Tiền gửi lập kỷ lục, cơ hội giữ ổn định lãi suất
NHNN Việt Nam mới đây công bố số dư tiền gửi dân cư đạt mức 6,838 triệu tỷ đồng (tính đến hết tháng 7/2024) tăng 4,68% so với cuối năm 2023 và đạt tốc độ tăng trưởng cao nhất sau hơn một năm thực hiện các mức lãi suất điều hành ở mức thấp để hỗ trợ phát triển kinh tế.
- 10-10-2024Vietcombank công bố lãi suất cho vay bình quân 5,6%/năm
- 10-10-2024Ngân hàng nào đang cho vay mua nhà lãi suất thấp?
- 09-10-2024Tranh thủ lãi suất thấp, vợ chồng 9x vay ngân hàng mua nhà, thoát cảnh ở thuê
Lãi suất tiền gửi bắt đầu tăng nhẹ kể từ tháng 4/2024 trước áp lực của tỷ giá USD/VND, nhu cầu vay vốn tăng và các kênh đầu tư khác như bất động sản, trái phiếu, cổ phiếu... sôi động trở lại. Tại thời điểm đầu tháng 10/2024, các ngân hàng thương mại niêm yết phổ biến ở mức 5-6,1%/năm đối với kỳ hạn từ 12 tháng trở lên, nhóm ngân hàng Big4 lãi suất cao nhất trong khoảng 4,6-4,7%/năm đối với kỳ hạn từ 12 tháng trở lên; Techcombank, MB… cùng kỳ hạn cũng có lãi suất tương tự.
Các ngân hàng BVBank, VRB, Dong A Bank niêm yết lãi suất 6%/năm cho kỳ hạn 24 tháng, NCB niêm yết lãi suất 6,15%/năm, OceanBank 6,1%/năm, SaigonBank 6,1%/năm kỳ hạn 36 tháng, Bac A Bank 6,05%/năm. Một số ngân hàng HDBank, MSB, PVcomBank, DongA Bank… thông báo áp dụng lãi suất từ 7,5-9,1%/năm nhưng chỉ dành cho những người gửi tiền số lượng lớn hàng trăm tỷ đồng và kỳ hạn rất dài. Có những ngân hàng thông báo tăng lãi suất tiền gửi nhưng thực chất chỉ là cơ cấu lại các kỳ hạn, như tăng lãi suất ở những kỳ hạn ngắn thu hút người gửi tiền nhiều nhất, giảm lãi suất đối với kỳ hạn dài ít người gửi tiền.
Lãi suất tiền gửi tăng khiến kênh tiết kiệm trở nên hấp dẫn hơn với những người chọn kênh đầu tư an toàn này. Điều đó giúp các nhà băng thu hút nguồn vốn để đáp ứng nhu cầu tín dụng những tháng cuối năm. Trong một kết quả điều tra về xu hướng kinh doanh quý IV/2024 do Vụ Dự báo thống kê (NHNN) thực hiện (từ ngày 25/8 - 11/9/2024) các TCTD và chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tỷ lệ trả lời đạt 99%. Kết quả điều tra cho thấy các TCTD dự báo quý IV/2024 và cả năm 2024, nhu cầu sử dụng dịch vụ ngân hàng của khách hàng có thể "cải thiện" tốt hơn so với quý III/2024 và năm 2023, trong đó nhu cầu vay vốn được kỳ vọng "cải thiện" nhiều hơn nhu cầu gửi tiền và thanh toán.
Các TCTD dự báo tình hình thanh khoản sẽ tiếp tục cải thiện trong quý IV/2024 và cả năm 2024 so với năm 2023. Theo đó, các TCTD có xu hướng điều chỉnh tăng rất nhẹ mặt bằng lãi suất huy động và duy trì mặt bằng lãi suất cho vay ở mức thấp. Tính chung cả năm 2024, các TCTD dự báo mặt bằng lãi suất huy động tăng nhẹ 0,1 điểm phần trăm và mặt bằng lãi suất cho vay giảm nhẹ 0,09 điểm phần trăm so với cuối năm 2023. Trên cơ sở đó, dự báo huy động vốn toàn hệ thống được các TCTD kỳ vọng tăng bình quân 3,2% trong quý IV/2024 và 7,9% trong năm 2024.
Giới phân tích cho rằng, NHNN tiếp tục giữ nguyên các mức lãi suất điều hành từ nay đến hết năm nhằm tạo điều kiện cho các TCTD tiếp cận nguồn vốn từ NHNN với chi phí thấp để góp phần hỗ trợ nền kinh tế. Đồng thời, cơ quan quản lý cũng chỉ đạo TCTD tiếp tục giảm chi phí để giảm mặt bằng lãi suất cho vay.
Tuy nhiên, các chuyên gia tài chính – ngân hàng cho rằng không gian cho chính sách tiền tệ khá hạn hẹp. Nếu giảm lãi suất hơn nữa có thể ảnh hưởng tới mục tiêu kiểm soát lạm phát. Mặc dù bình quân 9 tháng qua, lạm phát cơ bản tăng 2,69% ở mức khá thấp trong tổng thể chỉ số giá tiêu dùng tăng 3,88% so với mục tiêu Quốc hội đề ra là tăng 4,5%. Tuy nhiên theo các chuyên gia, áp lực lạm phát thời gian tới vẫn rất lớn khi giá dầu thế giới có nguy cơ tăng do xung đột tại Trung Đông.
Bởi vậy theo các chuyên gia, thời gian tới, lãi suất huy động sẽ đi ngang hoặc tăng nhẹ trong một số thời điểm nhu cầu tín dụng thời vụ tăng cao trong quý IV. Dù vậy, lãi suất cho vay sẽ được giữ ổn định để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân.
Thời báo ngân hàng