Tiền gửi KBNN tăng từ 50 tỷ đồng lên hơn 150.000 tỷ đồng
Nhắc lại về thương vụ bán Sabeco, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết đã trực tiếp trao đổi với lãnh đạo các bộ này để điều hòa lượng tiền của ngân sách tại kho bạc nhà nước.
Trong phiên chất vấn trực tiếp ngày 6/6 tại Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khoá XIV, đại biểu Quốc hội Hà Sỹ Đồng, đoàn Quảng Trị hỏi về dòng vốn vào mạnh, trong đó riêng việc bán Sabeco được 110.000 tỷ đồng.
Ngân hàng Nhà nước sau các thương vụ trên đã và đang phải can thiệp, mua ngoại tệ và chịu sức ép rất cao trong việc trung hòa lượng tiền đồng lớn bơm ra. Việc trung hòa phải thực hiện tránh nguy cơ tạo áp lực lạm phát sau một độ trễ nhất định.
Ở chiều khác, hoạt động giải ngân vốn đầu tư phát triển bao gồm cả vốn trái phiếu Chính phủ lại chậm tiến độ. Vị đại biểu này nêu băn khoăn về việc những khoản thu này rất chậm được tái đầu tư.
Tuy nhiên, theo Phó thủ tướng Vương Đình Huệ, đây lại là sự phối hợp giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và Bộ trưởng Bộ Tài chính đã cùng nhau giải quyết vấn đề trên nền tảng của tài chính và tiền tệ, có chuyện trung hòa lượng tiền để tránh lạm phát.
"Vừa rồi chúng ta bán Sabeco được 110.000 tỷ đồng tương ứng 5 tỷ USD. Dòng vốn nước ngoài vào còn nhiều, do đó tôi đã trực tiếp trao đổi với các đồng chí lãnh đạo các bộ này để điều hòa lượng tiền của ngân sách trên kho bạc nhà nước", Phó thủ tướng cho hay.
Ông cũng cho biết số dư tài khoản của ngân sách và kho bạc trên hệ thống NHNN chỉ có khoảng 50 tỷ nhưng đã tăng lên 90 tỷ và gần đây nhất đã tăng lên được 150.000 tỷ có lẻ.
Phó thủ tướng nhận định đây cũng chính là động tác trung hòa để không cần phải hút tiền về, đảm bảo cho thị trường tiền tệ và tài khóa lành mạnh, tránh được lạm phát.
Trước đó, ông Huệ cũng nhấn mạnh quan tâm nhất của Chính phủ là củng cố nền tảng vững chắc của kinh tế vĩ mô và gia tăng khả năng chống chịu của hệ thống tài chính và ngân hàng, vì điều này tác động đầu tiên đến chứng khoán, đến tỷ giá rồi đến thanh khoản của hệ thống.
Báo cáo tại hội trường, ông Vương Đình Huệ cho biết kinh tế vĩ mô Việt Nam thời gian qua ổn định; chỉ số giá tiêu dùng tháng 5 tăng 0,55% (chủ yếu do tăng giá xăng dầu và giá thịt lợn hơi), bình quân 5 tháng tăng 3,01%; lạm phát cơ bản tăng 1,34%.
Số liệu tăng trưởng tín dụng 5 tháng cũng lần đầu tiên được công bố với mức tăng 5,8%. Mức tăng tưởng này thấp hơn so với cùng kỳ 2017 (6,53%) nhưng cao hơn so với cùng kỳ các năm trước và tập trung cho các lĩnh vực ưu tiên.
Theo Người đồng hành