Tiền bạc vốn nhạy cảm nhưng không ít dân công sở đã mạo phạm đồng nghiệp chỉ vì xem nhẹ 6 quy tắc này
Thôi thì 6 quy tắc dưới đây hy vọng sẽ nhắc nhở dân công sở thêm một lần nữa về sự nhạy cảm của tiền nong trong những hành vi ứng xử thường ngày.
Tiền bạc vốn là thứ nhạy cảm, nó có sức mạnh tạo dựng nhưng cũng mang trong mình sự phá hủy diệt cực kỳ lớn, nhất là tình cảm giữa người với người. Do đó, để tránh “động chạm” và làm đổ vỡ những mối quan hệ tốt đẹp xung quanh mình, đòi hỏi mỗi người, mỗi cá nhân phải cẩn trọng ở mọi vấn đề, miễn là có liên quan đến tiền bạc.
Trong môi trường công sở cũng thế, không hiếm khi chúng ta vô tình biết được những người bạn đồng nghiệp vốn rất thân nhưng cuối cùng lại nảy sinh mâu thuẫn, thậm chí là cạch mặt nhau chỉ vì chưa khéo léo trong các quy tắc ứng xử xoay quanh chuyện tiền nong.
Thôi thì những quy tắc cụ thể sau đây hy vọng có thể giúp cho hội “500 anh chị em” công sở đề phòng tình huống xấu như trên xảy đến với mình. Mọi người cũng biết đó, đồng nghiệp làm cùng công ty với nhau mà nảy sinh mâu thuẫn thì rất khó có thể cùng làm việc, chưa kể đi vào đi ra mỗi ngày, chạm mặt nhau mà “thấy ghét” suy cho cùng cũng rất khó chịu, phải không?
Chia đều hóa đơn thanh toán
Share tiền là một ý tưởng hay ho và vô cùng sòng phẳng hay được hội công sở áp dụng mỗi khi có dịp ăn uống cùng nhau. Tuy nhiên, nên nhớ kỹ rằng, một khi quyết định chia tiền thì đừng chia theo kiểu tổng bill chia cho tổng đầu người.
Bởi lẽ, chưa chắc gì tất cả các món ăn, thức uống của mỗi người đều có giá cả như nhau, chia không cẩn thận mà động ngay vào cô đồng nghiệp nhạy cảm và tiết kiệm thì hỡi ôi, trước mặt vui cười còn sau lưng là cả một bầu trời vụn vỡ đấy! Tốt nhất là cùng ngồi lại check hóa đơn, chia tiền cho kỹ.
Bình luận cách đồng nghiệp tiêu tiền
Hội buôn chuyện trong môi trường công sở lắm lúc hay đem chủ đề mục đích và cách thức tiêu tiền của người khác ra để bàn luận sau lưng, ví dụ như “chị A chả biết tiền đâu ra mà mua mỹ phẩm hàng triệu đồng”, “anh B chắc giàu lắm, mới đây còn mạnh tay chi hàng trăm triệu mua quà sinh nhật cho bà xã”,...
Quả thực, đây là một hành vi bất lịch sự và xấu tính vô cùng mà nếu để nhân vật chính biết được thì sẽ không hay một chút nào. Mỗi người đều có một tình hình tài chính khác nhau mà chúng ta không làm sao biết rõ được, do đó việc họ tiêu tiền thế nào, vào mục đích gì là sự lựa chọn của họ, quyền của họ. Đừng bàn luận kém duyên và kém sang!
Gom tiền cho mục đích chung
Gom tiền để cùng order trà sữa, đồ ăn trưa hay tổ chức một bữa tiệc sinh nhật nho nhỏ cho đồng nghiệp là hành động có thể gọi là… truyền thống của mọi môi trường văn phòng công sở. Ấy vậy mà không phải ai cũng khéo léo trong các đề xuất này.
Cụ thể, như đã nói ở trên, mỗi người có một tình hình tài chính khác nhau, vì vậy khi quyết định kêu gọi góp tiền cho mục đích chung, dân công sở nên chú ý về số tiền mỗi người bỏ ra phải phù hợp và trong khả năng chi trả của họ. Bởi nếu không, chỉ cần có ai đó cảm thấy như bị ép trong việc này (họ không có nhiều tiền mà) thì hẳn sẽ gây nên nhiều vấn đề không hay. Đôi ba lần như thế đảm bảo mối quan hệ đồng nghiệp dù tốt đẹp cũng sẽ nhanh chóng rạn nứt.
Than phiền với đồng nghiệp về tình hình tài chính của mình
Trong những cuộc tám chuyện với hội anh chị em đồng nghiệp khi rảnh rỗi hoặc giờ nghỉ trưa, không ít dân công sở đã mang tình hình tài chính của cá nhân mình để than thân trách phận. Người thì bảo đi làm mãi mà chẳng mua nổi chiếc ô tô, người thì mơ ước nhà cao cửa rộng mà bao năm qua vẫn chưa đủ tiền để hiện thức hóa, người lại than tháng này phải trích 1/2 lương để mua cái túi chục triệu đồng,...
Những khi đó, dân công sở hay than thở có khi nào chú ý đến tình cảnh của các đồng nghiệp xung quanh hay không? Nếu có vài người trong số họ đang phải vật lộn với tình hình tài chính không mấy sáng sủa, cả áo quần mới còn không đủ tiền để mua thì họ sẽ có cảm giác thế nào với những lời than thở của bạn đây?
Tự ý giúp đồng nghiệp về vấn đề tiền nong
Khi biết tin đồng nghiệp trong công ty đang gặp nhiều khó khăn trong vấn đề tài chính, dân công sở rất hay tự ý giúp đỡ họ bằng cách âm thầm quyên góp nhau chuyển tiền vào tài khoản của người đó. Đây là hành động xuất phát từ lòng tốt nhưng mấy ai biết được nó cũng vô cùng nhạy cảm và “động chạm” đến lòng tự ái của người được giúp đỡ.
Hành vi xuất phát từ thiện ý trong môi trường công sở là rất đáng hoan nghênh, ấy vậy mà không phải lúc nào thiện ý cũng nên đi kèm với tiền bạc. Tốt nhất là đừng nên tùy tiện mà hãy cân nhắc xem đối phương có đồng ý để bạn giúp hay không.
Tuân thủ lời hứa khi mượn tiền đồng nghiệp
Vay mượn tiền đồng nghiệp cũng là chuyện phổ biến trong môi trường công sở. Có người đi làm quên mang tiền nên vay 50-100k để ăn trưa, có người mượn vài triệu để giải quyết vấn đề cấp bách nào đó, có người không đi làm nhưng lại bảo đồng nghiệp nhận đồ hộ sẵn thanh toán luôn giùm rồi trả lại sau,...
Những lúc ấy, có lẽ dân công sở đều cho rằng, chuyện này bé xíu như cân đường hộp sữa, “mượn rồi trả, gặp nhau mỗi ngày chả lẽ quỵt”, tuy nhiên dù ít dù nhiều, một khi đã mở miệng vay tiền từ đồng nghiệp thì phải tuân thủ lời lứa đúng hạn trả tiền của mình.
Đừng có cái kiểu “ê hôm nay chưa có tiền, cho khất sang cuối tháng nhé”, đồng nghiệp thân quen cỡ nào mà bị bạn bội tín, xem thường lòng tin và đùa cợt như thế cũng sẽ rất khó chịu.
Helino