MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tiền ầm ầm đổ vào nông nghiệp: Gói tín dụng 100 nghìn tỷ nhưng ngân hàng đăng ký tới 120 nghìn tỷ

13-06-2017 - 11:02 AM | Tài chính - ngân hàng

Trong phiên trả lời chất vấn Quốc hội sáng ngày 13/6, Bộ trưởng bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn (NNPTNT) Vũ Xuân Cường cho biết, gói tín dụng 100.000 tỷ đồng phát triển nông nghiệp công nghệ cao do Thủ tướng chính phủ chỉ đạo đang được giải ngân tốt hơn nhiều so với tưởng tượng.

Phần trả lời của Bộ trưởng Nông nghiệp sẽ mở đầu cho 3 ngày chất vấn của Quốc hội đối với các thành viên Chính phủ tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV. Là Bộ trưởng đầu tiên đăng đàn, ông Nguyễn Xuân Cường nhận được nhiều chất vấn về tái cơ cấu nông nghiệp, sản xuất và tiêu thụ nông-thủy sản... Trong đó, một vấn đề được các đại biểu quan tâm đó là khả năng tiếp cận gói tín dụng 100.000 tỷ đồng phát triển nông nghiệp công nghệ cao mà Thủ tướng đã chỉ đạo từ đầu năm nay.

Trả lời về vấn đề này, Bộ trưởng Cường cho biết, ngay từ sau khi Chính phủ được kiện toàn thì các thành viên Chính phủ tập trung triển khai nghị quyết Quốc hội, đẩy mạnh nhanh hơn sang nông nghiệp, hàng hóa tập trung, áp dụng nông nghiệp công nghệ cao. Đó là động lực để Thủ tướng công bố gói tín dụng 100.000 tỷ nhằm giúp bà con nông dân đổi mới công nghệ sản xuất.

Trên tinh thần đó, sau khi có chủ trương của Thủ tướng, ngành nông nghiệp đã hoàn thành các bộ tiêu chí đánh giá nhóm sản xuất hàng hóa, nhóm hộ nông dân để tập trung hướng vào các sản phẩm sản xuất, phân khúc sản xuất, thị trường nông sản có tiềm năng, thích hợp làm nông nghiệp công nghệ cao.

Phía Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cũng vào cuộc rất nhanh, khi chỉ đạo được 8 ngân hàng thương mại (NHTM) với số vốn đăng ký 120.000 tỷ đồng dự tính đưa vào chương trình này. Theo đó, từng khu vực, từng quy mô, từng vùng theo quy định sẽ được hưởng lãi suất chênh với lãi suất cho vay thương mại bình thường trong nông nghiệp từ 0,5 – 1,5%.

“Kết quả là tới thời điểm này chúng ta đã giải ngân được trên 30.000 tỷ cho các dự án nông nghiệp. Điều đáng mừng là các NHTM coi đây là một hướng đầu tư tiềm năng chứ không chỉ là đầu tư an sinh xã hội”, Bộ trưởng Cường cho biết.

Bên cạnh đó, điều kiện để ngân hàng giải ngân cho các dự án nông nghiệp công nghệ cao cũng còn vướng một số thủ tục pháp lý. Chẳng hạn, hiện nay một số tài sản hình thành trên đất lại gặp khó khăn khi không được hoàn thiện tư cách pháp lý để trở thành tài sản thế chấp. Bộ NNTPNT đã kết hợp với Bộ Tư pháp, bộ Tài nguyên môi trường để sửa đổi sao cho phù hợp, giúp các DN tiếp cận nguồn vốn thuận lợi hơn.

Về lo ngại của đại biểu Lê Ngọc Thanh (Bình Phước) về cơ chế xin cho trong các dự án của doanh nghiệp phát triển nông nghiệp công nghệ cao, ông Cường cho biết, tư tưởng chỉ đạo của Thủ tướng là không phải “xin ai hết”.

“Trước đây, với các dự án được quy hoạch thành khu nông nghiệp công nghệ cao thì chúng ta có chính sách đầu tư. Tuy nhiên, với tinh thần muốn mở bung như hiện này thì chúng ta đã không có rào cản nào trong vấn đề này, Bất kỳ nơi nào đáp ứng đủ điều kiện làm nông nghiệp công nghệ cao đều có thể tham gia thực hiện”, ông Cường chia sẻ.

Theo Trần Dũng

Trí thức trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên