Tiền điện tăng vọt, châu Âu lúng túng
Một xưởng phô mai được thắp sáng bằng đuốc vì thiếu điện ở Marmora, tây bắc nước Ý - Ảnh: AFP
Theo Hãng tin Reuters, giá khí đốt tại châu Âu đã tăng 550% trong vòng 12 tháng qua. Người dân châu Âu đang cố gắng tiết kiệm hết mức có thể, nhưng hóa đơn tiền điện vẫn không ngừng tăng lên.
Thủ tướng Áo Karl Nehammer mới đây kêu gọi Liên minh châu Âu (EU) áp đặt giá trần với giá điện, đồng thời tách giá điện khỏi giá khí đốt để ngăn giá năng lượng tiếp tục tăng cao do ảnh hưởng xung đột Nga - Ukraine. "Giá điện phải đi xuống...
Chúng ta phải ngăn tình trạng điên rồ đang xảy ra trên thị trường năng lượng này", ông phát biểu vào hôm 28-8.
Đừng để ông Putin "quyết định giá năng lượng"
Ông Nehammer nhấn mạnh không thể "để Tổng thống Nga Vladimir Putin quyết định" giá năng lượng của châu Âu và khẳng định ông sẽ nêu ý kiến trong một cuộc họp khẩn sắp tới của châu Âu về vấn đề giá năng lượng hiện nay.
Giá điện tại châu Âu đã tăng lên mức kỷ lục trong tuần trước, báo hiệu một mùa đông giá buốt sắp tới.
Theo Hãng tin AFP, trong ngày 26-8, hợp đồng mua điện trước một năm ở Đức đạt ngưỡng 995 euro/kWh, trong khi mức giá tương đương ở Pháp đã vượt 1.100 euro/kWh. Giá điện ở cả hai quốc gia này đã tăng hơn 10 lần so với năm ngoái.
Trả lời Đài CNBC, Giám đốc điều hành Marco Alvera của Hãng năng lượng tái tạo TES-H2, cho biết vì dòng chảy khí đốt lưu thông tự do giữa các nước tại châu Âu nên giá cả đang là vấn đề chung của toàn châu lục này.
"Trừ phi mọi người nghĩ đến chuyện đóng biên đối với khí đốt, điều tôi chưa từng nghe ai bàn tới, chúng ta nên cân nhắc câu chuyện này như một cuộc khủng hoảng khí đốt chung của châu Âu và chỉ có thể giải quyết bởi những giải pháp của châu Âu. Ngoài mức giá trần, nhiều biện pháp khác cần được ban hành gấp", ông Alvera nói.
Trong khi đó ở Anh, quốc gia đã rời EU, giá khí đốt tăng vọt khiến Cơ quan quản lý năng lượng Ofgem thông báo nâng trần giá năng lượng 80% từ mức 1.971 bảng/năm hiện tại lên trung bình 3.549 bảng/năm vào tháng 10 tới.
Một nghiên cứu của Tổ chức Công bằng tài chính cho thấy 1/3 số hộ gia đình ở Anh đã cắt giảm sử dụng bếp và lò nướng, trong khi 1/3 đã giảm số lần tắm và 1/2 đã giảm máy sưởi trong nhà.
"Người dân đang làm nhiều thứ để giữ hóa đơn của mình ở mức thấp, nhưng giá năng lượng vẫn tăng lên. Đó là lý do chúng ta cần chính phủ hành động nhiều hơn" - ông Jamie Evans, chuyên gia nghiên cứu cấp cao tại Đại học Bristol (Anh), cho biết.
Nếu không chạy máy (lọc máu) 5 lần/tuần, chỉ 20 giờ, tôi sẽ chết.
Bà Dawn White (59 tuổi), sống ở đông nam nước Anh, nói với Reuters rằng bà không còn khả năng chi trả cho việc điều trị bởi chi phí năng lượng đã tăng chóng mặt.
Các biện pháp hỗ trợ dân
Theo Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA), trong đầu năm 2022, các hộ gia đình ở hầu hết các nền kinh tế hàng đầu châu Âu đang phải chịu mức giá khí đốt cao kỷ lục, vượt đỉnh của các cuộc khủng hoảng trước đó vào những năm 1970, 1980 và 2000.
Chuyên gia Marco Alvera cảnh báo châu Âu cần hành động nhanh chóng trước khi mùa đông kéo về, trước nhất là hỗ trợ dành cho các hộ gia đình và người tiêu dùng.
Ngày 29-8, Bộ Năng lượng Đan Mạch thông báo Đức đã chốt được một đường kết nối năng lượng từ dự án trung tâm điện gió ở đảo Bornholm, ngoài khơi vùng biển Baltic thuộc Đan Mạch. Dự án này được kỳ vọng sẽ giúp Đức giảm phụ thuộc vào năng lượng của Nga.
Theo đó, trung tâm năng lượng trên đảo Bornholm sẽ kết nối với một số khu khai thác điện gió trên biển Baltic với tổng công suất ít nhất là 3 gigawatt, đủ để cấp điện cho 4,5 triệu hộ gia đình Đức. Trung tâm này sẽ được nối về Đức bằng đường dây tải dài 470km.
Đây là một trong những nỗ lực mới nhất các nước châu Âu đang thực hiện để đảm bảo nguồn cung điện cho mùa đông sắp tới. Theo Đài CNBC, đối mặt với giá cả tăng vọt, chính quyền các nước châu Âu đã công bố nhiều gói hỗ trợ dành cho người dân.
Trong khi đó, Pháp đã quốc hữu hóa hoàn toàn nhà cung cấp năng lượng EDF với chi phí ước tính khoảng 9,8 tỉ USD, và giới hạn mức tăng giá điện ở 4%.
Tại Đức, các hộ gia đình sẽ phải trả thêm khoảng 500 euro cho hóa đơn khí đốt hằng năm của họ cho đến tháng 4-2024 để giúp trang trải chi phí thay thế nguồn cung từ Nga. Berlin đang thảo luận về việc miễn thuế bán hàng đối với khoản trả thêm này và một gói cứu trợ cho các hộ nghèo.
Ý và Tây Ban Nha đều đang sử dụng thuế thu được để tài trợ cho các khoản hỗ trợ dành cho những hộ gia đình có nhu cầu, cũng như gánh bớt một phần hóa đơn năng lượng đã lên cao tới mức không trả nổi.
Tuổi trẻ