Tiền nhiều để làm gì? Câu trả lời đến từ sự chênh lệch giàu - nghèo của các hộ gia đình trên toàn thế giới
Cuộc sống xoay quanh 7 hộ gia đình được chọn lựa ngẫu nhiên trên khắp thế giới này ắt hẳn sẽ khiến bạn phải suy ngẫm về định nghĩa "sung túc" của bản thân.
- 25-02-2019Tiền nhiều để làm gì: Bill Gates đi khắp thế giới 'ngắm' toilet, đánh răng cũng nghĩ tới người nghèo
- 23-02-2019Người ta hỏi "Tiền nhiều để làm gì?", còn bạn vẫn đau đáu "làm gì để nhiều tiền?": Câu trả lời của người đàn ông 50 tuổi, giàu có này là Hãy Tiết Kiệm
- 23-02-2019"Tiền nhiều để làm gì" chưa rõ, nhưng đây là những hệ quả có thể xảy ra
Từ những ngày gần đây, câu hỏi "Tiền nhiều để làm gì?" đã sản sinh ra vô vàn những lời giải đáp ở đủ mọi góc nhìn cuộc sống. Nhưng, sau tất cả, vẫn không ai thực sự thuyết phục được đám đông với lí lẽ mà mình đưa ra.
Cũng phải thôi, vì bản thân mỗi người sinh ra và lớn lên cũng đã tự hình thành cho mình định nghĩa riêng về 2 chữ "sung túc", hay nói cách khác là sự đầy đủ (về tiền), cơ mà?
Và để có cái nhìn cận cảnh hơn về sự khác biệt của "sung túc", dưới đây là 7 hộ gia đình được chọn lựa ngẫu nhiên từ thông tin thu thập được của dự án Dollar Street. Cụ thể, dự án đặc biệt này đã chụp khoảng 50,000 bức ảnh của 264 hộ gia đình trên khắp 50 quốc gia; tất cả chỉ để cho bạn thấy một cái nhìn đa chiều về cuộc sống. Hay nói cách khác, những điều thường nhật nay sẽ có thể được nhìn nhận qua một lăng kính mới.
Gia đình của Butoyi, sống tại nước Cộng hòa Burundi (tổng thu nhập 630,000 đồng/tháng)
Người mẹ làm nông Imelda, 41 tuổi, sống trong một căn nhà ọp ẹp với không gian đo được chỉ bằng... hai căn buồng nhỏ thó, không điện, không nước. Sống cùng với bà mẹ đơn thân này là 3 cậu bé khác; cả 4 thành viên gia đình đều trông chờ vào mức lương 630,000 đồng/ tháng của Imelda (80% chi cho đồ ăn thức uống), mong rằng một ngày sẽ được sống trong căn nhà khang trang hơn.
Căn nhà nơi gia đình cô Imelda sinh sống.
4 người trong gia đình quây quần bên mâm cơm trưa thường ngày.
Nơi 4 mẹ con nằm ngủ.
Nguồn nước gần nhất cách nhà 40 phút đi bộ.
Hai quyển sách giáo khoa này được lũ trẻ gọi là "đồ chơi yêu thích nhất".
Gia đình nhà Gacotera, sống tại Philippines (tổng thu nhập 4,5 triệu đồng/tháng)
Anh Leo, 40 tuổi, hiện là nguồn thu nhập chính của cả gia đình bằng việc vừa làm nông vừa đi rừng. Trong khi đó, người vợ Maria của anh, 36 tuổi, là một bà nội trợ.
Hai vợ chồng nuôi nấng 3 người con trai trong căn nhà mà anh Leo đã sống từ bé. 50% tổng thu nhập của Leo (4,5 triệu đồng/ tháng) được chi cho việc ăn uống. Ngoài ra, Leo và Maria vẫn đang gom góp, chắt chiu từng đồng với hi vọng sửa sang lại mái nhà trong thời gian sớm nhất.
Căn nhà hiện tại của cặp vợ chồng.
Phòng khách.
Cả gia đình nấu nướng, ăn uống tại đây.
Vật quý giá nhất: Chiếc xe máy.
Còn đây là một ngôi nhà trong mơ đối với anh Leo và vợ.
Gia đình Kiriny, sống tại Nga (tổng thu nhập gần 14 triệu đồng/tháng)
Ông Vasiliy cùng vợ là bà Olga đang nuôi nấng một cô con gái 17 tuổi tên Varvara, đang là học sinh. Căn nhà của người đàn ông hưu trí 60 tuổi và một giáo viên xã hội 57 tuổi bao gồm hai phòng ngủ. Họ chi phần lớn tiền trong tổng thu nhập vào việc ăn uống. Dự định sắp tới của họ là mua một chiếc ti vi LCD, còn xa hơn nữa là đổi căn hộ.
Căn nhà của gia đình Kiriny.
Phòng ngủ.
Góc học tập của Varvara.
Không gian bếp và bàn ăn.
Nhân vật "quyền lực nhất" trong nhà: Một em mèo.
Gia đình Hilgenstiele, sống tại Bra-xin (thu nhập hơn 23 triệu đồng/tháng)
Anh kĩ sư cơ khí 28 tuổi Vitor cùng người vợ làm việc trong ngành tiếp thị Schelina, 37 tuổi, đang sống trong một căn nhà gồm 3 phòng ngủ. Họ có một bé gái 4 tuổi tên là Helena. Cặp vợ chồng Vitor - Schelina dành ra khoảng 40% tổng thu nhập để mua thức ăn cho gia đình. Ước mơ hiện tại của hai vợ chồng là sở hữu một chiếc xe hơi.
Căn nhà của gia đình.
Phòng khách.
Gian bếp.
Một trong 3 phòng ngủ.
Những đồ chơi yêu thích của Helena.
Gia đình Moulefera, sống tại Pháp (tổng thu nhập khoảng 67 triệu đồng/tháng)
Simo, kĩ thuật viên 42 tuổi, cùng người vợ kiến trúc sư Caroline, 39 tuổi, có với nhau hai đứa con. Gia đình này sống trong một căn hộ có 4 phòng ngủ. Sau khi trả góp gần 14 triệu hàng tháng cho khoản vay thế chấp bất động sản, hai vợ chồng thường chi 30% số tiền còn lại cho việc ăn uống. Vào kỳ nghỉ, gia đình người Pháp vẫn đủ khả năng chi trả cho những chuyến du lịch.
Căn nhà riêng của gia đình Moulefera.
Phòng khách.
Phòng bếp.
Phòng ngủ của hai đứa trẻ.
Ngoài 4 thành viên trong gia đình, còn có 1 thành viên "không chính thức" sau.
Gia đình Västibacken, sống tại Thụy Điển (tổng thu nhập hơn 113 triệu đồng/ tháng)
Anh Jonas, 35 tuổi, cùng cô vợ 38 tuổi Tove đều là những nhà quản lí. Họ đang chăm sóc hai cậu con trai của mình trong căn hộ riêng có 4 phòng ngủ. Họ thường chỉ chi 30% cho việc ăn uống của cả nhà, phần còn lại được tích góp để mua một chiếc ô tô mới, vì cả hai đều rất thích đi du lịch. Đối với họ, quyển album ảnh gia đình là thứ quý giá nhất.
Căn nhà của cặp vợ chồng U40.
Một trong 4 phòng ngủ.
Phòng ăn.
Phòng chơi đồ chơi dành riêng cho hai cậu "quý tử".
Kệ sách.
Gia đình Bi, sống tại Trung Quốc (tổng thu nhập gần 235 triệu đồng/tháng)
Gia đình này gồm có 5 người tất cả. Và cả 4 thành viên trưởng thành trong gia đình, bao gồm cặp vợ chồng ông Bi Hua (57 tuổi) - bà Yue Hen, cặp vợ chồng cô cháu gái Meng, đều tham gia công việc kinh doanh của cả gia đình. Gia đình 5 người này sống trong một căn hộ có 3 phòng ngủ và chi 30% thu nhập cho việc ăn uống.
Phía ngoài căn hộ.
Phòng khách.
Một bữa trưa điển hình.
Một trong ba căn phòng ngủ.
Cây đàn ghi-ta là thứ được trân trọng nhất.
Tạm kết
7 gia đình nói trên, có hộ dân phải tồn tại với chỉ 21 nghìn đồng/ngày, có gia đình lại may mắn hơn khi có tới 8 triệu đồng/ngày để sử dụng. Mỗi gia đình, mỗi người trong mỗi hoàn cảnh khác nhau đều có những mục tiêu, ước mơ phấn đấu rất khác. Nhưng trên tất cả, bạn có thấy rằng khi họ đứng trước máy ảnh để chụp một bức ảnh gia đình, nụ cười vẫn luôn hiển hiện trên từng khung hình hay không?
Thực chất, "tiền nhiều" có thể làm được nhiều thứ lắm! Chí ít là để trang trải cho những nhu cầu cơ bản hàng ngày của một gia đình, để từng thành viên trong tổ ấm không phải chịu cảnh "cơm ăn không đủ no, áo mặc không đủ ấm". Nhưng đồng thời, "tiền nhiều" cũng... chẳng để làm gì. Bởi bản chất của một gia đình vẫn chưa bao giờ có sự dính dáng đến vật chất, mà hơn hết là sự cảm thông, là sự yêu thương đùm bọc lẫn nhau xuất phát từ tấm lòng, từ sự chân thành hệt như những nụ cười mỉm nở trên môi các thành viên của 7 hộ dân nói trên. Nụ cười này, tiền nhiều đến mấy chắc cũng không mua được!
(Theo Brightside)
Helino