"Tiền nhiều để làm gì...": Đàn ông sợ vợ bỏ vì nghèo, phụ nữ sợ chồng bỏ khi giàu, làm sao để hôn nhân đừng tan vỡ vì tiền?
Trong hôn nhân, tiền nong, vật chất cũng là một thử thách. Với phụ nữ là khi nghèo túng, với đàn ông là khi đã giàu sang.
- 22-02-2019Dân mạng nói về ồn ào ly hôn của vợ chồng "vua cà phê" Trung Nguyên: Dù có tiền tài hay danh vọng, mất mát lớn nhất vẫn là gia đình
- 22-02-2019“Tiền nhiều để làm gì” - những người trẻ thế hệ Y, họ có cần nhiều tiền đến vậy để hạnh phúc?
Vụ ly hôn của vợ chồng chủ Tập đoàn Trung Nguyên đang thu hút sự quan tâm của đông đảo mọi người. Theo dõi phiên tòa ngày 21/2, những tranh cãi gay gắt của ông Vũ và bà Thảo về việc phân chia tài sản đã khiến không ít người suy nghĩ về mối quan hệ tình - tiền trong cuộc sống: Tiền nhiều để làm gì mà để hôm nay ngồi đây như thế này! Đó là câu nói đã trở thành trào lưu trên mạng xã hội.
Rất nhiều người đã bày tỏ quan điểm cá nhân về vụ ly hôn đình đám của một trong những gia đình quyền lực nhất thương trường Việt. Trong số đó, nhà văn Hoàng Anh Tú - cây bút nổi tiếng của báo Hoa học trò, một người thường xuyên có những bài viết về cuộc sống hôn nhân cũng chia sẻ về vụ ly hôn này.
Trên trang cá nhân, nhà văn Hoàng Anh Tú chia sẻ rằng: "Thật tôi cũng chẳng muốn ăn theo trend. Cơ mà nhiều người cứ tấm tắc mãi rằng hôn nhân chỉ hạnh phúc khi người ta chưa giàu đến thế khiến tôi thấy không phục chút nào. Tiền bạc liệu có phải là kẻ thù của hôn nhân?".
Dẫn chứng một câu nói: "Đàn ông sợ vợ bỏ vì nghèo- Phụ nữ sợ chồng bỏ khi giàu", nhà văn cho rằng, chuyện tiền nong, vật chất cũng là một thử thách trong cuộc sống hôn nhân. Đối với người phụ nữ là khi chồng họ nghèo túng, đối với đàn ông là khi họ giàu có.
"Rằng lúc đàn ông tay trắng, nhiều phụ nữ đã bỏ đi, ai còn ở lại hẳn phải rất yêu chồng. Rằng lúc đàn ông giàu có, nhiều ông đã phụ nghĩa tào khang mà có bồ bịch này nọ bên ngoài khiến nhiều phụ nữ lo sợ. Thật tiếc là điều này đã xảy ra khá nhiều trong cuộc sống hiện đại khiến nhiều người sợ lúc giàu có hôn nhân lại tan tành", anh Hoàng Anh Tú phân tích.
Tự nhận bản thân là một kẻ "sến súa, lãng mạn", Hoàng Anh Tú cũng thừa nhân anh từng đôi lần sợ hãi tiền bạc sẽ làm tan biến đi cuộc hôn nhân của mình. "Sợ chứ! Tôi sợ khi mình có nhiều tiền mình sẽ dễ hư hỏng hơn.
Dù yêu vợ đến mấy nhưng cuộc đời này ai dám chắc mình đủ bản lĩnh? Nên tôi vẫn lấy sự sợ vợ của mình ra mà tự giới hạn mình, đổ hết chuyện tiền bạc cho vợ mà cố sống như anh Vượng, anh Vũ: Không cần dùng đến tiền. Bởi tiền đã có…. vợ chi. Nhất quyết nếu vợ đòi bỏ mình sẽ giữ rịt lại vợ vì không có vợ thì chết đói. Vậy cũng là một cách để giữ hôn nhân vậy dù hơi… ăn vạ", nhà văn đưa ra quan điểm của bản thân và khẳng định, dù thế nào cũng sẽ "giữ rịt" vợ lại.
Gia đình hạnh phúc của ông Vũ, bà Thảo tan vỡ, rùm beng bởi những tranh chấp tài sản gay gắt.
Anh cũng nhận định rằng, những người nói không quan trọng tiền bạc bởi họ chẳng có nhiều tiền đến mức nó trở thành quan trọng thôi. Còn những người như ông Đặng Lê Nguyên Vũ hay Phạm Nhật Vượng, tiền bạc hẳn là vô cùng quan trọng. Bởi nó không chỉ nuôi sống họ mà còn là nguồn lực của tất cả những thứ họ có trong tay. Nếu không có tiền bạc, sự nghiệp của họ có thể tiêu tan ngay lập tức.
Với những người đứng đầu mũi tàu như vậy, hẳn nhiên họ có thể xếp gia đình xuống vị trí thứ 2, đằng sau sự nghiệp. Hoặc ngược lại, khi đặt gia đình ở vị trí thứ yếu, họ mới có thể trở thành những người dẫn đầu như vậy.
"Chúng ta không thể dùng tư duy của những kẻ chỉ có vài triệu, vài chục triệu trong tài khoản để đánh giá họ được. Thế nên thôi đừng phán xét họ! Có phán xét hãy phán xét chúng ta cũng là đàn ông như họ nhưng số tiền chúng ta kiếm về đã đủ khiến vợ ta hạnh phúc hay chưa? Chính xác thì là những phụ nữ, các chị đã cảm thấy hạnh phúc với số tiền chồng mang về chưa?", nhà văn đặt câu hỏi.
Anh cho rằng, tiền bạc ảnh hưởng nhiều đến hôn nhân lắm. "Nếu Trung Nguyên hôm nay không có giá trị nghìn tỷ hẳn vợ chồng bà Thảo ông Vũ chỉ đơn thuần là đệ đơn ly hôn rồi ai về nhà nấy chứ không phải tranh cãi 70-30 hay 50-50 như thế. Hoặc kể cả có tranh cãi thì họ cũng không trở thành tâm điểm dư luận như thế này. Ai đó nói còn nhiều lý do khác đi nữa thì theo dõi những tranh cãi trên tòa sẽ thấy rốt cục vẫn chỉ là chuyện ai sẽ sở hữu Trung Nguyên.
Người vợ tào khang từ ngày Vũ nghèo rớt mùng tơi hay một chủ tịch lẫy lừng bên cạnh người vợ cũng lừng lẫy không kém (bà Thảo đã khẳng định mình cũng là một nữ doanh nhân có tiếng tăm và năng lực) xét cho cùng chỉ là một cái áo khoác ngoài cho 2 con người đã từng đầu ấp tay gối có với nhau 4 mặt con.
Chính tiền bạc là thứ khiến họ phải nhấn chìm nhau trên tòa hôm nay. Tôi thấy nó thật giống với những cuộc nhấn chìm nhau giữa hai vợ chồng… nghèo ly hôn vì lý do tiền bạc. Khi mà người vợ có thể bật khóc kể chuyện nai lưng kiếm tiền mà chồng lười biếng đem tiền đi cờ bạc hay ngược lại, bao nhiêu tiền chồng kiếm ra, người vợ vung tay quá trán".
"Vậy cuối cùng, làm thế nào để hôn nhân đừng tan vỡ vì tiền? Hẳn nhiều người, như tôi, đều không muốn cho phép tiền bạc can thiệp vào sinh mệnh hôn nhân. Tôi thật không biết khi tôi có ngàn tỷ thì tôi sẽ thế nào nhưng tôi biết chắc một điều rằng cứ đưa hết tiền cho vợ đi. Nếu mất, bạn sẽ có cơ hội kiếm một cô vợ mới. Bằng không, bạn sẽ có tất cả.
Bởi trong hầu hết mọi trường hợp, phụ nữ luôn muốn giữ chồng còn đàn ông thì đuểnh đoảng lắm. Đàn ông có ít tiền trong túi thì đỡ hư hơn đàn ông có quá nhiều tiền. Đàn ông là cái giỏ, phụ nữ là cái hom luôn đúng trong nhiều trường hợp.
Và kể cả thế nào, anh Vượng hay anh Vũ có được ngày hôm nay cũng đều có một người vợ đứng đằng sau, cùng chiến đấu. Cho đến khi anh Vũ lên núi thiền ta mới có một chị Thảo đâm đơn ly hôn mà. Chứ nếu họ còn yêu nhau thì đúng như anh Vũ nói thôi "Tiền nhiều để mà làm gì…", mọi thứ vợ lo hết cả rồi!".