MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tiền gửi của nhà đầu tư tại các công ty chứng khoán giảm khoảng 14.000 tỷ đồng trong quý 4

Tiền gửi của nhà đầu tư tại các công ty chứng khoán giảm khoảng 14.000 tỷ đồng trong quý 4

Phần lớn các CTCK đều ghi nhận số dư tiền gửi khách hàng sụt giảm mạnh, thậm chí đến hàng nghìn tỷ đồng so với cuối quý trước.

Thị trường chứng khoán trải qua quý cuối cùng của năm 2022 tương đối ảm đảm trong bối cảnh chỉ số VN-Index tiếp tục giảm. Thanh khoản lình xình, không ít phiên giao dịch ghi nhận giá trị giao dịch khớp lệnh trên HoSE về mức thấp nhất hàng chục tháng với giá trị quanh ngưỡng 7.000 tỷ đồng. Có thể thấy khả năng cao một lượng tiền lớn đã được nhà đầu tư rút ra khỏi thị trường.

Theo ước tính, số dư tiền gửi khách hàng tại các CTCK vào cuối quý 4/2022 chỉ còn khoảng 60.000 tỷ đồng, tiếp tục giảm 14.000 tỷ đồng so với con số cuối quý 3 trước đó và giảm 34.000 tỷ đồng so với thời điểm cuối năm 2021. Nếu so với mức kỷ lục cuối quý 1/2022 là 100.000 tỷ đồng thì lượng tiền gửi bị rút ra xấp xỉ ngưỡng 40.000 tỷ đồng. Đây chủ yếu là tiền gửi của nhà đầu tư chứng khoán theo phương thức CTCK quản lý. Lượng tiền này đang nằm sẵn trong tài khoản nhà đầu tư và chưa thực hiện giải ngân vào thời điểm 31/12/2022.

Tiền gửi của nhà đầu tư tại các công ty chứng khoán giảm khoảng 14.000 tỷ đồng trong quý 4 - Ảnh 1.

Số dư tiền gửi của nhà đầu tư tại các CTCK tiếp tục giảm mạnh

Theo thống kê, VPS tiếp tục là CTCK có số dư tiền gửi khách hàng lớn nhất, xấp xỉ 18.000 tỷ đồng. Việc dẫn đầu về thị phần môi giới trên cả 3 sàn và thị trường phái sinh giúp VPS có nhiều dư địa để sở hữu lượng lớntiền gửi nhà đầu tư trong tài khoản. Tuy nhiên nếu so với quý 3 trước đó thì lượng tiền này đã sụt giảm gần 1.100 tỷ đồng và là quý thứ 3 liên tiếp sụt giảm so với quý trước đó.

Tiền gửi của nhà đầu tư tại các công ty chứng khoán giảm khoảng 14.000 tỷ đồng trong quý 4 - Ảnh 2.

Dù vậy, đó chưa phải con số lớn nhất. Lượng giảm mạnh nhất trong nhóm các công ty chứng khoán được ghi nhận tại Chứng khoán VNDirect. Lượng tiền gửi đã giảm khoảng 1.700 tỷ xuống còn hơn 4.800 tỷ đồng, đứng vị trí thứ 2 toàn ngành. VDSC cũng ghi nhận lượng tiền gửi của nhà đầu tư giảm hơn 1.400 tỷ xuống còn 1.564 tỷ đồng vào thời điểm cuối năm 2022.

Tương tự, phần lớn các CTCK đều ghi nhận lượng tiền gửi khách hàng sụt giảm mạnh so với cuối quý trước. Có thể kể tới như SSI (4.715 tỷ đồng, giảm 181 tỷ), Mirae Asset (3.114 tỷ đồng, giảm 770 tỷ), MBS (3.079 tỷ đồng, giảm 615 tỷ), FPTS (2.529 tỷ đồng, giảm 689 tỷ),… đều ghi nhận giảm sút trong quý 4 tại khoản mục này so với quý liền trước.

Tiền gửi của nhà đầu tư tại các công ty chứng khoán giảm khoảng 14.000 tỷ đồng trong quý 4 - Ảnh 3.

Hầu hết CTCK đều ghi nhận sự sụt giảm lượng tiền gửi của khách hàng

Số dư tiền trong tài khoản nhà đầu tư hụt mạnh trong bối cảnh lượng tài khoản chứng khoản mở mới trong những tháng trở lại đây đang dần hạ nhiệt. Kể từ khi lập kỷ lục gần 500 nghìn tài khoản mở mới trong tháng 5/2022, liên tục trong 6 tháng sau đó lượng tài khoản mở mới sụt giảm so với quý trước. Riêng trong 3 tháng cuối năm, lượng tài khoản mở mới của nhà đầu tư nội chỉ duy trì dưới 100.000 tài khoản. Cần nhấn mạnh rằng lượng tài khoản mới chưa thể phản ánh chính xác mức độ người dân tham gia vào chứng khoán bởi một nhà đầu tư có thể có nhiều tài khoản tại nhiều CTCK nhờ thủ tục dễ dàng, chưa kể những tài khoản ở trạng thái "passive".

Đi cùng xu hướng vơi đi của lượng tiền trong tài khoản nhà đầu tư, dư nợ cho vay tại các CTCK cũng ghi nhận sụt giảm. Theo ước tính, dư nợ cho vay của các công ty chứng khoán tại thời điểm 31/12/2022 vào khoảng 120.000 tỷ đồng (~5 tỷ USD), giảm 40.000 tỷ so với quý trước, trong đó dư nợ cho vay margin vào khoảng 115.000 tỷ đồng.

Thực tế, sau làn sóng “call margin” diễn ra trên diện rộng vào cuối quý 2 và nửa sau của năm 2022, rất nhiều nhà đầu tư bị bán giải chấp cổ phiếu dẫn tới thua lỗ và một phần dòng tiền cũng đã rút khỏi thị trường. Ngoài ra, nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng mạnh hậu làn sóng COVID, các hoạt động phục hồi cũng kích thích một phần dòng tiền nhàn rỗi rút ra khỏi những kênh đầu tư như chứng khoán để chảy vào phục vụ sản xuất kinh doanh.

Đặc biệt, trong bối cảnh lãi suất có xu hướng tăng như hiện tại, chứng khoán phải đối diện thêm sự cạnh tranh gay gắt hơn tới từ các kênh tiết kiệm có độ an toàn cao hơn. Thống kê từ NHNN cho biết tiền gửi của dân cư vào hệ thống ngân hàng liên tục tăng trong năm 2022. Ước tính với mức tăng gần 6% so với cùng kỳ, tổng tiền gửi của khách hàng cuối năm 2022 đạt khoảng 11,6 triệu tỷ đồng.

Dù vậy, triển vọng dài hạn của TTCK vẫn được đánh giá tương đối khả quan. Xu hướng chuyển dịch sản xuất trong dài hạn sang Việt Nam và sự hội nhập ngày càng sâu rộng của đất nước với nền kinh tế toàn cầu với 15 hiệp định thương mại song phương và đa phương tạo tiền đề cho Việt Nam sẽ tiếp tục thịnh vượng trong nhiều năm tới.

Việc phát triển thị trường vốn và việc nâng hạng Việt Nam thành thị trường mới nổi chỉ là vấn đề thời gian, điều này sẽ mở ra cánh cửa cho một lượng lớn vốn nước ngoài đổ vào thị trường. Minh chứng rõ là việc nhà đầu tư nước ngoài đang liên tục mua ròng trên thị trường chứng khoán Việt Nam, ước tính khối ngoại đã “gom” ròng khớp lệnh hơn 35.000 tỷ đồng trong vòng 3 tháng gần nhất. Nguyên nhân được cho do định giá thị trường đã về mức hợp lý với chiến lược đầu tư cũng như tiềm năng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong tương lai.

Trong một chia sẻ mới đây, ông Petri Deryng, nhà sáng lập và quản lý PYN Eltie Fund kỳ vọng nền kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng ở mức hợp lý (+5,5%), bất chấp xuất khẩu cả năm có thể giảm 5%. Các khoản đầu tư công của Việt Nam sẽ thúc đẩy nhu cầu trong nước và nhu cầu của người tiêu dùng tư nhân cũng sẽ tăng lên theo từng năm. Theo người đứng đầy quỹ PYN Elite, định giá của thị trường chứng khoán đang rất hấp dẫn, mang lại lợi nhuận tiềm năng cho nhà đầu tư dài hạn. Ông Petri Deryng kỳ vọng VN-Index sẽ chạm mốc 1.450 điểm vào cuối năm 2023.

Phương Linh

Nhịp Sống Thị Trường

Từ Khóa:

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên