MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tiến độ tiêm vaccine có thể hãm đà tăng xuất khẩu dệt may

Tiến độ tiêm vaccine có thể hãm đà tăng xuất khẩu dệt may

6 tháng đầu năm 2021 dệt may khởi sắc khi xuất khẩu tăng hơn 15%. Song đà tăng có thể bị lung lay nếu chiến lược tiêm vaccine cho người lao động không được đẩy nhanh...

Số liệu vừa công bố của Tổng cục Thống kê cho thấy, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may quý 2/2021 đạt 8 tỷ USD, tăng gần 31% so với cùng kỳ. Cộng dồn 6 tháng đầu năm, dệt may xuất khẩu ước đạt 18,47 tỷ USD, tăng 19,22%so với cùng kỳ năm 2020 và tăng 2,47% so với cùng kỳ năm 2019.

Trong đó, các mặt hàng xuất khẩu chủ lực là hàng may mặc với kim ngạch 13,7 tỷ USD, tăng 11,25% so với cùng kỳ. Xuất khẩu xơ sợi đạt 2,64 tỷ USD, tăng 64,2%. Xuất khẩu vải đạt 1,115 tỷ USD, tăng 31,3%. Xuất khẩu vải địa kỹ thuật đạt 367 triệu USD, tăng 88,2%. Xuất khẩu phụ liệu dệt may đạt 597 triệu USD, tăng 23%.

Tính riêng 5 tháng, Mỹ vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch 6,02 tỷ USD, tăng 24,19% so với 5 tháng đầu năm 2020. Xuất khẩu sang các thị trường CPTPP đứng thứ 2 với 1,95 tỷ USD, nhưng chỉ tăng 2,03% so với 5 tháng đầu năm 2020.

Tiếp đến là thị trường EU với kim ngạch xuất khẩu 1,21 tỷ USD, tăng 14,38% so với 5 tháng đầu năm 2020… Điển hình nếu so với cùng kỳ năm 2020, xuất khẩu sang hầu hết các thị trường thành viên EU tiêu thụ lớn đều tăng trưởng ở mức cao như Hà Lan tăng 27,45%, Pháp tăng 41,57%, Bỉ tăng 17,27%, Italia tăng 30,25%...

Những con số này trái ngược hoàn toàn với năm 2020, bởi theo Hiệp hội dệt may (Vitas), thời điểm này năm ngoái khi đợt dịch thứ 2 bùng phát, các doanh nghiệp dệt may trong trạng thái trông chờ đơn hàng có khi tính theo tuần và đối tác liên tục hoãn, huỷ đơn hàng, nhưng năm nay, hầu hết các doanh nghiệp đều có đơn hàng tới hết năm.

Nhưng trớ trêu, đơn hàng nhiều doanh nghiệp lại lo không hoàn thành đúng tiến độ do thiếu lao động, cũng như dịch bệnh Covid-19 vẫn dập dình.

Theo bà Trần Tường Anh, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty may Hoà Thọ, thách thức về lao động và kiểm soát dịch vẫn còn nguyên vẹn trong năm 2021. Bởi hiện chưa có dự báo chính thức nào về thời điểm thế giới kiểm soát được dịch Covid-19 và các hoạt động kinh tế, xã hội trở lại bình thường.

Bà Hoàng Ngọc Ánh, Tổng Thư ký Vitas cũng đồng tình, thời điểm hiện tại, sản xuất dệt may đang phục hồi tích cực. Kim ngạch xuất khẩu dệt may tăng liên tục do doanh nghiệp có nhiều đơn hàng.

Dự báo xuất khẩu dệt may năm 2021 nhiều khả năng sẽ hoàn thành mục tiêu 39 tỷ USD. Song khó khăn lớn nhất với các doanh nghiệp lúc này chính là thiếu lao động chất lượng cao, đồng thời là áp lực về phòng chống dịch tại địa phương và nhà máy do nguy cơ lây nhiễm cộng đồng.

Bà Hoàng Ngọc Ánh, Tổng Thư ký Vitas

Chia sẻ tại Vitas, ông Lưu Tiến Chung, Tổng giám đốc Công ty CP May Bắc Giang LGG thừa nhận, thị trường nửa đầu năm tốt lên, đơn hàng về nhiều nhưng nếu không làm được doanh nghiệp sẽ gánh thiệt hại kép, cả doanh thu và hiệu quả sản xuất.

Khi ấy, doanh nghiệp gia công theo đơn đặt hàng của đối tác sẽ bị phạt, mất tiền gia công, còn đơn vị làm theo phương thức FOB thiệt hại sẽ lớn hơn nhiều nếu đối tác từ chối nhận hàng do chậm giao. Chưa kể, nếu đổi vận chuyển hàng từ đường thủy sang đường hàng không cho kịp tiến độ giao hàng doanh nghiệp chắc chắn lỗ.

Để yên tâm sản xuất lúc này, ông Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch May Hưng Yên cho rằng, người lao động cần được tiêm vaccine ngừa Covid-19. Doanh nghiệp sẵn sàng bỏ tiền tiêm vaccine cho người lao động.

“Điều doanh nghiệp mong muốn nhất lúc này là Chính phủ đẩy nhanh việc tiêm vaccine để sớm đạt miễn dịch cộng đồng, tiến tới kiểm soát hoàn toàn dịch bệnh để hoạt động sản xuất kinh doanh trở lại bình thường. Khi đó, các chính sách hỗ trợ của nhà nước sẽ tạo thêm nguồn lực cho doanh nghiệp dệt may phục hồi sản xuất, tăng tốc thực hiện những đơn hàng cuối năm”, ông Dương đề xuất.

Theo Khuê Vũ

Vneconomy

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên