Tiền ảo, hệ lụy thật
Các chuyên gia cho rằng việc chậm ban hành khung pháp lý để quản lý tiền ảo sẽ càng làm gia tăng nguy cơ lừa đảo, chiếm đoạt tài sản trong thời gian tới
- 18-03-2021Tiền ảo nhưng hệ lụy thật; cần khung pháp lý cập nhật
- 18-03-2021Chính sách quản lý tiền ảo vẫn là bài toán khó
- 16-03-2021Đầu tư tiền ảo Pi, mù mờ chuyện được - mất
Ngày 21-3, giá 1 bitcoin ghi nhận ở mức 57.000 USD, tương đương hơn 1,3 tỉ đồng. Bitcoin chỉ là một trong số nhiều đồng tiền ảo đang được giao dịch, đầu tư. Dù ở Việt Nam chưa công nhận giao dịch tiền ảo nhưng thời gian qua, vẫn có không ít nhà đầu tư trong nước đổ tiền vào các sàn giao dịch với kỳ vọng làm giàu. Thực tế này đặt ra vấn đề về hành lang pháp lý để quản lý tiền ảo, tài sản ảo.
Khoảng trống pháp lý
Hiện nay, trên thế giới có trên 1.500 loại tiền ảo khác nhau đang lưu hành. Ở Việt Nam, hoạt động giao dịch tiền ảo thời gian qua thu hút nhiều cá nhân tham gia mua bán, đầu tư, trong đó nổi bật nhất là bitcoin.
Trước thực tiễn trên, từ năm 2018, Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị về tăng cường quản lý các hoạt động liên quan tới bitcoin và những loại tiền ảo tương tự. Chính phủ giao Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan khẩn trương đề xuất, hoàn thiện khung pháp lý về quản lý, xử lý đối với tiền ảo, tài sản ảo.
Trước đó, trong một báo cáo gửi Chính phủ, Bộ Tư pháp nêu quan điểm ưu tiên xây dựng chính sách, pháp luật thí điểm để xử lý các vấn đề "nóng" của thị trường và thực tiễn áp dụng. Trong đó, cần đẩy nhanh việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật thí điểm về phát hành và giao dịch của các tài sản mã hóa được hình thành trên nền tảng công nghệ blockchain cũng như cơ chế quản lý, xử lý việc sử dụng, trao đổi, đầu tư các tài sản này.
Tuy nhiên, đến nay, vẫn chưa có khung pháp lý này, cũng như chưa có quy định cụ thể về việc giao cơ quan nào quản lý việc phát hành và giao dịch các đồng tiền ảo, tài sản ảo.
Đáng chú ý, pháp luật Việt Nam không công nhận và cấm giao dịch các loại tiền kỹ thuật số, không coi đó là tài sản nhưng lại chưa có quy định nào cấm việc mua bán, tặng - cho tiền kỹ thuật số. Đây là kẽ hở, tạo cơ hội để các sàn giao dịch tiền ảo hoạt động công khai, rầm rộ với quy mô lớn nhằm trục lợi.
Có thể kể đến vụ việc được Công an TP Đà Nẵng tiếp nhận gần đây, khi một số cá nhân bị lừa đảo số tiền lên tới hàng tỉ đồng do được mời chào đầu tư vào tiền ảo qua các sàn giao dịch trên mạng. Theo đó, nhóm đối tượng lừa đảo mời chào "con mồi" đầu tư trên sàn giao dịch tiền điện tử Binance và sàn đầu tư SGX để lừa đảo, chiếm đoạt tiền.
Hiện nay, lập một tài khoản trên các sàn giao dịch tiền ảo như Binance là rất dễ. Anh Nguyễn Thành H. (trú quận Hoàng Mai, TP Hà Nội) cho biết hiện có khá nhiều đồng tiền "tiềm năng" như Ethereum (ETH), Stellar (XLM), Tezos (XTZ), Binance coin (BNB), Uniswap (UNI)... Các hội, nhóm về đầu tư tiền ảo trên mạng xã hội tư vấn rất nhiệt tình cho người tham gia đầu tư.
Theo luật sư Diệp Năng Bình, Đoàn Luật sư TP HCM, trước những hệ lụy của tiền ảo, trước khi ban hành chỉ thị nói trên, ngày 21-8-2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 1255/QĐ-TTg về phê duyệt đề án hoàn thiện khung pháp lý để quản lý, xử lý đối với các loại tài sản ảo, tiền điện tử, tiền ảo. Việc chậm ban hành khung pháp lý để quản lý tiền ảo sẽ càng làm gia tăng nguy cơ lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, tác động tiêu cực đến đời sống kinh tế - xã hội.
Hệ thống máy “đào” tiền ảo của một cá nhân ở TP Hà Nội
Quản lý theo hướng nào?
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, chuyên gia tài chính - ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu cho rằng trong bối cảnh hiện nay, nhiều loại hàng hóa, dịch vụ mới được hình thành, trong đó có tiền ảo, tài sản ảo, từ đó tạo ra những khoảng trống về mặt pháp lý. Do vậy, cần nhanh chóng "vá" những khoảng trống này nhằm ngăn chặn các rủi ro có thể đến với thị trường tiền tệ cũng như các hoạt động đầu tư khác.
Theo ông Nguyễn Trí Hiếu, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo từ năm 2017, nên các cơ quan liên quan cần đẩy nhanh tiến độ xây dựng khuôn khổ pháp lý để theo kịp sự thay đổi của nền kinh tế số. Trong quá trình ban hành các văn bản quy phạm pháp luật cần đưa ra một định nghĩa rõ ràng, cụ thể về tiền ảo để xác định phạm vi, đối tượng điều chỉnh theo pháp luật Việt Nam. Đồng thời, nghiên cứu, xem xét tiền ảo có phải là một loại tài sản hay không. Về quan điểm cá nhân, ông Hiếu kiến nghị nên xem tiền ảo là một loại tài sản nhưng không xem đó là phương tiện thanh toán, không phải là đồng tiền pháp định, bởi sẽ ảnh hưởng tới chính sách tiền tệ quốc gia.
Về vấn đề này, ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, nêu rõ quan điểm: Tiền ảo bitcoin hoặc một số loại tiền kỹ thuật số khác không phải là đồng tiền pháp định, nên không phải là phương tiện thanh toán, pháp luật Việt Nam không cho phép thực hiện chức năng như của đồng tiền pháp định tại Việt Nam. Chính vì thế, việc sử dụng những đồng tiền ảo này làm phương tiện thanh toán hay làm phương tiện, chức năng như đồng tiền của Việt Nam là vi phạm pháp luật.
Bàn thêm về vấn đề quản lý tiền ảo, luật sư Diệp Năng Bình kiến nghị khi xem tiền ảo là một loại tài sản thì quy định về tiền ảo không thể giống như những tài sản khác bởi tính đặc thù của nó. "Khi đưa vào quản lý, cần đặt ra các yêu cầu trong giao dịch tiền ảo như đăng ký tài khoản, cần định danh nhà đầu tư trên cơ sở các sàn giao dịch đã được cấp phép. Đối với các giao dịch trên những sàn không hợp lệ, cơ quan quản lý cần quy định rõ chế tài để xử lý, ngăn chặn các hành vi trục lợi bất hợp pháp" - luật sư Diệp Năng Bình góp ý.
Sàn giao dịch "chui" tràn lan, tiềm ẩn nhiều rủi ro
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu kiến nghị xem xét thí điểm thành lập các sàn giao dịch tiền ảo, tiến tới ban hành các điều kiện chặt chẽ về việc thành lập sàn giao dịch. Bởi lẽ, khi nắm được thông tin về các sàn giao dịch thì công tác quản lý sẽ vào khuôn khổ, sẽ quản lý được các giao dịch thông qua tài khoản đăng ký định danh, thay vì các sàn giao dịch "chui" tràn lan như hiện nay, tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Người lao động