Tiềm năng về logistics Chu Lai - cảng cập bến của nhiều hãng tàu lớn thế giới
Phát triển cảng biển và các dịch vụ logistics là 1 trong 5 trụ cột kinh tế của Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. Trong đó, Khu công nghiệp (KCN) Chu Lai hội tụ đủ những yếu tố để trở thành một trung tâm logistics kết nối vùng và khu vực.
- 09-02-2021Đi khám chữa bệnh vào ngày Tết có được hưởng BHYT?
- 09-02-2021LG Display đầu tư thêm 750 triệu USD vào dự án tại Hải Phòng
- 09-02-2021Đại sứ Mỹ đọc rap chúc Tết người Việt Nam
Tiềm năng từ vùng kinh tế trọng điểm miền Trung
Gồm 5 tỉnh và thành phố (Thừa Thiên Huế, thành phố Đà Nẵng (hạt nhân), Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định), Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung là vùng kinh tế lớn thứ 3 tại Việt Nam.
Diện tích tự nhiên toàn vùng 28.114 km2, bằng 8,5% diện tích cả nước, trải dài gần 600 km bờ biển, địa hình đa dạng, diện tích lãnh hải lớn. Khu vực này có tiềm năng lớn về cảng biển trung chuyển và phát triển du lịch nghỉ dưỡng (chiếm phần lớn các dự án nghỉ mát biển của cả nước). Đồng thời khu vực này cũng có tiềm năng về phát triển công nghiệp đóng tàu và dịch vụ hàng hải.
Vùng duyên hải miền Trung sở hữu nhiều cảng biển nước sâu, mạng lưới các sân bay mới và hệ thống đường sắt có tính kết nối cao như sân bay quốc tế Đà Nẵng, sân bay trung chuyển hàng hóa Chu Lai, cảng Liên Chiểu, cảng trung chuyển Vân Phong,..
Thời gian qua, Bộ Giao thông vận tải đã phối hợp với các bộ, ngành triển khai đồng bộ các nhiệm vụ quan trọng nhằm phát triển dịch vụ vận tải và logistics. Cụ thể, ngày 9/12/2020, Bộ GTVT và Ngân hàng phát triển châu Á đã phối hợp tổ chức Hội thảo tham vấn về nghiên cứu khung phát triển vận tải và logistics khu vực duyên hải miền Trung. Tại đây, hội thảo đã nêu rõ tầm quan trọng của việc nâng cấp hạ tầng, triển khai mạng lưới logistics tích hợp phục vụ cho từng tỉnh cũng như cho toàn bộ khu vực.
Báo cáo cuối kỳ của hội thảo đã đưa ra biện pháp phát triển một cảng nước sâu quy mô lớn, bố trí hệ thống đa cảng biển và nhiều cổng ra vào song song với phát triển cảng cạn. Đồng thời các chuyên gia cũng đề xuất xây dựng đường cao tốc nối với các cảng biển nhằm thúc đẩy hiệu quả vận tải tuyến Hành lang Đông - Tây và hỗ trợ các nhà vận chuyển/chủ hàng chọn được cảng biển thuận tiện cho xuất nhập khẩu hàng hóa.
Lợi thế về phát triển hạ tầng logistics Chu Lai
Nằm trong Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, Chu Lai – Quảng Nam là một mắt xích quan trọng trong trung chuyển hàng hóa. Cảng Chu Lai nằm gần QL1 và kết nối với cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, Hành lang kinh tế Đông – Tây, kế bên là sân bay Chu Lai, cảng Dung Quất. Nhờ vị trí này mà Chu Lai đã đảm nhận chức năng đầu mối giao thông và là điểm trung chuyển giữa các phương thức vận tải từ đường bộ sang đường sắt, đường biển và đường hàng không.
Ban Vận tải Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Loigistics Việt Nam tại Hội nghị "Phát triển thương mại thông qua vận tải xuyên biên giới tuyến Hành lang kinh tế Đông - Tây" đã có ý kiến đề xuất về việc phát triển hệ thống logistics vùng duyên hải miền Trung, cụ thể về định hướng phát triển, để Chu Lai trở thành trung tâm logistics của miền trung.
Cảng Chu Lai có công suất 3 triệu tấn/năm, cầu cảng dài 500m, độ sâu trước bến -9,5m, đường kính quay vòng 220m. Tháng 3/2019, được sự cho phép của Chính phủ, UBND tỉnh Quảng Nam & Cảng Chu Lai, THACO đã khởi công công trình mở rộng bến cảng Chu Lai lên 335m về phía hạ lưu, nâng tổng chiều dài bến cảng sau mở rộng lên hơn 800m, đồng thời tiến hành nạo vét luồng vào có độ sâu đến -11,5m đảm bảo cho tàu từ 30.000 - 50.000 ra vào thuận lợi sau năm 2020.
Trong những năm qua, KCN Chu Lai đã có những dự án đầu tư trọng điểm lớn như Khu công nghiệp Cơ khí & Ô tô, Khu công nghiệp Nông - Lâm nghiệp, Khu Cảng và Hậu cần cảng, Khu đô thị Chu Lai với tổng vốn đầu tư hơn 80.500 tỷ đồng (tương đương 3,5 tỷ USD) đến từ THACO.
Hàng hóa vận chuyển của tàu đến Chu Lai gồm: linh kiện, phụ tùng các dòng xe Mazda, máy móc thiết bị phục vụ sản xuất và lắp ráp ô tô cho Nhà máy Thaco Mazda và nguyên vật liệu phục vụ Khu công nghiệp cơ khí ô tô Chu Lai Trường Hải; tần suất khai thác 1 chuyến/tuần, với sản lượng Thaco đăng ký tương ứng 400-600 TEU/tuần.
Bên cạnh đó cảng còn cung cấp các dịch vụ đa dạng, tiện ích cho các doanh nghiệp và khách hàng bên ngoài, gồm: Dịch vụ lai dắt, cứu hộ; Xếp dỡ hàng hóa, kiểm đếm, lưu kho; Dịch vụ cầu bến, cùng các dịch vụ tàu biển liên quan. Trong 6 tháng đầu năm 2017, cảng đã tiếp nhận 150 lượt tàu cập cảng, thực hiện gần 200 lượt dịch vụ lai dắt tàu biển, xếp dỡ 23.000 lượt TEU container và 140.000 tấn hàng rời. tương đương 600.000 tấn hàng qua cảng. Năm 2017, sản lượng hàng thông qua cảng đạt 1,7 triệu tấn.
Cảng Chu Lai cũng là nơi cập bến của nhiều hãng tàu lớn trên thế giới như: SITC (Hàn Quốc), APL (Nhật Bản), COSCO (Trung Quốc), ZIM (Isarel)… Bên cạnh các tuyến vận chuyển nội địa, cảng còn khai thác các tuyến vận chuyển quốc tế Chu Lai - Trung Quốc, Chu Lai - Hàn Quốc, Chu Lai - Nhật Bản và ngược lại.
Qua đó có thể thấy vai trò quan trọng của Trung tâm logistics Chu Lai trong trung chuyển các luồng hàng hóa nội địa, xuất nhập khẩu và quá cảnh theo hướng Bắc - Nam và Hành lang kinh tế Đông - Tây, các luồng hàng từ cảng Liên Chiểu, cảng Đà Nẵng đến các tỉnh trong và ngoài vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và các luồng hàng quá cảnh từ Lào, Campuchia, Trung Quốc, Thái Lan.