấu hiệu suy giảm.
Ông Huỳnh Minh Tuấn – Giám đốc môi giới hội sở CTCK Mirae Asset Việt Nam đã có những lý giải về đà tăng của nhóm cổ phiếu này.
Theo ông Tuấn, một CTCK sẽ có 3 nguồn thu nhập chính, đến từ (1) Phí giao dịch (trading fee), (2) Thu nhập từ lãi cho vay margin và (3) Hoạt động tự doanh. Ngoài ra sẽ có các nguồn thu nhập phụ trợ như tư vấn M&A, tư vấn niêm yết, tư vấn chuyển sàn,...nhưng không đáng kể, những nguồn thu nhập phụ này thông thường cũng sẽ được sử dụng trở lại cho hoạt động tự doanh.
Tác động tới 3 nguồn thu nhập của các CTCK rất rõ ràng. Nếu thị trường duy trì được thanh khoản và đà tăng tốt, cả 3 nguồn thu nhập trên sẽ tăng. Đó là lý do trong cuộc họp ĐHCĐ gần đây của SSI, chủ tịch Nguyễn Duy Hưng đã thông báo một kế hoạch lợi nhuận lên đến 1.800 tỷ trước thuế trong năm 2021, con số này thực ra vẫn ở mức khá thận trọng vì nếu thị trường duy trì thuận lợi thì lợi nhuận sẽ không chỉ dừng lại ở đó.
Tổng hòa các yếu tố đều đang ủng hộ nhóm ngành hưởng lợi trực tiếp từ sự ấm lên của thị trường này, chưa kể trong đợt dịch bùng lại gần đây, những hoạt động giãn cách triệt để như ở TP.HCM hay Hà Nội lại tái lập lại những hành vi mà chúng ta đã kiểm chứng trước đó ở giai đoạn giãn cách tháng 5, tháng 6 năm 2020, đó là tần suất giao dịch, tìm kiếm thông tin đầu tư tăng vọt và góp phần hưởng lợi cho các CTCK.
Cổ phiếu CTCK đồng loạt "dậy sóng"
Các nút thắt cần tháo bỏ
Ông Tuấn cho rằng hiện nay, trần hưởng lợi của các CTCK đang bị kìm hãm vì tình trạng full pool margin. Một room (nguồn cho vay) của CTCK sẽ chia ra 2 phần là pool (tổng lượng có thể cho vay ra thị trường) và room (lượng cho vay từng mã cổ phiếu).
Hiện tại, rất nhiều CTCK top 5, top 7 đã chạm đến full pool margin. Tuy nhiên có thể thấy lượng tiền tươi đổ vào thị trường đã giúp cân bằng vấn đề này. Nhìn lại trước đây, chỉ cần lộ ra thông tin full pool margin thì thị trường rất dễ rơi vào điều chỉnh 5-10% hoặc hơn như chúng ta từng chứng kiến đầu tháng 1 vừa rồi. Trong lần full pool này, lượng tiền mới đã giúp cân đối giảm áp lực rất rõ. Tuy nhiên đây vẫn là bài toán cần giải quyết.
Hàng loạt kế hoạch phát hành cho cổ đông để huy động vốn cho CTCK đã diễn ra ở VND, SSI, HCM, MBS,...cộng sơ sơ tổng giá trị thực hiện của nhóm được công bố lên tới 10.000 tỷ. Vậy với quy định của UBCK là được cho vay 2 lần trên tổng vốn chủ thì số tăng thêm này sẽ hút thêm một lượng tiền đâu đó khoảng 20.000 tỷ đồng. Dĩ nhiên đây chỉ là thống kê của nhóm CTCK nội, ngoài ra còn có nhóm CTCK ngoại với tiềm lực lớn và giá vốn rẻ. Bài toán giải quyết điểm nghẽn về margin này có khả năng sẽ được giải quyết triệt để trong tháng 6 này với dự phóng từ Dragon Capital lên đến 1,5 tỷ đô (khoảng 33.000 tỷ) được bơm vào thị trường kể từ tháng 6, tháng 7 trở đi.
Dù giải quyết được vấn đề margin nhưng khối lượng thanh khoản giao dịch vẫn đang chững lại ở 1 tỷ USD 1 phiên. Với con số hơn 400 nghìn tài khoản được mở mới trong 5 tháng đầu năm 2021, có thể thấy lượng nhà đầu tư "F0" đang vô cùng lớn và vẫn tăng lên từng ngày, đó là lý do chúng ta lại chứng kiến sàn HOSE nghẽn lệnh trong các phiên gần đây khi công suất lệnh vượt quá công suất xử lý của sàn.
Theo ông Tuấn, để giải quyết việc này vẫn phải trông chờ vào hệ thống công nghệ giao dịch tại HOSE. Điểm rơi nút thắt này được giải quyết có thể đâu đó tầm cuối tháng 6 hoặc đầu tháng 7, khi đó thanh khoản thị trường sẽ được giải quyết dứt điểm khơi nguồn cho sự tăng trưởng thu nhập từ cho vay margin.