MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tiền nóng từ quỹ tỷ USD: Đừng mong đợi “bữa trưa miễn phí”

Một hợp đồng góp vốn tưởng chừng như nhà đầu tư chiến lược thực chất lại là một hình thức cho vay và tài sản thế chấp là cổ phiếu.

Một quỹ đầu tư khi chọn giải ngân vào một doanh nghiệp sẽ cân nhắc nhiều yếu tố, chọn cách đầu tư dài hạn hay chỉ là đầu tư tài chính. Nếu đầu tư dài hạn quỹ này sẽ chọn cách mua tỷ lệ tương đối, ít nhất trên 5% để có thể có tiếng nói trong ban quản trị. Còn lựa chọn đầu tư tài chính, họ sẽ chọn lựa hoặc công ty trả tỷ lệ cổ tức ở một mức hấp dẫn hoặc công ty có tiềm năng tăng trưởng để quỹ có thể được hưởng khoản chênh lệch đáng kể sau khi thoái vốn.

Mặc dù vậy trên thị trường xuất hiện một số quỹ lạ hoắc xuất hiện rất hoành tráng, tự giới thiệu quy mô lên tới hàng tỷ USD nhưng lại lựa chọn vào các doanh nghiệp có biến động giá cổ phiếu lớn và có thanh khoản cao mà không quan tâm nhiều đến yếu tố cơ bản. Thông thường, các quỹ này sẽ nhắm vào các doanh nghiệp bất động sản có nhu cầu vốn cao, hoặc các doanh nghiệp có nhu cầu vốn tăng thêm.

Quỹ sẽ được gì khi “cam kết” rót vốn?

Đại diện quỹ sẽ làm việc với phía doanh nghiệp và cam kết mua lại cổ phiếu của doanh nghiệp với số tiền cam kết thực hiện trong hợp đồng bằng nhiều phương thức khác nhau. Thời hạn hợp đồng thường là 2 – 3 năm hoặc dài hơn. Sau khi kết thúc thời hạn hợp đồng thì doanh nghiệp có nghĩa vụ mua lại cổ phiếu với giá trị tương ứng mà quỹ đã bỏ ra, đây là một hình thức cho vay và tài sản thế chấp là cổ phiếu.

Số cổ phiếu được thế chấp là những cổ phiếu không bị hạn chế giao dịch cho nên rủi ro là quỹ này có thể thực hiện giao dịch được khi số lượng cổ phiếu về tài khoản. Thông thường số cổ phiếu này được mua lại từ chủ tịch của doanh nghiệp đó hoặc cổ đông nội bộ.

Tiền sẽ rót về doanh nghiệp như thế nào?

Theo kế hoạch, quỹ sẽ không giải ngân một lần mà chia đều số tiền cam kết rót vốn thành nhiều số lần giao dịch trong tổng số ngày giao dịch.

Ngày giao dịch sẽ được quỹ quyết định và thông báo trước 2 – 3 ngày để bên Seller chuẩn bị số lượng cổ phiếu cho nên quỹ sẽ dựa vào diễn biến thị trường hoặc có chiến lược trading phù hợp.

Số tiền doanh nghiệp nhận được sẽ phụ thuộc vào giá cổ phiếu và khối lượng giao dịch với nguyên tắc là giá cổ phiếu và khối lượng giao dịch trung bình trong kỳ đó càng cao thì quỹ này sẽ càng mua nhiều. Do đó, ở kỳ giao dịch thứ nhất thì có khả năng doanh nghiệp sẽ nhận được toàn bộ số tiền, nhưng rủi ro ở kỳ giao dịch thứ hai là quỹ này có thể bán ra khi giá và khối lượng giao dịch tăng vì quỹ này có quyền giao dịch khi cổ phiếu về tài khoản và thời gian giao dịch cũng do quỹ chủ động lựa chọn ngày mua.

Đây là điểm lợi rất lớn trong hợp đồng này vì quỹ không cần bỏ ra quá nhiều tiền hoặc chỉ quay vòng tiền rất ít nhưng vẫn đảm bảo theo hợp đồng là giải ngân với tổng số tiền đã cam kết. Trong khi đó, doanh nghiệp có khả năng sẽ phải mua lại cổ phiếu do chính mình bán ra và tốn chi phí cho vấn đề mua/bán cổ phiếu để đảm bảo giá và khối lượng giao dịch tăng. Ngoài ra, doanh nghiệp còn phải chịu thêm mức phí tư vấn từ 2 – 3% và chịu hoàn toàn các khoản chi phí khác như thuế, chi phí thuê luật sư và thực hiện hợp đồng,

Điểm quyết định cho thương vụ này là yếu tố thị trường. Nếu thị trường tích cực thì doanh nghiệp có thể sẽ nhẹ nhàng hơn trong việc đảm bảo giá cổ phiếu và khối lượng giao dịch. Ngược lại thì doanh nghiệp sẽ chịu thiệt hại rất nặng.

Vì vậy, nhiều khả năng doanh nghiệp sẽ chịu thiệt hại nhiều hơn nếu thực hiện thương vụ này.

Theo Minh Nguyễn

Người đồng hành

Trở lên trên